Nếu kịch bản lạm phát tăng cao xảy ra, nhà đầu tư bất động sản nên làm gì?
Lạm phát tăng cao có thể khiến dòng tiền đổ mạnh vào bất động sản, nhưng các chuyên gia dự đoán thị trường có thể sẽ biến động.
Do lo ngại về lạm phát tăng cáo, nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào thị trường bất động sản. TS. Trần Nguyễn Minh Hải (ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, lạm phát ở phạm vi toàn cầu khiến "một đồng tiền ngày mai sẽ không còn giá trị bằng đồng tiền hôm nay". Với bối cảnh đó, nhà đầu tư sẽ cần rút tiền ra khỏi ngân hàng - bởi lãi suất ngân hàng không thể đuổi kịp tốc độ lạm phát, và đổ tiền vào kênh đầu tư khác.
Ông Vũ Trường Thắng, Tổng Giám đốc Winhousing nhận định, lạm phát sẽ tăng đồng nghĩa với xu hướng bất động sản hút dòng tiền mạnh. Nguyên do là vì chương trình phục hồi nền kinh tế của Chính phủ sắp tung ra nhiều khả năng sẽ cộng hưởng với giá xăng dầu, nguyên vật liệu chưa có dấu hiệu giảm. Theo vị chuyên gia này, đây là loạt dấu hiệu dự báo lạm phát sắp xảy ra, và khi ấy bất động sản sẽ trở thành kênh trú ẩn tiền an toàn.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, càng đầu tư bất động sản càng lớn thì càng tốt. Về mặt kinh tế học, khi lạm phát xảy ra, các nhà đầu tư trên thế giới sẽ chuyển sang đầu tư vàng, bất động sản và dầu. Chẳng hạn, nếu ta mua 1 căn nhà với giá 1 tỷ đồng, khi lạm phát xảy ra, giá trị sẽ tăng lên 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đó lãi suất sẽ càng cao, khả năng chi trả của người mua sẽ bị hạn chế.
Khi sức mua hạn chế, khả năng thanh khoản của nhà đất sẽ khó dự đoán. Các chuyên gia nhận định, kịch bản có thể lặp lại giai đoạn 2009 - 2010 khi lạm phát tăng cao. Thời điểm đó, thị trường bất động sản ghi nhận dòng tiền lớn, được coi là kênh "trữ tiền an toàn".
Nhưng đến năm 2011, do lạm phát bị đẩy cao, hàng loạt chính sách tài khóa mới đã được ban hành. Việc hạn chế dòng tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản cộng với mức cho vay ngân hàng tăng đột biến khiến bất động sản đóng băng. Hệ luỵ của sức cầu sụt giảm nghiêm trọng tất yếu kéo theo giá bất động sản đi xuống.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, không chỉ lo lắng việc FED tăng lãi suất, nhà đầu tư còn lo lắng trước sự bất ổn địa chính trị. Điều đó ảnh hưởng tới nhiều mặt của nền kinh tế, chẳng hạn như thị trường tài chính. Khi đó, người ta sẽ tìm tới các tài sản trú ẩn bền vững hơn, chẳng hạn như bất động sản.
Ông Phạm Anh Khôi, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Tài chính Bất động sản (FINA) cho rằng, bất động sản có mối tương quan với lạm phát, một khi lạm phát gia tăng, giá bất động sản thường có xu hướng tăng theo, bởi đây là kênh trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tùy vào các thời điểm khác nhau và ở mức lạm phát khác nhau, diễn biến có thể trái chiều.
Chẳng hạn, nếu là lạm phát theo kỳ vọng thì bất động sản sẽ tăng. Nhưng nếu lạm phát vượt kỳ vọng thì dẫn đến phản ứng dây chuyền khác nhau, ảnh hưởng ngược lại bất động sản. Đã có giai đoạn trước đó khi lạm phát vượt quá kỳ vọng khiến thị trường địa ốc sụt giảm nghiêm trọng.
Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển phân tích, khi lạm phát xảy ra, người dân có xu hướng lưu trú tiền vào vàng, bất động sản. Nhưng nếu ồ ạt đổ tiền vào bất động sản, bằng cách vay ngân hàng để mua nhà đất thì rủi ro rất lớn. Ông Hiển nêu ví dụ, giai đoạn 2011-2012, nhiều đại gia vì vay tiền ngân hàng đầu tư bất động sản đã phá sản do ngân hàng điều chỉnh lãi suất vay cao để bù lạm phát. Chưa kịp đợi bán bất động sản thì nhà đầu tư đã ngộp trong nợ nần.
Theo Hải Nam/Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: Nếu kịch bản lạm phát diễn ra, nhà đầu tư nên "ôm hàng" hay bán tháo cổ phiếu?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận