Mẹ bỉm sữa qua Pháp định cư, tự học móc len rồi viết sách, trở thành tác giả nổi tiếng lúc nào không hay
Vốn là người có nhiều hoa tay, mẹ bỉm sữa Việt này đã mày mò học móc len lúc con ngủ trưa, rồi viết sách hướng dẫn và tự chủ tài chính.
Từ lâu, tôi vẫn "phục lăn" các mẹ bỉm sữa bởi chị em lúc nào cũng tất bật tay chân mà làm gì cũng giỏi. Ở nhà trông con đã đành, các chị còn bận rộn việc nhà, cơm nước,... đủ cả, ấy vậy mà hầu hết ai làm gì cũng khéo.
Chẳng hạn như chị Hoàng Thị Ngọc Anh (SN 1992) dưới đây, một mẹ bỉm sữa Việt ở trời Tây này là ví dụ điển hình. Chị Ngọc Anh là cựu sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân, sau khi tốt nghiệp thì kết hôn với một anh chàng người Pháp rồi sang Pháp định cư. Sau này, ngoài việc chăm chút cho tổ ấm nhỏ, mẹ bỉm sữa còn tìm tòi học hỏi và theo đuổi đam mê của riêng mình.
Mày mò học móc len lúc trông con ngủ
Tuy là sinh viên ngành kinh tế, nhưng 9x lại là người rất đam mê làm đồ thủ công. Trước kia, chị từng có một shop online chuyên nhận vẽ tranh chibi, nhưng từ sau khi sinh con thì tạm gác lại. Một lần nọ, khi con gái đang ngủ trưa thì mẹ bỉm sữa rảnh tay xem Instagram, rồi vô tình biết tới bộ môn móc len (crochet).
Khi ấy, chị thấy bức ảnh của một bà mẹ khác chụp con gái đội một chiếc mũ len tự làm vô cùng đáng yêu thì vô cùng ấn tượng. Sau một hồi tìm hiểu, chị mới biết đó là móc len, một bộ môn khá xa lạ. Tuy nhiên, thấy thành quả xinh xắn, chị quyết định đặt mua đồ nghề, sách vở về học. Sau một thời gian chật vặt, sản phẩm đầu tiên của chị là chiếc mũ tai mèo chi chít lỗi. Mẹ bỉm sữa lòng vui như mở cờ, liên cho con đội mũ rồi chụp cả trăm bức hình mang đi khoe.
Càng làm càng thấy hay, chị Ngọc Anh tham gia các hội nhóm cùng sở thích để cùng giao lưu, học hỏi. Chị nhớ lại, những sản phẩm đầu tiên còn nhiều vụng dại nhưng cô luôn nhận được lời khen ngọt ngào từ các bà, các mẹ người Pháp vốn dĩ rất lịch sự.
9x tâm sự: "Cái khó nhất ban đầu khi tự học là đọc hiểu hướng dẫn tiếng Anh, tiếng Pháp và ghi nhớ kí hiệu của các mũi len. Nhưng ngoài đọc hướng dẫn thì mình cũng xem song song video trên YouTube nên cũng hiểu nhanh hơn". Được cái, anh chồng người Pháp của chị rất ủng hộ vợ, còn khuyến khích chị phát triển đam mê.
Thế rồi, móc len từ một thú vui lúc rảnh rỗi đã dần trở thành một nghề tay trái hay ho với chị. Từ các sản phẩm ban đầu là mũ, khăn, túi,... chị mày mò sáng tạo, thiết kế làm thú bông, búp bê, đồ chơi,... Chỉ sau khoảng 6 tháng từ khi biết đến móc len, Ngọc Anh đã cho ra mắt mẫu móc đầu tiên.
Mẹ bỉm sữa nhớ lại: "Mình đăng lên các hội nhóm móc len, cũng chưa nhận được nhiều chú ý và tương tác của mọi người. Nhưng mình nghĩ đấy là chuyện bình thường vì cái gì cũng cần có thời gian, cũng giống như những bức tranh mình vẽ trước đó. Mình cũng tự tin rằng bản thân có nhiều ý tưởng riêng mà chưa ai làm cả, nên vẫn tiếp tục làm, kể cả nếu không có ai thích, thì ít nhất là cũng thoả mãn được đam mê sáng tạo của bản thân".
Từ thú vui lúc rảnh đến "cần câu cơm"
Đến khi bắt đầu xem đây là công việc nghiêm túc, Ngọc Anh bắt đầu ấp ủ ước mơ viết sách của riêng mình. Chị vừa móc len, vừa đăng tải mẫu móc mới lên Instagram, lượng người theo dõi cứ thế tăng theo từng ngày. Và rồi, chỉ sau 10 tháng từ ngày bắt đầu học móc len, chị nhận được lời mời viết sách của hai nhà xuất bản.
Ngọc Anh chia sẻ: "Không hiểu sao nhà xuất bản lại chọn mình... Mình không ngờ là mọi thứ đến nhanh như vậy. Lúc ấy tài khoản Instagram của mình cũng chỉ có tầm 10.000 người theo dõi (bây giờ con số ấy đã là 134.000) và mới cũng chỉ thiết kế được khoảng 10 mẫu".
Nhận lời đề nghị, ban đầu mẹ bỉm không khỏi lo lắng. Chị hiểu rằng viết content trên mạng xã hội là một chuyện, viết thành sách là chuyện khác. Nhưng 9x cũng lo rằng, nếu mình từ chối cơ hội lần này, không biết bao giờ cơ hội tiếp theo mới đến. Nếu cứ sợ hãi, thì đến bao giờ mình mới tự tin bắt đầu. Nghĩ thế, Hoàng Thị Ngọc Anh nhận lời viết sách.
Khó khăn đầu tiên là việc diễn giải các kỹ thuật như thế nào cho dễ hiểu nhất, sắp xếp nội dung của cuốn sách sao cho khoa học nhất, rồi các mẫu thiết kế ra có được đúng như những gì mình muốn hay không... Nhất là khi chị lại viết sách không bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Đó là chưa kể, thời gian đó chị còn phải bận rộn thiết kế mẫu móc len khác, vừa duy trì tương tác MXH, vừa có thu nhập ổn định.
Nói thì dễ, làm thì khó, mẹ bỉm sữa Việt phải gặp không ít khó khăn. Bên cạnh việc sáng tạo sản phẩm mới, chị còn phải tìm hiểu về vấn đề bản quyền. Có không ít lần, bài hướng dẫn của chị bị chia sẻ miễn phí tràn làn, lại có người bán đi bán lại hướng dẫn của chị. Cuối cùng, Ngọc Anh chọn hướng đi là không móc bán từng sản phẩm, mà là thiết kế, viết hướng dẫn và viết sách dạy móc len.
Mẹ bỉm sữa giải thích: "Ví dụ như mình viết hướng dẫn móc ở dạng file pdf. Khi mọi người mua thì mình sẽ gửi qua email. Hoặc ở một số dự án, mình sẽ làm ‘kit’ móc và bán chúng để mọi người về tự tay làm theo hướng dẫn. Việc thiết kế một mẫu móc có thể mất một vài ngày, một vài tuần thậm chí cả tháng, nhưng khi thiết kế và viết hướng dẫn xong rồi thì hướng dẫn của mình chính là một sản phẩm và mọi người có thể mua liên tục, mọi thời điểm, mãi mãi.
Ngoài ra, cá nhân mình không thích làm đi làm lại một thứ giống hệt nhau, nên không đủ kiên nhẫn để móc đi móc lại một hay nhiều mẫu chỉ để bán. Mình luôn thích sáng tạo ra những mẫu mới, và cũng muốn lan toả những thiết kế của mình tới nhiều người, giúp nhiều người cũng làm được những thứ xinh đẹp giống mình. Thế nên việc thiết kế mang lại giá trị tinh thần rất lớn cho mình".
Giờ đây, ở tuổi 30, Ngọc Anh là một mẹ bỉm sữa nổi tiếng trên mạng xã hội, có trong tay trang Instagram với hơn 100.000 lượt theo dõi. Chưa kể, chị còn có 2 cuốn sách (một tiếng Anh, một tiếng Pháp) đã được xuất bản và dịch ra 6 thứ tiếng khác, cũng như sắp sửa có cuốn sách thứ 3. Ngoài viết sách và viết hướng dẫn đơn thuần, chị còn hợp tác làm việc với các tạp chí, hãng len, công ty xoay quanh việc thiết kế thú len. Chị bật mí thêm, hiện thu nhập của bản thân đđã giúp chị tự chủ tài chính và có cuộc sống tốt ở nước Pháp.
Chia sẻ về kinh nghiệm thành công của mình, mẹ bỉm sữa có nói một câu khiến tôi vô cùng thấm thía. Ngọc Anh nói: "Hãy kiên nhẫn và cho mình thời gian. Thầy giáo dạy toán cấp 2 của mình từng nói một câu mà mình luôn ghi nhớ: Vận may cũng chính là một dạng năng lực. Thế nên, mình luôn tự nhủ nếu mình chưa gặp may mắn tức là mình chưa đủ năng lực, mình phải cố gắng nhiều hơn nữa".
Theo Vietnamnet
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận