Nỗ lực phi thường của chàng shipper người Dao không tay từng vượt hàng trăm km để giao hàng
Dù không có đôi tay lành lặn, nhưng nhiều năm qua chàng trai người Dao Lý Láo Lở vẫn chăm chỉ với công việc shipper để kiếm sống.
Cách đây vài năm, cư dân mạng không khỏi xúc động trước câu chuyện của chàng shipper người Dao không tay Lý Láo Lở (thường gọi là Anh Khang). Dù không có đôi tay lành lặn, anh vẫn cố gắng làm mọi việc, thậm chí là cả công việc giao hàng đầy vất vả. Thế nhưng, với anh Khang, làm shipper là một niềm vui lớn lao và cũng là công việc anh đầy tự hào.
Biến cố năm 15 tuổi làm thay đổi cuộc đời
Anh Lở tâm sự, vốn dĩ anh sinh ra bình thường, nhưng mọi chuyện đã thay đổi vào năm 15 tuổi. Khi ấy, anh đang xách phích nước nóng đi trên sân trường, không may luồng điện cao thế từ trên phóng trúng. Tai nạn khi ấy đã khiến anh vĩnh viễn mất đi đôi tay. 8x Lào Cai nhớ lại: "Khi bị tai nạn, mình ngất đi. Cả làng bảo mình không sống được nên đừng cứu nữa, đưa về nhà để chôn cất thôi. Nhưng còn nước còn tát, người thân đưa mình xuống Viện bỏng ở Hà Nội điều trị. Mình may mắn qua cơn nguy kịch nhưng các bác sĩ đã phải cưa cả hai cẳng tay của mình đến sát khuỷu tay".
Tỉnh dậy trong bệnh viện với đôi tay không lạnh lặn, cơ thể đau đớn vì bỏng nặng khiến anh Lý Láo Lở choáng váng, bật khóc nức nở. Từ một người lành lặn, giờ mọi chuyện từ đánh răng, rửa mặt đều phải nhờ cậy tới sự giúp đỡ của người thân. 8x cảm thấy đau đớn, tuyệt vọng, tưởng như tương lai như đang đóng sầm lại trước mắt mình, không dám đi học vì mặc cảm.
Thế nhưng nỗi đau cũng dần vơi đi, Lý Láo Lở nghĩ rằng mình không thể trở thành gánh nặng gia đình mãi. Anh nói: "Mất 5 tháng, đôi tay mình dần hồi phục, còn về mặt tinh thần và tập luyện cho nó có thể làm việc được, mình cũng không nhớ là bao lâu nữa".
Nỗ lực học hành, tự mình bươn trải
Sau một thời gian, 8x Lào Cai dần quen với việc tự làm mọi thứ bằng đôi bàn tay nhỏ bé. Anh nói: "Chuyện gì không làm được, mình cứ cố thử 1-2 lần, đến lần thứ 3, thứ 4 thì khá hơn và dần dần làm thành thạo".
"Tàn nhưng không phế", sau 3 năm gặp tai nạn, Lở quyết định quay lại trường học. Anh tự nhủ các bạn cố gắng một thì mình phải cố gắng mười, dù vất vả cũng không được chùn bước. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh thi đỗ mộ trường cao đẳng về kế toán trên Hà Nội. Anh tâm sự: "Gia đình khó khăn, mình đi học được là nhờ ba nuôi người Hàn Quốc giúp đỡ và làm thêm để trang trải cuộc sống". Mẹ nuôi cũng đặt cho anh một cái tên mới dễ đọc hơn, là Anh Khang.
Sau một thời gian theo học, anh thấy con đường ấy không phù hợp với mình. Thế là chàng trai ấy quyết định một lần nữa dùi mài kinh sử để thi lại. Cuối cùng, anh thi đỗ ngành Khoa học quản lý ở ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, học song song chương trình cao đẳng với hi vọng sau khi ra trường sẽ có công việc ổn định. Hào hứng cầm hồ sơ đi xin việc, anh sốc khi liên tục nhận những cái lắc đầu.
Lở tâm sự: "Có lẽ nhìn mình với đôi tay này, họ nghĩ mình sẽ chẳng làm được việc gì nên hồn đâu nên không dám nhận. Mới đầu khi xin làm shipper, người ta cũng không tin mình sẽ làm được. Nhưng bây giờ thì mình có nhiều khách hàng lắm, mọi người cũng bắt đầu tin tưởng mình nhiều hơn".
Dốc hết số tiền dành dụm khoảng 2 triệu đồng, anh mua lại một chiếc xe máy cũ để đi làm. Sau đó, anh nhờ thợ sửa lại xe thoe ý mình để có thể điều khiển dễ dàng hơn. Lâu dần thành quen, giờ mỗi ngày anh có thể đi hàng chục, thậm chí cả trăm km để giao hàng. Đã nhận đơn của khách thì dù bất kể ngày nắng hay mưa, chàng trai ấy đều lên đường.
Anh kể: "Ship hàng khó nhất là khâu chằng buộc hàng. Với đơn hàng to để chằng được rất vất vả. Còn việc di chuyển trên đường thì tôi quen rồi, không có gì khó đâu vì phần tay lái của xe máy đã được thiết kế cho phù hợp với đôi tay tôi".
Giải cứu khoai môn cho dân bản, quyết tâm khởi nghiệp
Vào giữa năm 2018, người Dao Đỏ ở thôn Pạc Tà, quê hương của anh Lở bắt đầu trông thêm cây khoai môn. Khi về thăm quê, 8x vô cùng ngạc nhiên khi biết được sản lượng khoai môn của người dân có thể thu hoạch lại nhiều đến vậy. Anh tâm sự: "Ở trên đó, dân thường canh tác theo kiểu tự phát. Thấy nhà bên trồng gì là họ có xu hướng làm theo. Khi mình hỏi sẽ tiêu thụ khoai môn như thế nào vì sản lượng rất lớn thì mọi người cho biết sẽ để lại ăn dần, do chưa có ai hỏi mua cũng chẳng biết bán bằng cách nào".
Với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề giao hàng, 8x quyết định đem nông sản của bà con xuống Hà Nội. Ngay từ khi mới đăng bán trên Facebook cá nhân, anh đã nhận được tới tấp đơn đặt hàng. Anh kể: "Mình rất bất ngờ khi rao bán khoai môn lại được mọi người quan tâm, ủng hộ nhiều như vậy. 2 tuần qua, dù mình đã đi giao từ sáng sớm đến tối mịt mới nghỉ nhưng không xuể do đơn hàng quá nhiều".
Hàng ngày, dù cố gắng lắm nhưng một mình người shipper này chỉ giao được từ 25-30 đơn hàng, nhưng lượng khoai môn trên bản cũng vơi dần. Anh nói: "Mình xin được gửi lời cảm ơn tới mọi người khi đã ủng hộ nhiệt tình. Người dân ở quê vui lắm, liên tục gọi điện để hỏi han và có ý định sẽ tiếp tục trồng trong mùa vụ tới nếu mọi việc thuận lợi".
Tình yêu ngọt ngào với người vợ H'Mông kém 11 tuổi
Cách đây 4 năm chuyện cưới vợ với chàng trai người Dao này là một ước mơ xa xỉ. Mọi chuyện thay đổi khi anh tình cờ quen chị Dương Thị Kia (SN 1998), cô gái dân tộc H’Mông ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang trên mạng xã hội. Tình yêu của đôi trẻ tới rất nhanh và tự nhiên, anh Lở từng tự chạy xe máy từ Hà Nội tới Tuyên Quang để thăm Kia. Cứ thế, đều đặn hàng tháng, Khang lại vượt 202 km lên chơi với người yêu.
Sau 5 tháng hẹn hò, anh ngỏ ý muốn cưới cô gái H'Mông làm vợ. Thế nhưng, chuyện kết hôn của họ bị gia đình nhà gái phản đối. Anh kể: "Mình xin phép mẹ Kia đến lần thứ 4 vẫn không nhận được đồng ý. Mẹ sợ rằng tay mình thế này không đủ sức khỏe để chăm sóc cho vợ. Sau đó, mình nhờ cô nói chuyện giúp thì bà mới xuôi dần. Đến giờ, chỉ duy nhất cậu vợ vẫn phản đối".
Hồi giữa năm 2020, cặp đôi làm đám hỏi nhỏ, sinh lễ chỉ có đôi gà. Thông cảm với gia cảnh côi cút, nghèo khó của anh Lở, nhà gái chỉ thách cưới 1 con lợn và chút tiền của hồi môn. Anh nói: "Theo phong tục dân tộc mình, đám cưới phải làm cỗ mời cả bản. Mình không còn bố mẹ, em trai thì nghèo khó nên tự mình trang trải. Giờ chưa đủ điều kiện nên tổ chức ở nhà gái trước".
Anh cho biết thêm, thu nhập nghề giao hàng đủ để anh sinh sống ở Hà Nội, nhưng anh không muốn làm công việc này mãi. Sau khi tích cóp được chút vốn liếng, anh chuyển hẳn sang kinh doanh nông sản vùng cao. Dù lãi lời không nhiều, nhưng anh vẫn cảm thấy vui vì giúp được bà con vùng núi. Trong căn nhà thuê nhỏ, anh bày biện một số đặc sản như gạo Séng cù Lào Cai, trâu gác bếp, thịt lợn sạch.
Đợt dịch năm ngoái, anh không dám nhập nhiều hàng, thu nhập khá khó khăn. Anh dự định nếu điều kiện kinh tế vẫn không ổn hơn, anh sẽ trả nhà ở Hà Nội và đưa vợ về quê kiếm sống. Anh nói: "Ở trên đó mình có nhà, hiện cho thuê để người ta làm kho với giá 1 triệu/tháng. Về quê rồi mình vẫn có thể buôn bán qua mạng, ship đi khắp nơi mà lại giảm chi phí nhập hàng".
Xem thêm: 9x Thanh Hóa "nổi như cồn" vì làm tương ớt Lê Minh Cương: Khởi nghiệp thất bại, làm lại với 45 triệu
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận