Lạm phát tăng cao, thị trường bất động sản có thoát "băng", sôi động trở lại như trước?
Theo các chuyên gia, khi tình trạng lạm phát tăng cao, dòng vốn của các nhà đầu tư trở lại bất động sản để trú ẩn sẽ rất mạnh.
Thị trường bất động sản chững lại
2 năm vừa qua, bất chấp đại dịch COVID-19, những cơn sốt đất ở các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn nổi lên như diều gặp gió. Khi ấy, sốt đất không chỉ loanh quanh Hà Nội hay TP.HCM, mà đã len lỏi về vùng nông thôn, miền núi.
Đặc biệt là sau Tết Nguyên đán 2022, dòng tiền tiếp tục đổ vào bất động sản khiến giá cả tăng chóng mặt. Nguyên do chính là do nỗi lo lạm phát, nhiều người tìm tới bất động sản làm kênh trú tiền. Tuy nhiên, đến giữa năm nay, thị trường bắt đầu hạ nhiệt, thậm chí "đóng băng" vì nhiều yếu tố.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, giá bất động sản cuối năm sẽ diễn ra theo hai chiều hướng. Ông nhận định: "Đầu tiên, những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính không chịu được áp lực lãi suất sẽ phải cắt lỗ, khi đó giá sẽ giảm. Nhưng bộ phận này chỉ là số ít.
Tiếp theo, do những chính sách quản lý bất động sản hiện nay đang được làm chặt, khiến lượng hàng giảm đáng kể, phân khúc trung cấp, giá rẻ gần như không có, nên việc tăng giá của thị trường bất động sản vẫn có thể diễn ra vào dịp cuối năm".
Cũng theo vị chuyên gia này, thị trường bất động sản phát triển quá nhanh trong 2 năm qua. Vì thế, cơ quan chức năng buộc phải siết chặt quản lý hoạt động đầu cơ, đưa ra nhiều biện pháp để chống thổi giá.
Ông Thịnh nói thêm: "Giá bất động sản đã tăng cao, cách xa thu nhập trung bình của người lao động. Nên việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng để giá nhà phù hợp với thu nhập, mức sống hiện nay của người Việt Nam là quan trọng và hợp lý".
Giá tăng nhưng thanh khoản kém
Bà Võ Thị Vân Khánh, giảng viên Học viện Tài chính nhận định, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát. Trong tình trạng lạm phát tăng cao, dòng vốn từ người dân sẽ trở lại bất động sản rất mạnh.
Bà Khánh nhận định: "Khi lạm phát cao, không chỉ những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi, mà nguy cơ cả giới doanh nghiệp cũng muốn đổ vốn vào bất động sản do e ngại giá sản xuất đầu vào tăng nhanh. Nói cách khác, khi lạm phát cao, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh sẽ kém hấp dẫn hơn so với đầu cơ tài sản".
Cũng theo vị chuyên gia này, cuộc đua bất động sản sẽ khiến giá cả thị trường tiếp tục leo thang, các nguồn lực xã hội sẽ dồn hết vào đất. Thị trường dễ tích tụ nhiều rủi ro tiềm tàng, nếu mua sớm với mức giá thấp thì rủi ro thấp, nhưng càng về sau thì càng rủi ro cao.
Bà Khánh cho rằng, về cơ bản, lạm phát và giá bất động sản di chuyển cùng hướng với nhau. Vị chuyên gia này cho hay: "Trong quá khứ, lạm phát cao từng khiến giá bất động sản tăng cao và bị trì trệ. Người bán giữ giá cao, nhưng không có người mua. Nói cách khác, lạm phát cao, giá bất động sản tăng, nhưng tính thanh khoản có thể không tăng tương ứng và làm xuất hiện nghịch lý, nhiều bất động sản, nhưng không có tiền. Khi đó, việc dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho nhà đầu tư và gây áp lực lên hệ thống ngân hàng".
Vì vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền mua bất động sản. Những người có vốn mỏng thì nên đầu tư vào khu vực gần trung tâm, tuy lợi nhuận ít nhưng dễ thanh khoản. Ngoài ra, nên chú ý các phân khúc có nhu cầu ở thực như căn hộ tầm trung, nhà ở giá rẻ,... Với những nhà đầu tư định bán lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó, tránh thiệt hại do trữ tiền mặt nhàn rỗi.
Theo Minh Tâm/Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: Sốt đất hạ nhiệt, thanh khoản thấp, nhiều môi giới bất động sản đau đầu vì bị khách trách mắng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận