Nhà đầu tư đấu giá đất: Hiếu thắng đu đỉnh, tưởng kiếm lời ai ngờ lỗ chổng vó
Không ít nhà đầu tư đang tham gia đấu giá đất với tâm lý hiếu thắng, sẵn sàng đu đỉnh trả giá cao mà không ngờ rằng đó là quyết định sai lầm.
Vài năm trở lại đây, các phiên đấu giá đất liên tục được tổ chức, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Đất đấu giá nhanh chóng trở thành "món khoái khẩu" của giới đầu tư địa ốc vì họ có thể thu lời nhanh chóng.
Chẳng hạn, khi sốt đất đang ở đỉnh, chỉ cần mua thành công từ các phiên đấu giá, nhà đầu tư có thể sang tay ngay. Tiền chênh lệch từ 50 - 100 triệu đồng/lô, người trúng nhiều lô có thể lời lãi tiền tỷ. Tất nhiên, "đi đêm lắm có ngày gặp ma", những nhà đầu tư quá hiếu thắng mà bỏ giá quá cao, giờ đang khốn khổ vì ế hàng.
Anh N.T là một nhà đầu tư tay ngang ở Hà Nội, tham gia thị trường nhiệt tình nhất vào giai đoạn năm 2020 - 2021. Anh đổ tiền vào các phiên đấu giá đất ở khắp nơi Phú Thọ, Thái Bình, Thái Nguyên, ven Hà Nội,... Khi ấy, đa phần sau kết thúc phiên đấu giá xong anh bán ngay tại khu đất, chênh 50 - 100 triệu đồng/lô.
Thấy kiếm tiền ngon ăn, anh nghĩ rằng cứ đấu giá đất rồi bán chênh là có lời. Hồi cuối năm 2021, anh tham gia phiên đấu giá khoảng 50 lô đất ở Thanh Oai (Hà Nội), giá khởi điểm từ 5 triệu đồng/m2. Tại phiên đấu giá này, anh trả giá cao vọt lên hẳn 8 lần, lên tới 40 triệu đồng/m2 để mua lô đất rộng 75m2.
Có điều, sau khi kết thúc phiên, anh T. rao bán mãi mà chẳng có ai mua. Lúc này có bỏ cọc thì tiếc, anh đành cắn răng xoay đủ tiền đóng mua đất. Nhà đầu tư than thở: "Nhiều phiên đấu giá cứ mua được xong là ra bán chênh ngay được, đơn cử như phiên đấu giá ở Thái Nguyên tôi trúng 4 lô đất, bán chênh lãi ngay 100 triệu đồng/lô. Nhưng đến hôm sau, 4 lô đất đó chênh lên đến 200 triệu đồng/lô so với giá tôi trúng. Đến lần đó, vì trả quá cao trong khi thị trường đang bán với giá khoảng 30 triệu đồng/m2 nên khó bán. Lúc ấy, tất cả phân khúc bất động sản đều sôi động, giá liên tục tăng nên tôi vẫn xoay xở mua chờ một thời gian sau giá tăng nữa sẽ có lãi".
Dù vậy, mọi toan tính của anh T. đổ vỡ khi thị trường bất động sản đột ngột chững lại vào năm 2022. Đến giờ, lô đất trăm triệu của anh T. vẫn đang ế ẩm. Anh than thở: "Tôi rao bán liên tục từ lúc mua tới giờ nhưng không bán được vì lỡ mua giá quá cao. giờ thị trường khu vực này vẫn đang chỉ rao bán khoảng 30 triệu đồng/m2 thôi. Muốn bán thì phải chấp nhận lỗ, nhưng lỗ sâu quá nên chắc tôi vẫn phải giữ lại thời gian dài".
Một nhà đầu tư khác ở Hà Nội, anh H.T. cho hay, năm 2021 anh cũng tham gia phiên đấu giá đất ở huyện Việt Yên (Bắc Giang). Anh kể: "Thời điểm cuối năm 2021, thị trường bất động sản khu vực này vẫn được nhiều người quan tâm. Các phiên đấu giá ở Bắc Giang thời điểm đó lúc nào cũng đông kín. Không khí hừng hực nên đa phần toàn giá cao gấp 2 - 3 lần so với giá khởi điểm. Cuối cùng tôi trúng được lô đất 80m2, với giá 35 triệu đồng/m2, gấp 2,2 lần so với khởi điểm".
Ngay sau khi hết phiên, đã có người hỏi mua lô đất của anh, trả giá chênh 200 triệu đồng. Thế nhưng, anh không bán vì nghĩ thị trường đang sốt nóng, giữ lại sẽ thu lời nhiều hơn. Đến giờ, thị trường nơi này đã hạ nhiệt, nhà đầu tư này rao bán suốt vẫn chưa bán được. Anh than thở: "Bây giờ tôi thấy nhiều người bán lỗ để thu hồi vốn về, thực tế mảnh đất tôi mua khi đó giá đã cao hơn thị trường, mình kỳ vọng nên bỏ giá đó. Nếu giờ muốn bán thì phải cắt rất sâu".
Lý giải vấn đề này, anh Nguyễn Văn Hải, nhà đầu tư lâu năm ở Hà Nội nhận xét, nguồn cung bất động sản pháp lý tốt thời gian qua không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư. Ai cũng muốn đầu tư đất thời điểm đó, khiến đất đấu giá trở thành điểm sáng của thị trường khi có lợi thế pháp lý.
Các phiên đấu giá nhanh chóng trở thành "chợ đầu mối" để các nhà đầu tư mua bán. Không ít người sau khi trúng được sẽ bán ngay, ăn chênh tiền lời kha khá. Vì thế, không ít người thấy "ngon ăn", bắt đầu lũ lượt tham gia. Các phiên đấu giá đất cứ vậy mà "sốt hừng hực", giá cao ngất ngưởng.
Anh Hải cho biết: "Vào các phiên đấu giá, tâm lý người tham gia rất hiếu thắng, phải mua bằng được đất. Thậm chí, có những nhóm cò mồi tham gia chỉ để trả cao vọt lên để thiết lập mặt bằng giá đất mới trong khu vực và chấp nhận bỏ cọc để bán những lô đất bên ngoài. Thấy người trước trả giá cao vọt mua được nên những người sau, tâm lý không vững cũng nghĩ phải trả cao mới mua được. Cuối cùng ôm đất vào thì khó thanh khoản vì thị trường không chấp".
Tuy nhiên, đầu tư bất động sản vẫn còn không ít rủi ro, nhà đầu tư nên lưu ý. Theo anh Hải, đấu giá đất vốn có nền tảng pháp lý tốt, nên những ai không sử dụng đòn bẩy có thể giữ hàng chờ thị trường hồi phục. Còn với những người đã vay tiền đầu tư, hãy cân nhắc tới khả năng trả nởj.
Nhà đầu tư này chia sẻ thêm: "Cũng có nhiều trường hợp đi đêm lắm sẽ có ngày gặp ma, vì một vài lần đã bán chênh được ngay nên tưởng lần sau cũng sẽ trót lọt nhưng cuối cùng lại mắc cạn. Trước khi tham gia đấu giá, nhà đầu tư cần khảo sát kỹ giá đất giao dịch trong khu vực để cân nhắc bỏ giá, tránh trường hợp mua giá quá cao nếu ôm thì khó thanh khoản mà bỏ cọc thì mất tiền. Thực tế, đất đấu giá ở nhiều nơi hiện nay giá khởi điểm đã gần sát với giá thị trường giao dịch".
Theo Minh Tâm/Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: Hà Nội nhộn nhịp đấu giá đất trở lại, mức trúng chênh lớn hàng chục tỷ đồng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận