Cảm phục hai chiến sĩ Cảnh vệ ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kịp thời cứu người trong cơn nguy kịch
Nhờ phát hiện kịp thời, hai chiến sĩ Cảnh vệ ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội) đã kịp giải cứu một người đàn ông không may lên cơn co giật khỏi cơn nguy kịch.
Mới đây, hình ảnh ghi lại cảnh hai chiến sĩ Cảnh vệ kịp thời cứu người gặp nguy kịch gần Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (thường gọi Lăng Bác) được lan truyền chóng mặt. Cư dân mạng không khỏi cảm phục và hết lời khen ngợi hành động của hai chiến sĩ.
Cụ thể, vào lúc 14h40 phút ngày 28.5, khi đang làm gác nhiệm vụ ở trạm gác cột cờ trước Lăng Bác, Trung sĩ Hoàng Văn Nguyên (thuộc Trung đội 3, Đại đội 1, Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an) bất ngờ nghe thấy tiếng kêu cứu. Phát hiện tiếng kêu đến từ phía Nam đường Hùng Vương (quận Ba Đình, Hà Nội), anh Nguyên lập tức chạy lại xem xét tình hình, lấy bộ đàm báo cáo về Trung tâm chỉ huy để gọi xe cấp cứu.
Nạn nhân là anh Dương Tài Quyết (SN 1982, trú tại phường Dân Chủ, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) lúc này đang lên cơn co giật mạnh, mất dần ý thức. Không chần chừ việc sơ cứu, trung sĩ Nguyên đã dùng tay của mình cậy hàm răng anh Quyết để tránh bị cắn vào lưỡi, gây nguy hiểm đến tính mạng. Anh nhớ lại: "Lúc đó, em chả kịp suy nghĩ gì, chỉ nhanh chóng đưa tay cho anh Quyết cắn để tránh anh ý cắn vào lưỡi, gây nguy hiểm tới tính mạng".
Nhận được tin báo, Thượng úy Trần Đình Đạt, chiến sĩ của Trung đội 3, Đại đội 1 ngay lập tức chạy đến hỗ trợ. 15 phút sau, xe cấp cứu đã kịp thời tới hiện trường, đưa anh Quyết đến bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn, Hà Nội cấp cứu. Về phía Trung sĩ Hoàng Văn Nguyên, vết thương do anh Quyết cắn ở ngón tay cái của bàn tay phải, bị chảy nhiều máu. Y tế Trung đoàn 375 đã nhanh chóng xử lý vết thương.
Tối cùng ngày, đại diện Trung đoàn 375 đã tới hỏi thăm tình hình sức khỏe, động viên anh Quyết và người nhà. Anh Quyết đang được điều trị tại khoa điều trị nội trú, sức khỏe dần bình phục. Được biết, lúc đó anh đang cùng vợ con và em gái vợ ra Hà Nội chơi, đang tham quan khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau khi biết tin, Thượng tá Trịnh Công Rụy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 375 đã biểu dương việc làm hết lòng vì nhân dân phục vụ của Trung sĩ Hoàng Văn Nguyên và Thượng úy Trần Đình Đạt. Ngoài ra, gia đình anh Quyết cũng đã gửi lời cảm ơn tới hai chiến sĩ Cảnh vệ.
Tuy hai chiến sĩ Cảnh vệ đã kịp thời cứu nạn nhân bị co giật, nhưng theo các y bác sĩ, cách sơ cứu nhét tay vào miệng nạn nhân chưa chính xác. Việc chèn tay hoặc vật gì đó vào hàm răng đang nghiến chặt khá khó khăn, có thể làm sai khớp thái dương, hàm. Hơn nữa, lưỡi ít khi chị chấn thương nặng, chủ yếu là trầy xước và có thể tự khỏi.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM từng chia sẻ cách sơ cứu như sau:
- Quan sát bệnh nhân có tự thở được sau cơn co giật hay không? Nếu bệnh nhân không thở được (rất hiếm xảy ra trường hợp này) thì khi đó mới cần can thiệp bằng cách hô hấp nhân tạo.
- Đợi sau 2-3 phút mà cơn co giật vẫn tiếp tục thì cần đưa bệnh nhân vào bệnh viện.
- Chờ cho bệnh nhân hồi tỉnh (sau giai đoạn hôn mê) hỏi bệnh nhân có tiền sử động kinh hay không, có đang điều trị và khuyên bệnh nhân đi khám bệnh tại bệnh viện tâm thần.
- Cầm máu vết thương (nếu có) do bị té ngã lúc co giật.
- Nếu trẻ lên cơn co giật, động kinh, phụ huynh không nên tụ tập quá đông gần bé, nới lỏng quần áo, cởi khăn quàng,... để bé dễ thở.
- Bình tĩnh đặt trẻ nằm xuống, đầu hơi cao và nghiêng về một bên để tránh bị sặc đường thở, nếu đang ăn gì trong miệng thì nên móc ra, không cho ăn uống thêm.
Bác sĩ chia sẻ thêm: "Khi thấy một người bị co giật (động kinh cơn toàn thể) thì thái độ xử trí tốt nhất là… chỉ đứng quan sát và không can thiệp gì hết. Cơn co giật sẽ tự hết sau 30 giây đến 1 phút".
Theo CAND, Thanh Niên
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận