Gợi ý cách sơ cứu chuẩn nhất khi bị sứa biển cắn

Bị sứa biển cắn là một trong những tai nạn thường gặp khi đi biển ngày hè, người dân cần lưu ý cách sơ cứu sau đây để không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Chi Nguyễn
12:11 01/05/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bị sứa biển cắn ra sao?

Sứa biển là loài không xương sống, 95% cơ thể của chúng là nước. Loài này được tìm thấy ở khắp các đại dương trên thế giới, xuất hiện từ hàng trăm triệu năm trước.

Kích thước của sứa biển của rất đa dạng, có con chỉ bằng đầu ngón tay nhưng có con lên tới 2,5 mét. Tùy thuộc vào kích cỡ mà xúc tu của chúng dài ngắn khác nhau, nhưng cấu tạo chung đều là hàng ngàn sợi lông dạng xoắn giống như một chiếc kim có chứa nọc độc.

cach-so-cuu-chuan-nhat-khi-bi-sua-bien-can
Sứa biển là loài không xương sống, 95% cơ thể của chúng là nước

Cơ chế tự vệ của loài này là tiêm chất độc vào kẻ thù, chiếc kim xoắn sẽ duỗi thẳng ra như những mũi câu nhỏ. Con mồi bị tiêm chất độc khi mũi câu này đâm vào người, và tùy thuộc vào lượng chất độc của các loài sứa khác nhau mà biểu hiện nặng hay nhẹ. Khả năng tiêm độc của xúc tu rất nguy hiểm, thậm chí ngay cả một con sứa đã chết vẫn còn độc. Chưa kể, xúc tu của nó vẫn có thể tiêm chất độc ngay cả khi nó đứt khỏi cơ thể.

Tuy nhiên, sứa biển không chủ động cắn người khi đang bơi ở biển, thông thường là do ta vô tình chạm phải con sứa khi nó đang bơi, hoặc không may dẫm đạp lên những con sứa đã chết trên bờ biển.

cach-so-cuu-chuan-nhat-khi-bi-sua-bien-can
Ta vô tình chạm phải con sứa khi nó đang bơi, hoặc không may dẫm đạp lên những con sứa đã chết trên bờ biển

Biểu hiện của bị sứa biển cắn là gì?

Những biểu hiện thường thấy khi bị sứa biển cắn là:

- Cảm giác bỏng rát, đau nhức, châm chích.

- Trên người có các lằn đỏ, nâu hay tím.

- Cảm giác ngứa ngáy khó chịu, da sưng vù. Thậm chí còn thấy đau theo nhịp đập và lan theo cánh tay hoặc chân.

cach-so-cuu-chuan-nhat-khi-bi-sua-bien-can
Cảm giác ngứa ngáy khó chịu, da sưng vù

Trong một số trường hợp, những triệu chứng này xuất hiện một cách nhanh chóng và nặng dần lên trong vòng vài giờ sau khi bị cắn. Biểu hiện của mức độ nặng khi bị sứa cắn đó là:

- Đau bụng, buồn nôn, nôn ói.

- Chuột rút hay đau cơ, yếu cơ.

- Đau đầu, lơ mơ hay ngất xỉu.

- Khó thở, tim đập nhanh hay các rối loạn tim mạch khác. 

- Da nổi bóng nước, phát ban kéo dài 1-2 tuần sau khi bị sứa cắn.

- Xuất hiện hội chứng Irukandji tức là các biểu hiện đau ngực, đau bụng, tăng huyết áp và các vấn đề tim mạch.

cach-so-cuu-chuan-nhat-khi-bi-sua-bien-can
Da nổi bóng nước, phát ban kéo dài 1-2 tuần sau khi bị sứa cắn.

Cần lưu ý, mức độ nặng hay nhẹ của các triệu chứng sau khi bị sứa cắn phụ thuộc vào loại sứa biển cắn ta và kích thước của chúng; độ tuổi và sức khỏe của người bị sứa cắn, bởi trẻ em hoặc người lớn tuổi có sức khỏe kém sẽ bị các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, ta cũng cần lưu ý thời gian tiếp xúc với các xúc tu chứa chất độc của con sứa, kích thước vùng da của người tiếp xúc với các xúc tu của con sứa.

Cách sơ cứu chuẩn nhất khi bị sứa biển cắn 

- Đưa ngay người bị sứa đốt ra khỏi vùng nguy hiểm có sứa.

- Nhổ các xúc tu bám vào da bằng dụng cụ sạch.

- Hạn chế chạm tay vào vết đốt tránh gây nhiễm trùng lan rộng vết thương.

cach-so-cuu-chuan-nhat-khi-bi-sua-bien-can
Rửa vết đốt bằng giấm hay nước biển để làm sạch các chất độc

- Rửa vết đốt bằng giấm hay nước biển để làm sạch các chất độc. Có thể dùng ammoniac, cồn hoặc soda cũng phát huy tác dụng tốt. Chườm mát các vị trí tổn thương. Không sử dụng nước ngọt để rửa do sẽ làm tăng hoạt tính độc của sứa.

- Có thể uống thêm thuốc giảm đau , thuốc kháng histamin và bôi kem có chứa corticoid.

- Cần lưu ý, nếu có những biểu hiện này thì cần đưa người bị sứa biển cắn đi khám ngay lập tức:

  • Cảm thấy khó thở, đau ngực hay đau cơ ở vùng bị sứa cắn.
  • Khi bị sứa cắn ở vùng miệng mà sau đó cảm giác khó nuốt hay mất cảm giác ở lưỡi.
  • Trẻ em hay người lớn tuổi nên nhanh chóng đến khám bác sỹ vì có nguy cơ diễn tiến nặng.
  • Khi một diện tích lớn trên cơ thể bị sứa cắn hoặc tiếp xúc với sứa.
  • Đối với nhũng người bị triệu chứng nhẹ như đỏ da, ngứa nhưng kéo dài nhiều ngày cũng nên đến khám bác sỹ để xem có bị nhiễm trùng hay không.

Theo Sức khỏe Đời sống

Xem thêm: Bị sứa biển cắn: Nguy hiểm bất ngờ khi mùa hè đến không nên coi thường

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận