Bị sứa biển cắn: Nguy hiểm bất ngờ khi mùa hè đến không nên coi thường
Mùa hè nắng nóng, nhu cầu tắm biển của người dân rất cao, kéo theo đó là tình trạng bị sứa biển cắn cũng nhiều hơn ngày thường.
Thông thường, vào mùa hè là thời điểm mà các gia đình lên kế hoạch đi biển du lịch, nghỉ mát. Tuy đi biển là một ý tưởng du lịch hay, ta không thể coi thường những mối nguy tiềm ẩn. Bên cạnh nguy cơ đuối nước, sóng cuốn, ta cần đề phòng bị sứa biển cắn.
Ở Việt Nam thời gian có sứa gây ngứa xuất hiện hầu hết các tháng trong năm. Các bãi tắm thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Nha Trang, Vũng Tàu cần lưu ý khi tắm biển vì rất dễ gặp sứa ngứa (Chrysaora), xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, đúng thời điểm mùa du lịch biển.
Bị sứa biển cắn nguy hiểm cỡ nào?
Sứa biển có các xúc tu với hàng triệu tế bào, chứa rất nhiều chất gây dị ứng và gây độc nguy hiểm. Cơ chế tự vệ của sứa là tiêm chất độc vào kẻ thù, chúng sử dụng xúc tu có chứa hàng ngàn sợi lôi dạng xoắn tựa kim độc. Khi con mồi mắc kẹt trong xúc tu, những chiếc kim xoắn sẽ duỗi thẳng ra và đâm vào con mồi.
Nếu vô tình chạm vào sứa khi đang bơi, ta có thể bị các chất độc này bám vào da và xâm nhập vào cơ thể. Khả năng tiêm chất độc của sứa rất nguy hiểm, thậm chí một con sứa đã chết vẫn còn khả năng tiêm chất độc. Đáng chú ý, xúc tu của sứa vẫn có thể tiêm chất độc ngay cả khi nó đã đứt khỏi cơ thể. Tùy loại sứa mà chất độc của nó sẽ cao hay thấp, từ đó cơ thể sẽ có những biểu hiện khác nhau.
Nếu nhẹ, nạn chân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều. Ở thể nặng có thể khiến người chạm phải đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt,... có thể dẫn đến ngưng thở, hôn mê và tử vong.
Những ai có nguy cơ bị sứa cắn?
Như đã nói ở trên, loài sữa xuất hiện ở vùng biển, đặc biệt ở Việt Nam có loài sứa ngứa xuất hiện vào mùa hè. Vì thế, những người đi biển vào mùa hè sẽ có nguy cơ bị sứa cắn. Khả năng bị sứa cắn còn cao hơ nếu như:
- Đi bơi hoặc lặn vào mùa sứa xuất hiện với số lượng lớn.
- Không mặc quần áo bảo hộ khi bơi hoặc lặn.
- Chạm vào hay dẫm đạp lên những con sứa trôi dại vào bờ.
- Bơi hoặc lặn vào vùng biển có nhiều sứa.
Sứa không chủ động cắn con người khi đang bơi ở biển, mà do ta vô tình chạm phải sứa biển khi nó đang bơi. Trường hợp khác là do đùa nghịch, chạm vào hay dẫm đạp lên những con sứa đã chết trên bờ biển. Chính những chất độc từ xúc tu sẽ tiêm vào cơ thể của chúng ta và gây nên những triệu chứng của sứa cắn.
Xử trí sao khi bị sứa biển cắn?
- Đưa ngay người vừa bị sứa biển cắn ra khỏi vùng nguy hiểm.
- Nhổ các xúc tu bám vào da bằng dụng cụ sạch.
- Hạn chế chạm tay vào vết đốt, tránh gây nhiễm trùng hay lan rộng vết thương.
- Rửa vết đốt bằng giấm hay nước biển để làm sạch các chất độc. Có thể dùng ammoniac, cồn hoặc soda cũng phát huy tác dụng tốt. Chườm mát các vị trí tổn thương. Không sử dụng nước ngọt để rửa do sẽ làm tăng hoạt tính độc của sứa.
- Nếu quá đau đớn, có thể uống thuốc giảm đau , thuốc kháng histamin và bôi kem có chứa corticoid.
- Ngoài ra, nếu biểu hiện của người bị cắn trở nặng, như đau đầu, tức ngực, tím tái,... phải chở ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị.
Theo Sức khỏe Đời sống
Xem thêm: Nam sinh Hà Tĩnh dũng cảm nhảy xuống dòng kênh cứu hai em nhỏ đuối nước
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận