Thủ khoa mồ côi, làm thuê làm mướn để kiếm tiền ăn học: “Em chưa bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc”
Mồ côi mẹ, Siu H'Suyn sống cùng gia đình chị gái, vừa học vừa chăn bò, cắt cỏ thuê phụ chị song vẫn dẫn đầu trường Trần Quốc Tuấn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Chiều muộn 18/7, sau một ngày đi gặt lúa thuê, Siu H'Suyn trở về căn nhà nhỏ ở xã Chư A Thai. Nữ sinh người Jarai cầm 200.000 đồng tiền công đưa cho chị gái để lo liệu cuộc sống và để dành.
H'Suyn hiện là học sinh lớp 12A6, Trường THPT Trần Quốc Tuấn. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, em đạt 27,5 điểm khối C00 (Văn, Sử, Địa) và 24,25 điểm ở tổ hợp C03 (Toán, Văn, Sử). Tính tổng bốn môn xét tuyển đại học, H'Suyn đạt 34,25/40 điểm – cao nhất trong số hơn 400 học sinh lớp 12 của trường.
Nữ sinh người Jarai chia sẻ rằng kết quả đó có được nhờ sự động viên và chăm lo của chị gái cùng sự hỗ trợ tận tình từ thầy cô, bạn bè trong những lúc em chán nản, muốn buông xuôi.
“Từ hôm biết điểm, em mừng mà cũng lo vì chưa biết lấy tiền đâu để đi học đại học,” em bộc bạch. Ước mơ của H'Suyn là theo học ngành Giáo dục Tiểu học tại Đại học Quy Nhơn. Em dự tính tiếp tục đi làm thuê để tích góp, nếu vẫn thiếu thì sẽ nhờ chị gái vay mượn thêm để nhập học.

Gia đình em thuộc diện hộ nghèo ở huyện Phú Thiện (nay là xã Chư A Thai, Gia Lai), căn nhà nơi em sống với chị gái chỉ là một ngôi nhà gỗ nhỏ, không có tài sản gì đáng giá. Từ khi học cấp 2, sau mỗi buổi học, em đã đi chăn bò, cắt cỏ, nhổ mì thuê để phụ giúp cha mẹ.
Đầu năm ngoái, mẹ H'Suyn qua đời vì bệnh nặng. Chỉ ba tháng sau, bố em vào Nam mưu sinh rồi đi bước nữa. Em dọn đến ở với chị gái, vừa đi học, vừa tranh thủ làm thuê phụ chị trang trải cuộc sống.
Trong làng ai thuê gì H'Suyn đều làm, có khi em đi làm tận nơi cách nhà hàng chục cây số, ngày công dao động từ 100.000 đến 250.000 đồng tùy vào mức độ công việc. "Có những hôm làm việc dưới trời nắng cháy hoặc mưa tầm tã, toàn thân ướt sũng nhưng em vẫn cố gắng. Em chưa bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc", nữ sinh người Jarai bộc bạch.

Sớm nhận thức được rằng chỉ có học mới có thể đổi đời, em luôn nỗ lực tập trung vào học tập. Những lúc rảnh rỗi, em tranh thủ làm bài tập, đọc thêm tài liệu, tối đến lại ôn bài đến khuya. “Dù mệt rã rời, em vẫn cố gắng học đến 11-12 giờ khuya,” em kể. May mắn là em được thầy cô tận tình hướng dẫn và còn được dạy thêm môn Toán miễn phí.
Nhờ vậy, suốt 12 năm liền, H'Suyn đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Lớp 12, em giành giải ba học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử và là một trong hai đoàn viên ưu tú được Chi bộ nhà trường giới thiệu kết nạp Đảng.
Cô Hoàng Diệu Loan, giáo viên chủ nhiệm, đánh giá H'Suyn là học trò giàu nghị lực, luôn cố gắng vươn lên và có tinh thần cầu tiến trong học tập. Em có khả năng tiếp thu tốt, đặc biệt là các môn xã hội, và luôn chủ động hỏi thầy cô khi chưa hiểu bài. Ngoài giờ học trên lớp, em tham gia đầy đủ các buổi ôn tập miễn phí của giáo viên và hoàn thành nghiêm túc các bài tập, đề thi thử. Phần còn lại, em tự học và tìm thêm bài giảng trên mạng để nâng cao kiến thức.
“Em ấy là tấm gương sáng về ý chí vượt khó, truyền cảm hứng cho các học sinh khác trong trường,” cô Loan nói.
Xem thêm: Nữ sinh nghèo dành hai điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp làm món quà tặng người mẹ quá cố
Tin liên quan
Dù phải gồng mình chiến đấu với căn bệnh ung thư máu quái ác, nam sinh Trương Huy Bách vẫn nỗ lực học tập, xuất sắc đạt 28 điểm khối A00 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Thị lực chỉ khoảng 1/10, nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường THPT Lê Hữu Trác, tỉnh Đắk Lắk vẫn lấy hai điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Với nam sinh Trần Xuân Đam, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hoàn cảnh khó khăn đã tạo động lực, giúp em xuất sắc trở thành thủ khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Bài mới

Không cần lời lẽ trang trọng, không cần in tên người nhận, cũng chẳng có những hình thức mời gọi ồn ào. Tấm giấy mời duy nhất cho Concert Quốc gia “Tổ quốc trong tim” chỉ là bản in ca khúc Tiến quân ca – bản Quốc ca thiêng liêng của dân tộc. Từ góc nhìn của một học sinh lớp 9, lời chia sẻ mộc mạc nhưng đầy xúc cảm dưới đây không chỉ là suy nghĩ về một buổi biểu diễn, mà là tiếng lòng của một thế hệ trẻ về tình yêu nước.