Thực trạng bất động sản hiện nay: Giá cao tranh nhau mua, giá giảm không "ma" nào ngó
Với đại đa số nhà đầu tư non tay, khi thị trường bất động sản chững lại, họ sợ rằng mình chôn vốn, không thu được lời nên sẽ tìm cách bán ra.
Vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản ở Việt Nam vô cùng soi động, mặccho ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đỉnh điểm của sốt đất là năm 2021, khi tất cả các thị trường đều phá vỡ kỷ lục về giá, lập mặt bằng giá chung mới. Đáng nói, sốt đất không chỉ ở Hà Nội, TPHCM, mà đã lan ra vùng nông thôn, miền núi xa xôi.
Dù vậy, khi thị trường hạ nhiệt như hiện tại, lại xảy ra nghịch lý. Khi giá cao ngất ngưởng, các nhà đầu tư lao vào mau. Thế nhưng, khi giá xuống, thị trường hạ nhiệt, họ lại tìm cách bán đi. Thậm chí, đã có người chấp nhận bán lỗ 5 - 10%, nhưng không có thanh khoản.
Anh Nguyễn Văn Hải, nhà đầu tư bất động sản nhiều năm kinh nghiệm cho biết, thời gian qua thị trường liên tục hình thành các mốc giá mới. Nhất là trong 2 năm dịch bệnh, do tiền không thể đưa vào kinh doanh sản xuất, nhiều người đã chọn bất động sản là kênh đầu tư. Lúc đó, sốt đất nhanh chóng hình thành, lãi suất ngân hàng lại thấp, nên ai cũng đầu tư với hi vọng lướt sóng kiếm lời.
Anh Hải cho biết: "Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett có triết lý đầu tư là 'hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi', nhưng tất cả đều được làm ngược lại, bởi đa phần không ai muốn giàu chậm cả.
Rõ ràng, thời gian qua, khi thị trường bất động sản nóng sốt, mức giá lên cao chót vót, nhiều người lao vào mua. Khi đó, gần như các nhà đầu tư chỉ cần mua được đất dù giá có thay đổi liên tục thì họ vẫn theo đuổi. Nhưng đến nay, khi thị trường đã hạ nhiệt, là cơ hội để mua vào những mảnh đất có vị trí tốt mà lúc sốt khó mua thì đa số các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại, không dám mua".
Nhà đầu tư này bật mí thêm, thực tế khi có sốt đất, những nhà đầu tư lâu năm sẽ bán hàng đã găm từ trước. Lúc đó, họ đã có lợi nhuận tăng 50 - 100% so với lúc mua, đút túi vài tỷ là chuyện thường. Tiếp đó, họ lại tận dụng cơn "sốt" mà "lướt sóng" một vài thương vụ kiếm lời, rồi tiếp tục chờ khi thị trường hạ nhiệt để "săn" quỹ đất đẹp đầu tư lâu dài.
Phó Chủ tịch thường trực CLB bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Thế Điệp nhận xét, hầu hết nhà đầu tư ở Việt Nam là đầu tư theo phong trào. Có nghĩa là, khi thấy đất đai bán được, tăng giá cao mới đổ xô đi mua. Nhưng đối với những người đầu tư chuyên nghiệp, lúc thị trường trầm lắng mới là lúc để mua vào.
Ông lý giải: "Khi nóng mới nhảy vào thị trường bất động sản đa phần là lướt sóng kiếm lời, và họ mua chủ yếu dựa vào tiền đi vay. Ví dụ, họ mua mảnh đất giá 10 đồng nhưng chỉ có 3 đồng, còn 7 đồng đi vay nên họ lướt lát nhanh chóng kiếm ít lời hoặc mới chỉ cọc và tìm khách bán ngay. Đây là lý do tại sao cứ khi đất nóng người ta mới đổ xô đi mua theo phong trào".
Ông Trần Khánh Quang, TGĐ Công ty CP Đầu tư BĐS Việt Nam Hòa thì cho rằng, hiện tượng bán cắt lỗ, thoát hàng mới chỉ diễn ra một cách âm thầm, cục bộ. Đây chưa phải là alfn sóng bán tháo, bởi các nhà đầu tư vẫn đang "gom hàng" chờ thời cơ. Ông Quang phân tích: "Trong lúc này, nhiều nhà đầu tư đang tranh thủ để cơ cấu lại tài sản. Nếu người bán giảm đến 10-15% so với thị trường thì nên mua ngay. Cơ hội lúc này dành cho những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, đầu tư dài hạn".
Theo Minh Tâm/Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: Lạm phát tăng cao, thị trường bất động sản có thoát "băng", sôi động trở lại như trước?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận