Div Turakhia: Con nhà nghèo viết code dạo vượt khó trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất Ấn Độ
Từ con trai nhà nghèo ham đọc sách và thích chơi điện tử, Div Turakhia đã khởi nghiệp với nghề viết code dạo và trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất Ấn Độ.
Một trong những ngành nghề hot nhất hiện nay chính là công nghệ thông tin, trong đó có lĩnh vực viết phần mềm. Trên thực tế, đây là con đường đã giúp không ít người trở nên giàu có, chẳng hnaj như Bill Gates hay Elon Musk. Không phải ngoại lệ, câu chuyện về Div Turakhia - gã nhà nghèo viết code dạo vươn lên thành tỷ phú tự thân trẻ nhất Ấn Độ đã chứng minh điều đó.
Con nhà nghèo ham đọc sách
Ngay từ khi còn nhỏ, Div Turakhia đã vô cùng ham đọc sách, thể loại anh ưa thích nhất là những cuốn sách dạy làm giàu, hoàn thiện kỹ năng bản thân như Robert Kiyosaki hay Tony Robbins. Anh cũng thường đọc tiểu sử các doanh nhân khởi nghiệp thành công hay sách được các tỷ phú như Bill Gates giới thiệu.
Dù vậy, gia đình của Turakhia rất nghèo, tiền ăn còn phải lo lắng chứ chưa nói đến việc mua nhiều sách. Dù vậy, vì thương con, người cha của anh đã cố gắng tiết kiệm tiền để mua sách vở cho các con. Div Turakhia nhớ lại, khi đấy kho sách nhà anh còn nhiều hơn tư liệu trong thư viện của trường.
Có thể nói, cha của anh chính là người đã chắp cánh cho ước mơ làm giàu của Turakhia sau này. Khi còn nhỏ, bên cạnh việc thích đọc sách, anh còn vô cùng thích chơi điện tử. Thay vì cấm đoán, người cha làm kế toán đã khuyến khích Div tìm hiểu các các trò chơi vận hành, hướng con trai theo con đường viết phần mềm.
Cha của Turakhia nói, nếu con hiểu cách trò chơi vận hành, con sẽ chơi giỏi hơn người khác. Div Turakhia đã tin tưởng vào câu nói của ông và bắt đầu đọc vô số cuốn sách về phần mềm. Thời điểm đó, Ấn Độ còn khá lạc hậu, ít chuyên gia về mảng công nghệ và hầu hết kỹ sư đầu ngành đều làm thuê cho các công ty lớn.
Tự học viết phần mềm, 16 tuổi đã trở thành chuyên viên tư vấn
Được biết, Div Turakhia tự học lập trình máy tính khi chỉ mới 7-8 tuổi. Năm 13 tuổi, anh đã xây dựng hệ thống tin nhắn nội mạng trong trường khi mà Internet chỉ mới bắt đầu được phổ biến ở Ấn Độ. Khi đó, những người có kiến thức về máy tính và Internet như Div đã đi trước một bước trong cuộc chơi lập nghiệp.
Năm 14 tuổi, một thầy giáo của Div đã đề nghị anh xây dựng cho ông một trang web. Từ đó, cậu trai trẻ từng bước kiếm tiền bằng việc viết code dạo, làm đủ thứ việc từ xây dựng website cho tới phụ trách an ninh mạng.
Sau 2 năm, cậu bé Div Turakhia đã trở thành chuyên viên tư vấn công nghệ có tiếng, với một mức lương vừa đủ để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, với anh, đó không phải là mức lương vừa ý, và anh muốn mình tiếp tục thăng tiến hơn nữa. Đứng trước hai lựa chọn là một nhà tư vấn, hoặc làm một điều gì đó khác biệt, Turakhia đã quyết định khởi nghiệp.
Vay tiền để thành lập công ty
Năm 1998, số người dùng Internet tại Ấn Độ tăng lên và Div nhận ra mỏ vàng trong ngành này. Khi ấy, anh trai của Div là Bhavin Turakhia đang điều hành một website môi giới việc làm, kết nối những người tìm việc với nhà tuyển dụng. Div đã chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp của mình với anh trai, và cả hai quyết định bắt tay nhau để làm một dự án mới. Nhận thấy bất kỳ ai muốn kết nối Internet cũng phải mua tên miền và dịch vụ dữ lệu, anh em Turakhia đã quyết định kinh doanh web-hosting.
Năm 1998, Div Turakhia cùng anh trai thành lập công ty Directi kinh doanh tên miền và lưu trữ dự liệu ngay trong phòng ngủ của họ. Để có tiền khởi nghiệp, họ đã mượn người cha làm kế toán khoản tiền 25.000 rupee, tương đương 350 USD để thuê máy chủ. Thay vì phản đối và cho rằng các con đang mơ ước viển vông, cha của anh đã không ngần ngại cho các con vay. Thậm chí, ông còn dặn rằng: "Nếu con muốn làm cái gì đó, hãy thử bất cứ điều gì, ngay cả khi thất bại thì đó cũng là lựa chọn tốt nhất".
Nghe theo lời khuyên của bố, cả hai anh em Turakhia đã làm việc rất nghiêm túc và chăm chỉ để phát triển công ty. Nhận ra thị trường Ấn Độ đang phát triển quá chậm so với tiềm năng, anh mở rộng dịch vụ ra nước ngoài, tìm kiếm đối tác ở Mỹ, châu Âu và châu Á.
Chỉ trong 4 năm, công ty của hai chàng trai trẻ ấy đã có doanh thu lên đến 1 triệu USD. Năm Div Turakhia 23 tuổi, doanh thu công ty đã tăng gấp 10 lần, lên tới 10 triệu USD/năm. Sau đó, anh mở thêm nhiều công ty mới với nhiều dịch vụ mới, chủ yếu liên quan đến Internet.
Từng bước hướng tới công ty tỷ đô
Không ngủ quên trên chiến thắng, Div Turakhia tiếp tục tìm cách phát triển công ty của mình. Năm 2005, Turakhia ra mắt Skenzo, công ty lưu trữ các tên miền website không sử dụng. Đây chính là tiền thân của công ty Media sau này.
Trên cơ sở của Skenzo, Turakhia tiếp tục thành lập công ty Media vào năm 2010, là một công ty chuyên về quảng cáo trực tuyến. Tại đây, anh đã tạo ra dịch vụ quảng cáo trực tuyến AdSense, cho phép chủ sở hữu website tạo và kiếm tiền từ quảng cáo hiển thị các hình ảnh của Google trên trang. Tính đến năm 2018, có tới 14 triệu website đang sử dụng AdSense chạy quảng cáo.
Sau đó, Media liên tiếp gặt hái nhiều thành công "vô tiền khoáng hậu", thậm chí còn được Yahoo đề nghị mua lại nhiều lần. Tuy nhiên, Turakhia từ chối, bởi anh tin rằng công ty của mình có thể phát triển mạnh hơn nữa. Quả thực, vào năm 2015, doanh thu của công ty Media lên tới 232 triệu USD.
1 năm sau đó, Media được Miteno Bắc Kinh mua lại với giá 900 triệu USD, là thương vụ mua bán công ty công nghệ lớn thứ 3 hiện tại. Anh vẫn tiếp tục điều hành công ty này, còn anh trai Bhavin là CEO của Directi. Năm 2016, cả hai anh em nhà Turakhia trở thành tỷ phú tự thân, sở hữu khối tài sản khoảng 1,3 tỷ USD.
Sau đó, Div chuyển sang tập trung vào đầu tư các dự án khởi nghiệp về công nghệ. Một trong những dự án thành công nhất mà anh đầu tư là Radix và Ringo. Năm 2018, Div Turakhia cho biết anh sẽ rời khỏi vị trí CEO, nhường chỗ cho người bạn - cố vấn đáng tin cậy lâu năm của anh là Vaibhav Arya. Hiện tại, anh dành phần lớn thời gian để quản lý các quỹ đầu tư quốc tế.
Ở tuổi 39, Div Turakhia vẫn sống độc thân, được mệnh danh là một trong số những người đàn ông quyến rũ nhất Ấn Độ với khối tài sản 1,91 tỷ USD. Vị tỷ phú tự thân này từng chia sẻ: "Tôi từng nghĩ đến việc nghỉ ngơi sau hơn 22 năm làm việc từ 10 đến 14 giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Nhưng tôi vẫn luôn thấy hạnh phúc khi làm việc, mục đích không phải vì tiền mà vì bản thân chưa muốn dừng lại".
Bài học từ chiến lược đầu tư của vị tỷ phú không bằng cấp 3 Kirk Kerkolian: "Không có gì là mãi mãi"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận