Học hỏi sếp cũ Jeff Bezos để khởi nghiệp, cựu nhân viên Amazon lập startup triệu USD
Từ những bài học kinh doanh khi còn làm việc ở Amazon, Nipun Mehra đã thành công xây dựng startup triệu USD và được chính Jeff Bezos đầu tư.
Cựu nhân viên Amazon học "lỏm" kinh nghiệm từ sếp
Có thể nói, câu chuyện khởi nghiệp thành công của tỷ phú Jeff Bezos - nhà sáng lập Amazon đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người. Đặc biệt, với Nipun Mehra - Founder kiêm CEO Ula thì còn đặc biệt hơn nữa.
Được biết, Mehra là cựu kỹ sư phần mềm từng làm việc ở trụ sở chính của Amazon ở Seattle (Mỹ) hồi năm 2004. Nhờ đó, anh đã được tận mắt chứng kiến hoạt động bên trong công ty bán lẻ lớn nhất thế giới, học hỏi được những bài học đắt giá từ nhà sáng lập.
Năm 2019, Nipun Mehra cùng 3 người bạn Alan Wong, Riky Tenggara và Derry Sakti đã quyết định cùng nhau khởi nghiệp. Anh chia sẻ: "Công việc đầu tiên của tôi khi ra trường là Amazon. Cả tôi và Alan đều được truyền cảm hứng từ công ty này". Ula là nền tảng thương mại điện tử giúp hiện đại hóa các quầy hàng trên đường phố truyền thống tại Indonesia, cung cấp dịch vụ kiểm kê và giao hàng. Đến nay, nền tảng này đã thu hút hơn 70.000 chủ gian hàng tham gia, huy động gần 120 triệu USD.
Theo vị CEO này, tốc độ tăng trưởng vượt bậc của Ula một phần đến từ quá trình chuyển đổi sang kỹ thuật số do đại dịch gây ra. Bên cạnh đó, không thể không kể đến những bài học khởi nghiệp, điều hành doanh nghiệp và cách tiếp cận công nghệ mà anh học được tại Amazon. Anh cho biết: "Làm thế nào để bạn tối ưu hóa thương mại điện tử? Làm thế nào để bạn xây dựng một doanh nghiệp? Các nguyên tắc cơ bản về lựa chọn, dịch vụ, giá cả đều đến từ Amazon. Tư duy về công nghệ. Đó là một số điều rất cơ bản đối với cách chúng tôi phát triển".
Theo Mehra, anh đã áp dụng phương châm "lấy khách hàng làm trung tâm" của Amazon là slogan phát triển của startup mình. Vị CEO này khẳng định: "Chúng tôi rất chú trọng vào khách hàng, chúng tôi có niềm tin rất lớn vào điều đó. Niềm tin rằng sứ mệnh lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ ai trong chúng tôi".
Việc phong tỏa do COVID-19 đã khiến các chủ cửa hàng khó tìm nguồn cung truyền thống, trong khi nhu cầu của khách hàng lại tăng lên. Điều đó khiến nhiều cửa hàng tập trung sử dụng nền tảng của Ula, và giúp startup này "lên hương" chỉ sau hơn 1 năm thành lập. Ula đã nhanh chóng thu hút hàng chục ngàn chủ gian hàng ở Indonesia, Singapore và Ấn Độ, phải tuyển thêm nhân viên lên tới 400 người. Sự tăng trưởng nhanh chóng đó đã lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư, giúp công ty khởi nghiệp này thu hút được vòng đầu tư đầu tiên trong 6 tháng.
Được chính sếp cũ đầu tư
Vào tháng 11/2021, những nỗ lực của các nhà đồng sáng lập Ula đã được đền đáp. Jeff Bezos đã chính thức đầu tư vào công ty khởi nghiệp này thông qua văn phòng gia đình ông là Bezos Expeditions. Trong vòng gọi vốn series B, Ula đã huy động thành công gần 90 triệu USD với Prosus Ventures, Tencent và B Capital đồng dẫn đầu. Được biết, ông chủ Amazon cũng tham gia đầu tư vòng này, nhưng không chia sẻ số tiền cụ thể.
Mặc dù nhà sáng lập Amazon không trực tiếp biết Mehra, nhưng ông biết tới dự án startup này qua một trong những nhà đầu tư ban đầu. Đến nay, vị CEO của Ula vẫn chưa có cơ hội gặp trực tiếp sếp cũ và cũng không rõ vì sao vị tỷ phú này lại rót vốn vào công ty. Thế nhưng, anh hi vọng rằng Bezos đã nhìn thấy điểm gì đó ở startup này tương đồng với Amazon.
Dự kiến trong 18 tháng tới, CEO Ula sẽ tìm cách để tăng gấp 4 lần số lượng chủ hàng hợp tác với Ula, từ 70.000 người hiện nay lên 300.000 người. Anh cũng hy vọng startup của mình có thể giúp các chủ cửa hàng mở rộng kinh doanh nhiều mặt hàng mới như quần áo và đồ công nghệ, với mục tiêu cuối cùng là tăng gấp đôi thu nhập của họ.
Theo CNBC
Xem thêm: Chen Yuheng: 13 tuổi đã là CEO, sở hữu startup công nghệ dành cho giới trẻ trị giá triệu đô
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận