Trịnh Văn Quyết: Chủ tịch FLC đầy tham vọng, tỷ phú từng đứng số 1 sàn chứng khoán 

Ông Trịnh Văn Quyết là một trong những tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, là người đầy tham vọng và cũng từng vướng nhiều bê bối.

Chi Nguyễn
10:08 30/03/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ông Trịnh Văn Quyết là ai?

Ông Trịnh Văn Quyết sinh ngày 27/11/1975, quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ông có bằng Cử nhân Luật tại Đại học Luật Hà Nội, thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Vị doanh nhân này từng là 1 trong 5 luật sư hàng đầu Việt Nam được vinh danh "Luật sư tiêu biểu" 2012.

Vợ ông là bà Lê Thị Ngọc Diệp (SN 1979), đang công tác tại Ngân hàng BIDV. Bà Diệp được cho là đang sở hữu 20,2 triệu cổ phiếu, tương đương 4,7% vốn điều lệ ROS. Cả hai có với nhau 3 người con trai, tuy nhiên tất cả đều khá kín tiếng. 

cuoc-doi-va-su-nghiep-nhieu-bien-co-cua-chu-tich-flc-trinh-van-quyet
Ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC)

Hiện ông Trịnh Văn Quyết đang là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng FLC Faros (ROS), Thành viên HĐQT Công ty TNHH Bất động sản SGInvest và Tổng Giám đốc Công ty TNHH Luật SMiC. Ông còn gián tiếp nắm quyền điều hành loạt công ty khác thuộc hệ sinh thái FLC, chẳng hạn như Công ty CP Nông Dược H.A.I (HAI), Công ty CP Đầu tư khoáng sản AMD Group (AMD)...

Trên sàn chứng khoán, khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD từ cuối tháng 10/2016. Tuy nhiên, vị đại gia Vĩnh Phúc vẫn chưa được công nhận là tỷ phú USD như ông Phạm Nhật Vượng hay bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Sự nghiệp lẫy lừng của vị Chủ tịch FLC

Theo một số nguồn tin, ông Trịnh Văn Quyết sinh ra trong một gia đình công chức nghèo. Sau khi học xong cấp 3, ông vào TP.HCM học sửa chữa điện tử, vừa học vừa làm để có thể vào đại học. Năm 1996, chàng trai nghèo quê Vĩnh Phúc liền lúc nhận giấy báo trúng tuyển vào 3 trường đại học. Sau cùng, ông chọn đại học Luật Hà Nội để theo học.

cuoc-doi-va-su-nghiep-nhieu-bien-co-cua-chu-tich-flc-trinh-van-quyet
Hình ảnh siêu hiếm thời sinh viên của Chủ tịch tập đoàn FLC

Là một người có nhiều tham vọng, ông Quyết nuôi ước mơ làm giàu. Ông mở văn phòng gia sư và buôn bán điện thoại cũ, vừa thỏa niềm đam mê kinh doanh vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Sau đó, ông từng có thời gian kinh doanh đồ gỗ và tivi.

Năm 2001, sau khi ra trường, ông Trịnh Văn Quyết mở Công ty Tư vấn luật SMiC. Công ty này chuyên  tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ, gây ấn tượng với các phi vụ như Honda Vietnam tranh chấp với công ty GMN số tiền đền bù đất đai ở Hưng Yến khoảng 2,2 triệu USD.

Năm 2008, ông Quyết thành lập công ty Trường Phú Fortune - cái nôi của tập đoàn FLC, lấn sân sang lĩnh vực chứng khoán với CTCP chứng khoán FLCS (Chứng khoán Artex). 1 năm sau đó, ông khởi công xây dựng FLC Landmark Tower, nhanh chóng gây ấn tượng trong lĩnh vực bất động sản.

cuoc-doi-va-su-nghiep-nhieu-bien-co-cua-chu-tich-flc-trinh-van-quyet
Năm 2017, ông thành lập Bamboo Airways - Hàng Không Tre Việt, hiện đang có vốn điều lệ 18.500 tỉ đồng

Năm 2010, các lĩnh vực thu về một mối, Trường Phú Fortune chuyển thành tập đoàn FLC. 6 năm sau, cổ phiếu ROS của FLC Faros chính thức lên sàn chứng khoán, khiến ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu thứ nhất sàn chứng khoán với tổng tài sản 33.000 tỷ đồng. Năm 2017, ông thành lập Bamboo Airways - Hàng Không Tre Việt, hiện đang có vốn điều lệ 18.500 tỉ đồng.

Ước tính tài sản ông Quyết đang nắm giữ

Với số cổ phiếu đang sở hữu, ước tính ông Trịnh Văn Quyết đang nắm trong tay tài sản 4.789 tỷ đồng. Số tiền anfy bao gồm 215.436.257 cổ phiếu FLC, 23.717.556 cổ phiếu ROS, ở 7.614.000 cổ phiếu GAB và 3.156.000 cổ phiếu ART.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là thời kỳ hoàng kim của ông Quyết, bởi vào năm 2017 Chủ tịch FLC sở hữu tài sản vốn hóa đạt 58.852 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD). Với số tài sản đó, ông Quyết trở thành người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam. Dù vậy, đến năm 2018, tài sản của đại gia Vĩnh Phúc đột ngột "rơi" xuống còn 15.572 tỉ đồng.

cuoc-doi-va-su-nghiep-nhieu-bien-co-cua-chu-tich-flc-trinh-van-quyet
Ước tính ông Trịnh Văn Quyết đang nắm trong tay tài sản 4.789 tỷ đồng

Được biết, ông Trịnh Văn Quyết là người có thú vui chơi xe sang, sở hữu nhiều xế hộp bạc tỷ. Theo một số nguồn tin, chiếc xe giá trị nhất mà Chủ tịch sở hữu là Roll-Royce Phantom Lửa Thiêng. Đây là 1 trong 6 chiếc Phantom trục cơ sở dài phiên bản Bespoke được sản xuất riêng cho thị trường Việt Nam, có giá khoảng 49,5 tỷ.

Ông Quyết còn sở hữu Mercedes-Maybach S600 Pullman trị giá trên dưới 30 tỷ đồng, là người đầu tiên ở Việt Nam sở hữu Mercedes-Maybach S600 Pullman. Ngoài ra, ông còn sở hữu thêm chiếc Maybach 62S, mức giá ở thị trường nước ngoài đã là 460.000 USD.

Loạt bê bối liên quan tới Chủ tịch FLC

Bên cạnh việc là một doanh nhân thành đạt, ông Trịnh Văn Quyết còn vướng vào nhiều bê bối. 

Vi phạm kéo dài ở dự án FLC Garden City

Không ít dự án bất động sản do FLC sở hữu vướng phải nhiều lùm xùm trong thời gian dài. Chẳng hạn như dự án FLC Garden City với diện tích 7,8 ha, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng nằm tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. 

Dự án này thi công nhiều hạng mục công trình dù chưa có giấy phép xây dựng, bị đình chỉ thi công và xử phạt 40 triệu đồng vào ngày 13/5/2015. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án không chấp hành mà nhiều lần phớt lờ, tìm cách đối phó. 

Ngày 18/1/2016, trên cơ sở Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm tiếp tục phát hiện sai phạm tại dự án, Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ đã ban hành quyết định đình chỉ thi công, yêu cầu các đơn vị liên quan cắt điện, nước. Đến ngày 20/12/2016, UBND quận Nam Từ Liêm xử phạt hành chính chủ đầu tư FLC Garden City 50 triệu đồng.

Hai lần "bán chui" cổ phiếu

Trước đó, vòa ngày 20/10 đến 24/10/2017, ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch Hội đồng quản trị đã bán ra 57 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Đáng chú ý, ông Quyết thực hiện những giao dịch trên mà không báo cáo thông tin với Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) theo quy định.

Ông Quyết giao dịch cổ phiếu FLC ở ngưỡng 7.100 - 7.700 đồng, ước tính thu về hơn 400 tỷ đồng. Sau loạt giao dịch này, cổ phiếu FLC giảm về mức 6.500 đồng, mất gần 10% giá trị.

cuoc-doi-va-su-nghiep-nhieu-bien-co-cua-chu-tich-flc-trinh-van-quyet
Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi "thao túng thị trường chứng khoán"

Đến ngày 10/11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết, mức phạt 65 triệu đồng. Ủy ban cũng xử phạt Công ty CP Xây dựng FLc Faros do ông Quyết làm Chủ tịch HĐQT với số tiền 130 triệu cho hành vi tương tự.

Gần đây nhất là vào ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn quyết bất ngờ đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC. Với mức giá đóng cửa phiên 10/1, cổ phiếu FLC dừng lại ở mức 21.150 đồng, ước tính ông Quyết thu về 1.600 tỷ đồng từ giao dịch "bán chui" này. 

Ngày 11/1, HoSE đã ra thông báo huỷ bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1 theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nguyên nhân hủy giao dịch là vì ông Trịnh Văn Quyết không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch.

Đến ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán nhà nước xử phạt ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Chủ tịch FLC cũng bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong vòng 5 tháng. Đến ngày 29/3 vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi "thao túng thị trường chứng khoán".

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị, Người Lao động

Xem thêm: Trước ông Trịnh Văn Quyết, từng có nhiều đại gia trên sàn chứng khoán vướng vòng lao lý

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận