Chắt chiu cực khổ tích cóp rồi bỏ tiền mua nhà mua đất không đúng giá trị, liệu có đáng?
Bạn thấy sao không khi bản thân phải chắt chiu từng đồng, ăn có khi chẳng đủ, nhưng phải cắn răng dồn hết tất cả để mua nhà mua đất không đúng giá trị?
Vài năm trở lại đây, sốt đất liên tục xuất hiện ở nhiều tỉnh thành, cứ thế "sóng sau xô sóng trước". Giá nhà đất tăng phi mã, chủ yếu là dân đầu cơ mua sang tay, khiến nhiều người có nhu cầu mua thực không thể nào tìm được bất động sản vừa ý. Nhìn tình cảnh đó, tôi nhận ra nhiều người vẫn chưa thấy được tác hại của việc mua đất đầu cơ rồi bỏ hoang ảnh hưởng lớn thế nào.
Chẳng hạn khu đất có 10 mảnh đất bỏ hoang được rao bán, thì bạn và 9 người khác nếu muốn mua thì mỗi người đều mua được một mảnh. Thế nhưng, người chủ của khu đất bất ngờ quyết định giữ lại đầu cơ, chỉ bán mỗi 2 lô đất, còn lại cứ bỏ hoang không thèm sử dụng. Như vậy, bạn và 9 người kia phải tranh nhau hai lô đất bán ra.
Xui xẻo thay, cò đất "chen chân" vào trước bạn, mua đi bán lại nhiều lần tạo cầu ảo, lập mặt bằng giá mới. Thế nên, để mua được lô đất ưng ý, bạn phảitrả giá cao hơn cả những vị khách ảo do cò đất dựng nên. Trong trường hợp đó, bạn có vui khi đồng tiền mình cực khổ kiếm được bị mất đi một cách dễ dàng, không tương xứng với giá trị như vậy?
Một ví dụ khác dễ hiểu hơn, đó là 1 người bắt buộc phải ăn 1 kg rau/ngày để cân bằng dinh dưỡng. Cả làng bạn có 100 người, giới hạn sản xuất là 100 kg rau/ngày. Như vậy, cung bằng cầu, giá ổn định bán ra sẽ là 10.000 đồng/kg. Một lần nọ, bạn quyết định đi mua rau sớm, thu gom thật nhiều rồi để đó, không ăn, không bán. Bạn tạo ra nguồn cung thiếu thốn, đẩy giá rau lên cao rồi bán kiếm lời. Hoặc bạn và vài người khác cố tình thổi giá, mua đi bán lại để tạo cầu ảo, trong khi lượng cung không đổi.
Vô hình chung, bạn đang "ép" những người có nhu cầu mua rau phải chấp nhận mức giá đắt hơn. Nói cách khác, bạn không quan tâm người khác mắc nợ hay phải vay mượn trả cả đời để mua. Bạn cũng chẳng quan tâm việc mình làm đang khiến giá tiêu dùng tăng cao vô lý, hay bàng quan trước cảnh người khác phải ra đường vì vỡ nợ. Bạn chỉ cần tiền vào túi của mình là được. Đó là lý do nhiều người ác cảm với cò đất, cũng như những nhà đầu tư mua đất bỏ hoang chờ lên giá.
Theo tôi, bình ổn giá đất cũng tương tự như câu chuyện bình ổn giá thực phẩm (rau, thịt...). Dân số Việt Nam tuy đông nhưng đất không phải quá thiếu. Thế nhưng, chính cò đất và dân đầu cơ đã góp phần tạo ra thiếu hụt nguồn cung ảo, đẩy giá đất lên cao hơn giá trị thật của nó rất nhiều lần.
Giá đất tăng trong khi lương của người dân bình thường không tăng là bao, khiến cho họ không thể mua được. Từ đó, góp phần làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tăng bất ổn xã hội. Đó là lý do Nhà nước đang tìm cách ngăn chặn tình trạng đầu cơ rồi bỏ hoang đất, để kìm giá nhà đất không còn tăng quá cao so với giá trị thật.
Tôi cực kỳ ủng hộ việc đánh thuế thật nặng vào những giao dịch bất động sản, nhà đất những năm đầu để tránh việc mua đi bán lại. Đó cũng là cách để hạn chế tình trạng thổi giá đất, đang gây nhiều bất cập trong xã hội hiện nay. Tôi cũng hy vọng, mọi người cùng góp ý kiến, hy vọng cơ quan quản lý sớm có biện pháp để chấm dứt tình trạng đầu cơ đất theo kiểu "uống thuốc độc để giải khát". Nhìn ngắn hạn có thể có lợi đấy, nhưng về lâu về dài, tình trạng này sẽ phá hủy cả xã hội, không thể thoải mái buông lỏng như bây giờ.
*Bài viết mang quan điểm cá nhân của tác giả
Xem thêm: Thương cảm mẹ đơn thân hơn 20 năm ở trọ khắp nơi, tôi môi giới giúp chị một căn nhà cũ giá rẻ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận