Cổ phiếu bị gọi là giấy lộn, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long bức xúc: "Tôi là người làm ăn nghiêm túc nhất, sống chết vì Hòa Phát"
Bức xúc vì cổ phiếu HPG bị nói là giấy lộn, trong đại hội cổ đông thường niên vừa qua, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã phản hồi.
Mới đây, trong đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn Hòa Phát, Chủ tịch HĐQT, tỷ phú Trần Đình Long đã đưa ra nhận định thú vị. Theo đó, trên một số diễn đoàn chứng khoán, không ít cổ đông đòi lãnh đạo tập đoàn này phải chia hết lợi nhuận. Thậm chí, có người nói rằng việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu chỉ là "giấy lộn".
Trước đòi hỏi của cổ đông, ông Trần Đình Long bức xúc trình bày: "Tôi là cổ đông lớn nhất, tâm huyết nhất, nên nếu nói về tâm huyết trước sau như một thì trên thị trường chứng khoán tôi là người làm ăn nghiêm túc nhất, sống chết vì Hòa Phát.
Sáng nay, tôi đến đây tâm trạng rất buồn. Ban truyền thông đã gửi cho tôi các ý kiến của nhà đầu tư, đòi hỏi phải chia hết lợi nhuận, rằng việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là 'giấy lộn'. Tôi cảm ơn sự góp ý của các cổ đông ở đây ngày hôm nay mang tính chất xây dựng, còn nếu góp ý như trên diễn đàn thì khó cho tôi quá".
Vị tỷ phú này giải thích thêm, muốn phát triển Tập đoàn với quy mô lớn thì phải có vốn, chứ không thể nói phát hành thêm cổ phiếu là phát hành giấy lộn. Lý giải về việc lượng tiền mặt cao nhưng cổ tức thấp, ông Trần Đình Long cho hay rong 46.000 tỷ đồng tiền mặt có sẵn, bắt buộc phải có 20.000 - 30.000 tỷ đồng là "tiền lỏng" (tức tiền không được hoạt động). "Tiền lỏng" này không được phép dùng trong kinh doanh, mà phải luôn sẵn sàng để đảm bảo khả năng thanh toán.
Chủ tịch Hòa Pháp cũng nói thêm rằng, hiện Tập đoàn có 161.000 cổ đông, lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông coi đây là minh chứng về uy tín của tập đoàn với hơn 30.000 nhân viên. Ông khẳng định: "Nhiều lần tôi nói rằng Hoà Phát không dừng lại, Hoà Phát sẽ tiếp tục tiến lên khẳng định tầm cỡ khu vực. Chúng ta không thể dừng lại được".
Vị tỷ phú này cũng thừa nhận, hiện ngành thép đang gặp khó. Do ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraine khiến nguyên liệu tăng sốc, chưa kể chính sách Zero Covid của Trung Quốc cũng khiến ngành thép bị đình trệ vì họ chiếm 60% nhu cầu tiêu thụ. Ngoài ra, hiện xuất khẩu thép của Hòa Phát chiếm 30% sản lượng và định hướng sẽ đưa về mức 5-15%.
Được biết, một trong những lý do khiến Hòa Phát chỉ chia cổ tức tiền mặt 5% là do Hòa Phát xem xét công bố dự án Dung Quất 2. Dự án này cần có mức vốn là 70.000 tỷ đồng, và doanh nghiệp vay được ngân hàng 35.000 tỷ đồng đã là mức kỷ lục tại thị trường ngân hàng Việt Nam.
Theo báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2021 và kết hoạch năm 2022, Hòa Phát dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19. Doanh thu hợp nhất năm 2021 của tập đoàn đạt 150.865 tỉ đồng (tăng 65%), lợi nhuận sau thuế đạt 34.521 tỉ đồng (tăng 55,6%) so với cùng kỳ năm trước.
Cũng tại đại hội cổ đông thương niên, ông Long cho hay tập đoàn đang triển khai dự án Dung Quất 2, đồng thời nghiên cứu về Hòa Phát 3 với công suất 6,5 triệu tấn. Như vậy, tổng công suất của Hòa Phát sẽ nâng lên 21 triệu tấn, ngang với nhu cầu tiêu thụ thép hiện tại của Việt Nam.
Tổng hợp theo Tuổi trẻ, Dân Trí, Vneconomy
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận