Cô giáo Quảng Trị hơn 20 năm cưu mang "người dưng" nửa mê nửa tỉnh, coi như chị em ruột
Hơn 20 năm trôi qua, ấy cũng là từng ấy năm cô giáo Quảng Trị Ngô Thị Viện cưu mang một người khuyết tật xa lạ.
Bài viết này thuộc series Truyền cảm hứng
Truyền cảm hứng
Năm 1999, lúc bấy giờ cô giáo Ngô Thị Viện ở làng Cát, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vừa bước qua tuổi 44. Lúc bấy giờ gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai cô, khi người chồng công nhân vừa mât việc, nhà còn 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Thời điểm ấy, câu chuyện lo cái ăn, cái mặc là bài toán đau đầu của cả vùng quê nghèo.
Cuộc gặp gỡ với người đàn bà trong hình hài đứa trẻ
Cô Ngô Thị Viện nhớ lại, cô gặp gỡ người đàn bà ấy vào buổi chiều năm 1999. Người ấy đến gõ cửa nhà cô, nhờ đèo tới bên đò sông Bến Hải. Trước đó, cô đã nghe dân làng truyền tai nhau có một người "không bình thường" đi khắp nơi xin ăn, xin ở nhưng ai cũng lắc đầu. Người phụ nữ ấy trạc tuổi cô Viện, nhưng ánh mắt vô hồn, vóc dáng nhỏ bé, lưng gù, chỉ cao tâm 1m, nặng chưa tới 30kg.
Cô giáo kể tiếp: "Cô hỏi 'Thế gần tối rồi lên đó làm gì?'. 'Qua làng bên sông, xin... ở. Ai cho thì ở giúp việc', người kia ú ớ đáp. 'Sức khỏe yếu thế thì làm được gì mà nhà nào họ nhận?', cô hỏi lại thì người đó không nói gì, lặng lẽ cúi đầu. Chẳng kịp nghĩ nhiều, cô vào nhà bảo với chồng hay cho họ ở tạm nhà thì chồng cô đồng ý ngay. Hai vợ chồng đón người nhận tên Mai Thị Xinh ấy vào nhà, gọi là o Xinh".
Những ngày sau đó, cô Viện không chỉ chăm lo chỗ ăn, chỗ ngủ mà còn kiên trì trò chuyện, gợi nhớ ký ức của o Xinh, với hi vọng tìm lại người thân. Từ những sự kiện chắp vá, lại thêm hỏi thăm người dân trong làng, cô Viện biết o Xinh vốn là người thôn Hắc Hiền, xã Vĩnh Thạch (nay là xã Kim hạch, huyện Vĩnh Linh).
Số phân của o Xinh vốn khổ, từ nhỏ đã không biết bố là ai, ở cùng mẹ tới năm 30 tuổi thì bà qua đời vì bệnh ung thư. O Xinh tới nhà người cậu ở, được 3 năm thì cậu già yếu. O được một người quen giới thiệu cho làm giúp việc ở huyện Gio Linh được 10 năm thì không may gặp tai nạn. Sau tai nạn, o Xinh mất sức lao động, thần kinh lại bất ổn nên nhà chủ không nhận nữa. Từ đó, o đi lang thang, không biết sao lại tới thị trấn Cửa Tùng này.
Càng tìm hiểu, cô giáo Quảng Trị lại càng nghẹn lòng xót xa. Tìm về xã Vĩnh Thạch xưa, thì quả thực có người tên Mai Thị Xinh trùng khớp với o, nhưng chẳng có bất kỳ loại giấy tờ nào. Cô Viện xót xa kể: "Nhìn lại gia cảnh mình, chồng mất việc. Đồng lương giáo viên cấp 2 thời ấy phải tằn tiện lắm mới tạm lo cho cả nhà 5 người, 3 đứa con đang học. Ở vào tình cảnh 'ăn bữa hôm, lo bữa mai', nuôi thêm một con người đâu phải giản đơn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, o Xinh khuyết tật, ngây dại, nếu không để o ở lại thì còn chỗ nào mà đi, rồi sẽ ra sao? Cô lại chẳng đành lòng...".
Bỏ thì thương, mà vương thì nặng, cô Viên tâm sự với chồng. Sau cùng, cả hai vợ chồng quyết định bỏ ngoài tai lời khuyên can, giữ o Xinh ở lại nhà mình nuôi dưỡng.
Mối thâm tình giữa những "người dưng"
Sống cùng người lạ đã khó, nhận nuôi người khuyết tật, trí não có vấn đề còn khó hơn nhiều. Cô Viện tâm sự: "Biết o Xinh ốm yếu, cả nhà đều bảo bọc, không để o phải làm việc gì cả. Thế nhưng, có lẽ do nỗi đau tinh thần cộng với di chứng từ vụ tai nạn khiến tính khí o Xinh rất thất thường, sẵn sàng lớn tiếng nếu tưởng tượng ra điều gì đó không vừa ý".
Những lúc như thế, trái tim đôn hậu của một nhà giáo đã giúp cô Viện vượt qua khó khăn. Cô vẫn nhẹ nhàng, điềm đạm với người lạ, yêu thương không phân biệt. Chính vì thế, dần dàn o Xinh càng cảm phục, thêm yêu quý những người lạ đã dang rộng vòng tay với mình. Sau đó, o thay đổi, tâm tính vui vẻ hơn, lại còn hăng hái phụ giúp việc nhà.
Thấy o Xinh dần thay đổi tâm tính, lại muốn o hòa nhập cùng cộng đồng, cô giáo đi đâu làm gì cũng đèo người phụ nữ ấy đi cùng. Chưa kể, cô còn giúp o Xinh làm giấy tờ tùy thân, nhập khẩu vào hộ của mình để có thể tham gia các đoàn thể ở địa phương.
Trên các loại giấy tờ thiếu yếu, o Xinh được ghi năm sinh giống như cô giáo, là năm 1955. Dù vậy, o vẫn luôn gọi cô viện hai tiếng "chị Viện" thân thương, gắn bó với cô giáo như hình với bóng. Những người từ nơi khác đến, hoặc lâu ngày xa quê, hẳn sẽ tưởng cả hai là chị em ruột.
Cô Viện vui vẻ nói: "Năm 2013, gia đình làm thủ tục tách hộ để o Xinh được hưởng chế độ hộ nghèo và khuyết tật hạng nặng. Mỗi tháng có thêm khoản bảo trợ, cô dùng để đóng các loại phí sinh hoạt nhóm hội, phụ thêm mua thuốc bổ, quần áo mới... O Xinh vui lắm!".
Giờ đây, cả cô Viện và o Xinh đã bước sang tuổi 66, ở bên nhau tới 1/3 cuộc đời. Chưa một lần nào, o Xinh tìm cách rời khỏi nhà của "chị Viện", cứ gắn bó và yêu thương như chị em ruột thịt. Có lẽ, trong tiềm thức của người đàn bà ấy, đây chính là nhà, đây là gia đình.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận