Có 5 bất động sản trong tay, tôi vẫn chọn đi làm mỗi ngày chứ không dựa vào đất

Biết tôi có tới 5 bất động sản, nhiều "đầu nậu" liên hệ muốn hợp tác "đánh sóng" nhưng tôi từ chối, chọn đi làm mỗi ngày để có ích hơn cho xã hội.

Chi Nguyễn
11:36 07/06/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo tôi, mua tích lũy không phải là nguyên nhân chính của sốt đất. Bởi có những người cả đời lao động vất vả, tích cóp lắm cũng chỉ mua được 1-2 miếng đất để dành. Trong khi đó, những người bơm thổi giá đất có thể chuyển nhượng, sang tay 10 - 20 bất động sản chỉ trong một tháng. Cùng một miếng đất đó, nhưng qua tay người khác là bị đẩy giá lên 5-10%.

Tôi biết có nhiều bất động sản chỉ trong 1 tháng đã truyền tay cả 3-4 lần, đội giá lên nhiều lắm, trong khi không tạo ra giá trị gì cho xã hội. Tôi thấy đây mới là nguyên nhân chính khiến đất tăng phi mã như thời gian qua. Thực ra tôi cũng mua được một số bất động sản để dành, mua bằng chính lương mình. Tuy nhiên, tôi vẫn đặc biệt ủng hộ đánh thuế cao chuyển nhượng bất động sản dưới 5 năm và bất động sản thứ hai để kiểm soát đầu cơ nhà đất.

co-5-bat-dong-san-trong-tay-toi-van-chon-di-lam-moi-ngay
Cứ vừa làm vừa tích cóp, tích đủ lại mua bất động sản, đến nay tôi đã có nhà và 4 lô đất. Ảnh minh họa

Hồi năm 2007, lúc đó tôi vừa ra trường, lương khoảng 2,8 triệu đồng. Lúc ấy, miếng đất trước nhà đã có giá 3 tỷ đồng, tức là bằng khoảng 90 năm lương khởi nghiệp kỹ sư như tôi. Nhẩm tính xong, cứ thế này thì bao giờ mua nhà được, nên tôi quyết định đi nơi khác. Tôi về Bến Cát, làm việc lương 2,6 triệu rồi mua lô đất giá 220 triệu đồng, tương đương 7 năm lương khởi nghiệp. Cứ vừa làm vừa tích cóp, tích đủ lại mua bất động sản, đến nay tôi đã có nhà và 4 lô đất.

Theo tôi, ôm bất động sản chỉ xấu 1, còn sang tay hay thổi giá nhà đất thì xấu gấp 10. Từ năm 2012 - 2016, tôi ôm bất động sản nhưng lời cũng chỉ bằng lãi suất ngân hàng thôi. Giờ đây, người hiểu biết có tiền cũng sẽ mua nha mua đất mà thôi, vì đất bây giờ đã là giá của 5 năm sau rồi. Tôi thấy giá đất đã đi quá giá trị thực của nó.

Theo số liệu thực tế, tổng GDP Việt Nam năm 2020 - 2021 đã tăng 5%, nhưng bất động sản trong 2 năm qua thì tăng giá 100%, như vậy có hợp lý không? Giá nhà đất tăng cao đồng nghĩa với việc người lao động thu nhập thấp lại gặp khó, chi phí nhà ở, giá thuê cũng bị đẩy cao.

co-5-bat-dong-san-trong-tay-toi-van-chon-di-lam-moi-ngay
Đến giờ tôi vẫn chưa bán một m2 nào cả, chỉ là xây nhà lên rồi cho thuê thôi. Ảnh minh họa

Thành thực mà nói, tôi muốn mở xưởng sản xuất nhưng thấy kinh doanh phòng trọ còn sướng hơn, chứ chưa nói đến mua bán truyền tay bất động sản. Đến giờ tôi vẫn chưa bán một m2 nào cả, chỉ là xây nhà lên rồi cho thuê thôi. Nhiều "đầu nậu" bất động sản từng liên hệ, muốn hợp tác cùng tôi "đánh sóng" nhưng tôi từ chối. Tôi biết đâu là giá trị xã hội, đâu là lừa đảo, nên tôi vẫn đi làm mỗi ngày chứ không dựa vào đất. Tôi tin, những người có học thức cao chắc chắn sẽ không tham gia mấy phi vụ sang tay thổi giá nhà đất này.

Bất động sản "đóng băng" sẽ giúp nhiều người có nhu cầu thật có nhà. Quan trọng là nhà nước phải có chế tài để hướng đồng tiền và con người vào sản xuất, kinh doanh. Đấy mới là cốt lõi của tăng trưởng xã hội bền vững. Cứ hình dung giờ người người bỏ công ăn việc làm, đi bán đất kiếm lời, không tạo giá trị gì cho xã hội cả. Chỉ tội những người làm ăn chân chính phải lãnh hậu quả vì không mua được nhà.

*Bài viết tổng hợp theo chia sẻ của anh Lê Văn Dũng (Bình Dương). Bài viết mang quan điểm cá nhân của tác giả.

Theo VnExpress

Xem thêm: Lỡ đặt cọc mua nhà bị sai hiện trạng, vợ chồng tôi băn khoăn nên giữ hay từ bỏ?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận