Chuyên gia tài chính khuyên nhủ người trẻ: Tới năm 30 tuổi không có tiền tiết kiệm, bạn đã mất trắng 2 tỷ rồi!
Theo anh Nguyễn Hữu Trí, một chuyên gia tài chính, nếu đến năm 30 tuổi vẫn chưa có tiền tiết kiệm thì ta đang phung phí vô cùng.
Hầu hết chúng ta đều hiểu rằng tiết kiệm rất quan trọng, nhưng không mấy ai làm điều đó cả. “Đợi mấy năm nữa cho lương khá khẩm hơn rồi bắt đầu dành dụm” trở thành tư duy phổ biến. Thoạt nghe, đây cũng không hẳn là điều sai trái. Nhưng đã bao giờ bạn thử suy nghĩ và tìm ra sự khác biệt giữa việc tiết kiệm từ năm 22-23 tuổi (lúc mới đi làm), với chuyện đợi đến 30 tuổi - khi lương cao mới dành dụm, hay chưa?
Anh Nguyễn Hữu Trí (hay còn được biết đến với nickname Thầy Quéo) - Nhà sáng lập Học viện kỹ năng Awake Your Power, top 3 sinh viên tốt nghiệp với thành tích cao nhất tại trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), đã có những chia sẻ, phân tích về vấn đề này.
Trong một video trên TikTok cá nhân, vị chuyên gia này cho rằng, tư duy này có phần sai lầm. Anh Trí khẳng định, nếu đợi đến năm 30 tuổi mới bắt đầu tiết kiệm, bạn đang vô tình phung phí khoảng 2 tỷ đồng.
Để làm rõ hơn lời khẳng định này, anh Nguyễn Hữu Trí phân tích như sau: Giả sử bạn bắt đầu đi làm từ năm 22 tuổi với mức lương khởi điểm là 6 triệu đồng/tháng. Hàng năm, lương của bạn được tăng 10%.
Trường hợp 1: Ngay từ khi nhận tháng lương đầu tiên, bạn đã tiết kiệm 10% thu nhập và duy trì tỷ lệ này cho tới năm 60 tuổi. Số tiền bạn dành dụm được sẽ là 4 tỷ 546 triệu đồng.
Trường hợp 2: Bạn không tiết kiệm trong suốt 8-9 năm đầu đi làm, đợi đến năm 31 tuổi mới bắt đầu dành dụm. Lúc này, số tiền bạn tiết kiệm được khi 60 tuổi là 2 tỷ 688 triệu đồng.
Không khó để nhận ra khoảng chênh lệch 2 tỷ đồng giữa 2 trường hợp trên. Lương không thay đổi, tỷ lệ tăng lương cũng như nhau, khác biệt duy nhất chỉ thời gian tích lũy.
Ví dụ mà anh Nguyễn Hữu Trí đưa ra có thể không hoàn toàn đúng với tình hình lãi suất tiết kiệm hay tỷ lệ lạm phát ở thời điểm hiện tại. Bản thân anh cũng khẳng định đây chỉ là một giả lập mà anh phân tích, để giúp các bạn trẻ hiểu được việc tiết kiệm từ sớm và duy trì thói quen tiết kiệm trong thời gian dài sẽ có ích đến mức nào.
“Bạn mất 2 tỷ đồng để đổi lấy sự sung sướng của việc được tiêu xài thêm khoảng 6-8 triệu/năm, liệu có đáng không?” - anh đặt ra một câu hỏi sau khi phân tích thói quen nói không với tiết kiệm trước tuổi 30.
Quả thực, tiết kiệm càng sớm thì chúng ta càng có lợi về lâu về dài. Có điều, làm sao để có cách tiết kiêm hiệu quả, cũng như duy trì được thói quen này? Nhất là khi, thu nhập của chúng ta thường không đổi, thậm chí thấp đi, và các "bẫy chi tiêu" ngày càng tinh vi, phức tạp?
Shark Linh từng có lời khuyên rằng: "Việc tiết kiệm cũng giống như một cái cơ, bạn cần phải rèn luyện nó. Mới tiết kiệm, nếu không có nhiều tiền, không thành vấn đề. Điều quan trọng là bạn phải hình thành thói quen luôn trích ra một phần thu nhập, nhỏ thôi cũng được, để tiết kiệm. Dần dà, khi mình quen với việc đó rồi, mình có thể tiết kiệm nhiều hơn. Linh gọi đó là cơ bắp tiết kiệm".
Chưa kể, hiện tại có không ít phương pháp tiết kiệm hiệu quả, phù hợp cho từng kiểu người. Dù là bạn có thu nhập cao hay thấp, nếu chỉ bỏ vài phút tìm kiếm, nhất định sẽ lựa chọn được phương pháp hợp với mình. Sau cùng, bạn phải tự khuyên nhủ mình rằng, thời điểm tốt nhất để tiết kiệm, chính là NGAY BÂY GIỜ.
Theo Nhịp sống thị trường
Xem thêm: Giá cả leo thang, học ngay 10+ mẹo tiết kiệm khi đi mua sắm từ các bà nội trợ kinh nghiệm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận