Chuyên gia tài chính có 17 năm kinh nghiệm chỉ ra 4 sai lầm "chí mạng" khiến kế hoạch chi tiêu đổ bể

Mỗi người chúng ta dù là giàu hay nghèo đều cần biết quản lý tài chính cá nhân, nếu không cả đời sẽ chỉ quanh quẩn với việc "nghèo mãi hoàn nghèo".

Chi Nguyễn
09:23 16/11/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Natalie Taylor là Trưởng bộ phận Tư vấn Tài chính của Monarch Money, là một chuyên gia tài chính có tiếng. Bà đã có tới 17 năm kinh nghiệm lập kế hoạch tài chính, 9 năm trong lĩnh vực fintech và hơn 10 năm làm diễn giả về tài chính cá nhân. 

chuyen-gia-tai-chinh-chi-ra-4-sai-lam-khien-ke-hoach-chi-tieu-do-be
Natalie Taylor là chuyên gia tài chính, người có tới 17 năm kinh nghiệm lập kế hoạch tài chính

Taylor chia sẻ: "Bạn đã bao giờ thiết lập một ngân sách nhưng khó tuân thủ suốt thời gian dài? Bạn và đối phương đã bao giờ tranh cãi về chi tiêu? Bạn thấy các hóa đơn và chi phí ngẫu nhiên luôn vượt quá ngân sách mặc dù đã cố gắng hết sức tuân thủ? Nếu vậy, bạn không đơn độc". Theo vị chuyên gia này, có 4 sai lầm phổ biến khiến kế hoạch chi tiêu của ta dễ bị phá sản, và đây là cách để thay đổi chúng: 

Lập ngân sách mà không có mục tiêu

Việc lập ra ngân sách hàng tháng là một cách làm hay để quản lý chi tiêu, giúp ta cắt giảm những khoản chi không cần thiết, dành ra tiền để tiết kiệm hay đầu tư. Theo Natalie, dù ta muốn kiếm tiền để trả nợ, có quỹ khẩn cấp, đầu tư cho hưu trí hay đơn giản là mua thứ gì đó, việc xác định rõ mục tiêu tài chính là rất cần thiết. Nó sẽ giúp ta kết nối với ngân sách chi tiêu hơn và dễ hoàn thành mục tiêu hơn.

chuyen-gia-tai-chinh-chi-ra-4-sai-lam-khien-ke-hoach-chi-tieu-do-be
Lập ngân sách mà không có mục tiêu

Chuyên gia tài chính này cho biết: "Ví dụ, lập ngân sách vì bạn cảm thấy mình nên chi tiêu ít hơn rất khác với lập ngân sách vì bạn muốn mua nhà trong hai năm tới. Khi có mục tiêu mua nhà, bạn luôn luôn biết rằng, bám sát vào ngân sách là cách sẽ giúp bạn đạt được điều đó".

Chú ý tới các khoản chi bất thường

Các khoản chi bất thường là những thứ ta không chi trả hàng tháng, chẳng hạn như việc chữa bệnh, du lịch, sửa chữa nhà cừa... Hầu hết chúng ta đều tập trung vào các khoản chi cố định mà quên đi khoản chi bất thường khi lập ngân sách tài chính. Vì thế, để có thể quản lý ngân sách hiệu quả, phải lập kế hoạch cho tất cả các loại thu chi.

Thử cộng tất cả các khoản tiền mà ta dự đoán phải chi trong năm tới. Sau đó, chia số tiền đó cho 12 tháng, rồi chuyển tiền vào một tài khoản tiết kiệm riêng. Hãy sử dụng tiền từ tài khoản tiết kiệm mới lập này để chi tiêu các khoản chi không định kỳ.

Không có khoản chi cho giải trí

chuyen-gia-tai-chinh-chi-ra-4-sai-lam-khien-ke-hoach-chi-tieu-do-be
Việc thêm "niềm vui" hay "giải trí" vào ngân sách sẽ giúp ta tự do chi tiêu và cảm thấy "dễ thở" hơn khi lên kế hoạch

Thay vì yêu cầu khách hàng cắt giảm mọi chi tiêu cho bản thân, Taylor lại luôn khuyến khích họ để dành một khoản cho việc này. Chuyên gia tài chính này cho biết: "Tôi thấy rằng, khách hàng thành công nhất khi họ đạt được sự cân bằng phù hợp giữa hai điều này. Cân bằng giữa chi tiêu và tiết kiệm là chìa khóa của sự tiến bộ bền vững theo thời gian".

Việc thêm "niềm vui" hay "giải trí" vào ngân sách sẽ giúp ta tự do chi tiêu và cảm thấy "dễ thở" hơn khi lên kế hoạch. Thông thường, khoản này chỉ nên chiếm một ít trong ngân sách hàng tháng, không quá nhiều nhưng vừa đủ để ta tận hưởng cuộc sống. Ta có thể trích tiền để làm bất cứ thứ gì mình muốn, tùy thuộc vào quan điểm và điều kiện mỗi người. Tất nhiên, đừng để vượt quá khoản chi tiêu cố định như thanh toán hóa đơn, mua sắm thực phẩm,...

Không đồng thuận với nửa kia

Nếu ta đang độc thân, có thể đây không phải là vấn đề quá quan trọng. Nhưng trong một mối quan hệ, dù chỉ mới là người yêu hay vợ chồng, thì chi tiêu luôn là một trong những vấn đề dễ gây tranh cãi. Khi ta có quan điểm và thói quen khác với nửa kia, ta sẽ dễ xảy ra hiềm khích với họ.

chuyen-gia-tai-chinh-chi-ra-4-sai-lam-khien-ke-hoach-chi-tieu-do-be
Một trong những điều quan trọng nhất mà tôi làm việc với khách hàng là giúp họ điều chỉnh các mục tiêu tài chính để cả hai cảm thấy có cùng mục tiêu chung

Natalie Taylor cho biết: "Một trong những điều quan trọng nhất mà tôi làm việc với khách hàng là giúp họ điều chỉnh các mục tiêu tài chính để cả hai cảm thấy có cùng mục tiêu chung. Khi đồng lòng, mỗi người cần xác định rõ mức độ đóng góp cho mục tiêu chung đã đề ra". Việc xác định rõ mục tiêu chung, mỗi người cần đóng góp bao nhiêu sẽ giải quyết các bất đồng dễ dàng hơn. Ta sẽ học được cách hòa hợp, điều chỉnh ngân sách của bản thân để phù hợp với nửa kia.

Sau cùng, điều quan trọng là ta không được sợ sai, cứ thoải mái thực hành và thử nghiệm. Nếu ngân sách hiện tại không hiệu quả, hãy thử khám phá các kế hoạch chi tiêu khác nhau.

Theo Business Insider

Xem thêm: 4 đặc điểm mà người nghèo tiền bạc, dư sĩ diện luôn có: Chỉ cần sở hữu một thì phải nhanh chóng thay đổi

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận