Chuyên gia cảnh báo tình trạng bất động sản "lãi trên giấy" do ảnh hưởng của lạm phát
Chuyên gia nhận định, khi lạm phát diễn ra, dù giá bất động sản có tăng nhưng tính thanh khoản thấp, dễ xảy ra tình trạng "lãi trên giấy".
Giá tăng mạnh, hàng ế ẩm
Từ đầu năm 2021, sốt đát diễn ra khiến giá bất động sản ở nhiều tỉnh thành trên cả nước tăng mạnh. Tuy nhiên, giá tăng cao cũng kéo theo lo ngại về tính thanh khoản, khi nhiều người không đủ tiền mua. Đặc biệt, với những người có nhu cầu ở thực, họ khó mua bất động sản vì bị giới đầu cơ và "lái" thổi giá.
Anh Nguyễn Văn Hải là một nhà đầu tư lâu năm ở HÀ Nội, cho biết giá đất đang tăng nóng 30-50% trong thời gian qua. Nếu theo tính toán thì người giữ đất lãi đậm, nhưng tình hình giao dịch qua sốt đất lại đang chững lại. Nhiều người e dè mức giá cao nên không dám mua, khiến tính thanh khoản thấp.
Anh nhận định; "Việc khó tìm người mua xuất phát từ giá đất đã tăng quá cao so với thu nhập, vốn của đại đa số người có nhu cầu, cụ thể là người có nhu cầu ở thực. Còn đối với những nhà đầu tư thì tính toán phải có lãi họ mới mua. Giá tăng cao sẽ có thể xảy ra trường hợp khó bán cả cho giới đầu tư". Thanh khoản thấp vì giá tăng cao, khiến cho nhiều người bị mắc kẹt, ngâm vốn, thậm chí phải cắt lỗ.
Đại diện Savills Việt Nam cho hay, nhiều nhà đầu tư đang "mắc kẹt" do mua vào đợt sốt đất. Trong khi đó, sự phát triển hạ tầng và dịch vụ chưa theo kịp. Giá nhà đất chào bán cao nhưng lại khó bán, khiến các chủ đầu tư dự án chần chừ. Nhiều dự án liền kề, shophouse đã đưa ra mức giá bán tăng gần gấp đôi so với năm ngoái nhưng không dễ tìm người mua.
Các chuyên gia bất động sản nhận định, nếu không tính đúng nhu cầu thị trường, nhiều chủ đầu tư dễ bị "gập ông đập lưng ông". Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết: "Các dự án đã bán có thể không thu hút được nhà đầu tư đâu vì giá cao quá. Dự án mới sẽ thu hút hơn, thiết lập giá ở mức hợp lý để còn bán ở các giai đoạn sau".
Xuất hiện tình trạng "lãi trên giấy"
Chuyên gia chỉ ra rằng, hiện tại đang xuất hiện tình trạng "lãi trên giấy" gây áp lực lên các nhà đầu tư. Nhiều người muốn mua nhà đất để ở thật rất khó tìm sản phẩm vừa túi tiền vì giá tăng mạnh.
TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, tới đây phân khúc nhà ở và thương mại sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Ông nhấn mạnh: "Tuy nhiên, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng".
Theo đó, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản. Đặc biệt, cần tránh việc "chết trên đống tài sản" từng xảy ra trước đó. Hiện tại, nguồn cung nhà ở tại Việt Nam còn rất hạn chế, do đó việc giảm giá bất động sản là rất khó.
TS. Khương nhận định: "Trong 9 - 12 tháng tới, việc một số các nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, tính đầu cơ của nhóm này không lớn, khó có thể thao túng thị trường, làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá".
Các nhà đầu tư trước khi xuống tiền cần chú ý về giá và pháp lý của bất động sản. Đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó. Suy cho cùng, khoản tiền này được đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh, bất ổn chính trị quốc tế.
Theo Tuấn Minh/Trí thức trẻ
Xem thêm: Mua bất động sản theo lời khuyên, vì sao người ta ngày càng giàu còn bản thân lỗ chống vó?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận