Nguyễn Hồng Lợi: "Kình ngư không chân" vươn lên bằng nghị lực, vẫn kiêu hãnh dù bản thân khiếm khuyết

Tuy bản thân có khiếm khuyết, nhưng Nguyễn Hồng Lợi vẫn nghị lực vươn lên, trở thành "kình ngư không chân" xuất sắc trên những đường đua xanh.

Chi Nguyễn
09:17 08/01/2023 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguyễn Hồng Lợi là ai?

Nguyễn Hồng Lợi sinh năm 1988, là vận động viên bơi lội tại TP.HCM. Vì ảnh hưởng của chất độc màu da cam, anh sinh ra đã mất đi 2 chân, teo cánh tay phải. Trong suốt cuộc đời, anh bị người ta gọi là "thằng cụt" một cách độc đoán và phũ phàng. 

chuyen-doi-kinh-ngu-khong-chan-nguyen-hong-loi

Anh thấy mình khác biệt rõ ràng so với anh em, bạn bè và những đứa trẻ hàng xóm. Thế nhưng, anh không để điều đó cản bước thành công của mình. Lợi lớn lên, học bơi và trở thành "kình ngư" đáng gờm trong làng bơi lội.

Tuổi thơ buồn của "thằng cụt"

Bà Nguyễn Thị Hưng, mẹ anh Lợi, xót xa thương cảm cho con trai của mình. Bà khóc: "Tôi sinh ra thì nó đã không được lành lặn như các anh em. Nhìn thấy con chịu nhiều khiếm khuyết, lòng tôi đau như cắt. Tôi ước sao con mình có 2 tay, 2 chân như người ta. Với tôi, nó là số một, là trên hết...".

Dù vậy, Lợi vẫn giữ tinh thần lạc quan, sớm coi những lời trêu chọc ấy là bình thường. Anh nói: "Lúc đi học, Lợi hay được các bạn nhìn. Mình thấy kì kì chứ thực sự cũng không biết mình như thế nào, vì khi đó chưa ý thức được mình khác với mọi người. Các bạn gọi mình là 'thằng cụt', mình cảm thấy rất bình thường. À, thì ra là mình cụt nên các bạn gọi thế. Nhờ đó mà mình phải giỏi hơn nữa, cố gắng hơn nữa". Thậm chí, sau này khi các bạn gọi anh là "cụt cụt", anh còn cảm thấy thích cái tên đó.

chuyen-doi-kinh-ngu-khong-chan-nguyen-hong-loi

"Thằng cụt" của ngày xưa chỉ có quanh quẩn trong nhà, trong xóm, còn bây giờ "thằng cụt" Nguyễn Hồng Lợi đã có thể chạm tay tới nhiều thành công. Chúng ta hãy cùng nhắc tới sự thành công đó trên con đường mà "kình ngư không chân" đã chọn và theo đuổi.

Bơi lội - chân trời mới giúp chàng trai thể hiện bản thân

Nguyễn Hồng Lợi tâm sự, anh rất thích vầy nước từ nhỏ, hay được anh chị dẫn ra sông chơi. Lúc ấy, anh thường ngồi trên bờ, mường tượng một ngày được bơi lội thỏa thích như anh chị em.

Lên 5 tuổi, kinh tế gia đình khó khăn, ba mẹ lại phải nuôi thêm Lợi. Cực chẳng đã, họ đành phải gửi Lợi vào làng Hoà Bình để các cô ý tá, bác sĩ chăm sóc. Dù buồn, nhưng Lợi vẫn theo chân người khác đi vào làng sống và tập cách tồn tại bên cạnh những-đứa-trẻ-giống-như-anh.

chuyen-doi-kinh-ngu-khong-chan-nguyen-hong-loi

8x tâm sự: "Còn nhỏ mà phải xa ba mẹ mình nhớ lắm. Nhưng nghĩ lại, mình vẫn phải đi học để như nào đó, cha mẹ không phải buồn".

Hè năm 18 tuổi, bước ngoặt cuộc đời đã xảy ra với Nguyễn Hồng Lợi. Vẫn khắc khoải với ước mơ được học bơi, anh tìm đến một lớp dạy bơi lội. Ngày đầu tiên đến lớp, anh rụt rè mở lời: "Em không biết thầy có nhận em không?". Trong ký ức của mình, Lợi nhớ rõ, đấy là một người thầy cực nghiêm khắc và khó tính. Thầy quan sát Lợi xong, hỏi có phải anh tới học bơi không. Anh bẽn lẽn đáp: "Dạ!". Lúc này, thầy nói một câu khiến chàng trai vô cùng bất ngờ: "Thế mai vào học bơi luôn, tôi dạy em bơi, tôi không lấy tiền đâu. Tôi chỉ cần em bơi được là vui rồi".

Lợi không khỏi ngỡ ngàng, anh cứ ngỡ mình sẽ bị từ chối vì khuyết điểm của bản thân. Nào ngờ, người thầy ấy lại sẵn sàng dạy dỗ anh, còn cho anh học miễn phí.

chuyen-doi-kinh-ngu-khong-chan-nguyen-hong-loi

Chỉ sau 5 ngày, Lợi đã có thể bơi được những động tác cơ bản. Với mọi người, bơi là một môn thể thao khá khó. Với một người như Nguyễn Hồng Lợi, mọi người nhìn vào nghĩ chắc khó hơn. Quả thực, mọi thứ rất khó nhằn, nhưng chàng trai ấy tự nhủ: "ới mình, bơi lội là đam mê. Mình muốn trả lời câu hỏi mình có bơi được hay không? Và các bạn biết đấy, mình bơi được và có sức khoẻ để làm được nhiều thứ".

Từng bước đến đỉnh vinh quang

Lợi bơi hoàn toàn bằng tay trái. Thời gian đầu mới đi tập, cánh tay của anh mỏi nhừ. Mệt đấy, nhưng anh chẳng màng. Với chàng trai này, chỉ cần được bơi đã là một điều đáng quý.

Thời gian trôi qua, lại một mùa hè nữa, Lợi cùng anh em trong làng Hoà Bình đi giao lưu ở nhà văn hoá thanh niên. Ở đây, Lợi may mắn được gặp và làm quen với anh Nguyễn Xuân Khanh - người đã dẫn dắt Nguyễn Hồng Lợi vào con đường bơi lội chuyên nghiệp.

chuyen-doi-kinh-ngu-khong-chan-nguyen-hong-loi

Anh kể: "Anh Khanh hướng dẫn Lợi bơi, kể cả những động tác kĩ thuật. Mình rất vui. Cuộc thi đầu tiên mình tham gia là giải bơi lội toàn quốc. Lúc đó mình rất hồi hộp, xa nhà nên hoà lẫn nhiều cảm xúc. Mình cứ cố gắng thôi, mình xác định là tham gia vui là chính để coi khả năng bản thân đến đâu".

Ấy thế mà, chàng "kình ngư không chân" xuất sắc nhận 2 tấm huy chương Bạc, đứng hạng nhì chung cuộc. Đó là một thành tích đáng nể với người lần đầu tham dự một giải bơi.

Những năm sau đó, Lợi củng cố thành tích của mình bằng những tấm huy chương danh giá trong môn bơi lội. Lợi có đủ màu huy chương, từ vàng, bạc tới đồng. Năm 2013, "kình ngư" Nguyễn Hồng Lợi thi đấu tại giải khuyết tật Hà Nội. Năm đó, Lợi chỉ được huy chương đồng. Mấy năm trước, anh cố gắng từ con số 0 lên hạng nhất, bỗng rớt từ Vàng xuống Đồng, Lợi có chút tiếc nuối.

chuyen-doi-kinh-ngu-khong-chan-nguyen-hong-loi-10

8x tâm sự: "Nhưng khi lên nhận giải mình cũng vui chứ không buồn. Đã đến với thể thao thì có lúc mình lên, lúc xuống. Mình không quan trọng thành tích, chỉ mong muốn thử thách, vượt qua bản thân. Cuộc đua chính bản thân mình mới là quan trọng nhất. Trong cuộc sống, dù gặp khó khăn mình cũng đừng quá bi quan, đừng nhìn vào khiếm khuyết cơ thể. Bởi, khiếm khuyết cơ thể không bằng khiếm khuyết trái tim. Lợi có rất nhiều niềm vui, không việc gì mình phải buồn. Sự cố gắng đã giúp Lợi có được kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay".

Nếu có lành lặn, chưa chắc đã được như ngày hôm nay

Nguyễn Hồng Lợi tâm sự, với anh, người anh thương nhất là những đứa em ở làng Hòa Bình. Chúng đều có chung xuất phát điểm như anh: ốm đau, bệnh tật và đáng thương. Nhưng Lợi cảm thấy bản thân mình may mắn hơn chúng, vì dẫu sao anh cũng tìm ra được đam mê của mình.

Ở làng, anh có một cô em gái "nuôi" tên Lộc. Ban đầu, cô bé rất rụt rè, chỉ quanh quẩn ở trong nhà. Thế nhưng, 8x vẫn chủ động bắt chuyện với cô bé, dần dà, em cởi mở hơn trước. Anh nói: "Cuộc sống không việc gì phải buồn. Em cười với họ 1, người ta sẽ cười với em 10. Chứ em đừng giữ nỗi buồn trong lòng, mọi người sẽ không dám chơi với em".

chuyen-doi-kinh-ngu-khong-chan-nguyen-hong-loi

Điều đó cũng là tôn chỉ sống của anh - "không việc gì phải buồn". Anh nói: "Gồng làm gì, sống tự nhiên cho nó thoải mái!".

Người ta hỏi, phải chăng ước mơ lớn nhất đời anh là được ghép chân giả. Thế nhưng chàng "kình ngư" lại nói: "Không bao giờ mình ước mơ. Vì ước mơ cũng chỉ là mơ ước. Nhưng Lợi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Đôi chân không lành lặn đã giúp mình đi đến nhiều nơi. Mình cảm thấy tự hào, hay đùa giỡn với các bạn là mình có dấu chân tròn trên cát".

Được biết, anh có mẹ nuôi người Ý, từng định lắp cho anh cặp chân giả. Chiều ý mẹ, Lợi mang đôi chân đó, nhưng chỉ trong một ngày, để chụp một bộ ảnh áo dài. Anh nói: "Lợi thấy bình thường, có chân cũng được, không có chân cũng không sao. Nhưng Lợi thấy, lâu lâu làm điều khác lạ chút đi...".

Phóng viên hỏi: "Lợi đã quen với việc mất đi đôi chân thật, tuy nhiên trong một khoảnh khắc nào đó, anh có ước mơ giá như mình có một đôi chân như thế kia?". Nghe xong, anh bật khóc, nghĩ mãi mà không biết nên nói ra sao.

chuyen-doi-kinh-ngu-khong-chan-nguyen-hong-loi

Cuối cùng, chàng kình ngư bày tỏ: "Với đôi chân giả, có thì mình có thể cao lên chút, đẹp hơn chút hay dễ thương hơn chút, cái đấy tuỳ cảm nhận mọi người. Nếu như bây giờ có một đôi chân, Lợi sợ mình sẽ không được như hiện tại...

Cuộc đời không cho mình nhiều thứ, nhưng không lấy đi tất cả. Mình rất có niềm tin, hy vọng vào cuộc sống và tương lai. Bởi thế, mình mong mọi người cũng hãy nghĩ như mình".

Tổng hợp

Xem thêm: Câu chuyện truyền cảm hứng về triết lý đổi đời từ anh nhân viên dọn dẹp nhà vệ sinh thành đại minh tinh của Nhạc Vân Bằng

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận