Chuyện bác sĩ "bé đầu bự" với khát khao "không có một bệnh nhân nào bị bỏ lại"

Bác sĩ Lê Quang Mỹ, tự gọi mình là "bác sĩ bé đầu bự", có một khát khao cháy bỏng, đó là "không có một bệnh nhân nào bị bỏ lại".

Chi Nguyễn
09:48 28/06/2023 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bác sĩ Lê Quang Mỹ đang làm việc tại  khoa Ngoại Thần kinh, BV Nhi đồng 2. Công việc của vị bác sĩ trẻ vô cùng bận rộn, gắn liền với các bệnh nhi, nhất là những bé não úng thủy.

Anh kể: "Nói đến cơ duyên làm bác sĩ thì không có cơ duyên nào hết. Khi đó mình chỉ biết cố gắng học. Cha mẹ cứ nói nhà mình khó khăn nên dặn mấy anh em mình cố gắng học để sau này khỏi làm nông cực khổ. Học là cách duy nhất mình có thể làm để bù đắp phần nào sự khổ cực của cha mẹ. Đó là động lực lớn nhất giúp mình vượt qua những khó khăn, cám dỗ của cuộc sống cũng như thời tiết khắc nghiệt của Tây Nguyên để bám lấy con chữ. Mẹ nói 'cha mẹ không sợ nghèo, cha mẹ chỉ sợ con dốt, con hư'. Mỗi thành tích của bọn con là một liều thuốc bổ cho mẹ".

chuyen-bac-si-be-dau-bu-tam-huyet-le-quang-my

Gia đình khốn khó, suốt những năm cuối cấp, gần như anh không được gặp cha mẹ lần nào. Đại học là một thứ gì đó rất xa vời, chứ nói gì chuyện đậu trường y thành phố. Thế nhưng, với nỗ lực phi thường, chàng trai quê Đắk Lắk năm đó đã thi đỗ ngôi trường trong mơ. 

Bác sĩ Mỹ nhớ lại: "Cha mẹ quyết định làm một cái tiệc ở quê có thầy cô, bạn bè để mừng mình đậu đại học. Mình không hề muốn tổ chức buổi tiệc đó nhưng mình nghĩ nó cần thiết giúp cha mẹ có thêm động lực để tiếp tục chiến đấu trên một chặng đường vẫn còn rất dài ở phía trước. Buổi tiệc đó, không phải dành riêng cho mình, cha mẹ mới là người xứng đáng hơn".

Những năm tháng đại học sau đó là chuỗi ngày vô vàn khó khăn. Việc học đã khó, lại thêm nhớ nhà, thành tích cũng vì nhiều lý do mà không được như kỳ vọng. Anh tâm sự: "Nội trú là một giấc mơ của tất cả sinh viên y khoa nhưng riêng bản thân mình thì giấc mơ đó có lẽ không hề tồn tại. Có một giấc mơ khác được mình đeo đuổi suốt những năm tháng trên ghế trường y là làm sao cho cuộc sống gia đình bớt khó khăn, cả nhà được đoàn tụ, hạnh phúc".

chuyen-bac-si-be-dau-bu-tam-huyet-le-quang-my

Mọi chuyện thay đổi khi bác sĩ trúng tuyển vào bệnh viện Nhi đồng 2. Anh vốn thích con nít, cảm thấy những đứa trẻ luôn có năng lực đặc biệt, thu hút anh quan tâm, chăm sóc chúng.

Đối với một bác sĩ trẻ, lần đầu tiên cầm dao mổ, BS Mỹ cũng bị ngộp, tay chân run lẩy bẩy dù rằng chỉ thực hiện những thao tác đơn giản. Nhưng nhờ nỗ lực bản thân, cũng như hỗ trợ của đàn anh, đàn chị, anh đã vượt qua trở ngại. Đến năm 2016, sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề và kết thúc đợt tập huấn về não úng thủy tại Châu Phi, BS Mỹ chính thức đảm nhiệm vai trò chính trong một ca phẫu thuật về não.

“Lần đầu tiên đứng trước một ca phẫu thuật đặt ống dẫn lưu cho bé não úng thủy với vai trò là phẫu thuật viên chính, áp lực lớn hơn hàng trăm ca mổ phụ trước đó. Đêm đó mình mất ngủ, đến lúc mổ xong cứ bồn chồn lo lắng không biết bệnh nhân mình có ổn không. Chỉ khi tới sáng hôm sau, nhìn thấy bệnh nhân thức tỉnh và dần hồi phục, mình mới bắt đầu nhẹ nhõm. Lúc này, mình mới hiểu được ý nghĩa của câu mà bác sĩ trưởng khoa, cũng là thầy của tụi mình ghi trong phòng: Đã coi lại bệnh nhân sau mổ chưa?

...

Trước đây, mình thường nhớ đến những ca thành công. Nhưng hiện tại, những ca thất bại mới khiến mình suy nghĩ và mất ngủ. Khi quyết định làm bác sĩ, là mình đã chọn chiến đấu cho sự phục hồi của người bệnh. Vì vậy, khi sức khỏe của bệnh nhi chưa cải thiện, đầu mình phải suy nghĩ tại sao? Tại sao lại chưa làm được".

chuyen-bac-si-be-dau-bu-tam-huyet-le-quang-my

Đến nay, bác sĩ Lê Quang Mỹ đã có 7 năm kinh nghiệm về căn bệnh não úng thủy. Người ta gọi anh với cái tên thân thương là "bác sĩ bé đầu bự", người đã giúp nhiều đứa trẻ mắc bệnh có cuộc sống gần như bình thường.

Anh kể: "Nhiều gia đình không biết thông tin về bệnh nên việc phát hiện trẻ bị não úng thủy rất muộn. Khi đó, điều trị sẽ không đạt được hiệu quả tối đa. Đến khi bé xuất viện về nhà, việc trao đổi với gia đình bệnh nhi cũng gặp nhiều khó khăn. Mình thấy được điều đó nên song song với việc điều trị, mình lập ra Fanpage 'Bác sỹ bé đầu bự' để làm sao giúp gia đình có trẻ mắc não úng thủy sớm phát hiện, nhận diện để điều trị đúng phác đồ, được theo dõi thường xuyên".

Bác sĩ Mỹ bày tỏ: "Khi gia đình bắt đầu trở lại với nhịp sống, mình đã bắt đầu ước mơ cùng người bệnh. Mình ước dù cho lý do đó là gì, sẽ không có một bệnh nhân nào bị bỏ lại khi còn có khả năng điều trị. Tất nhiên để làm được điều đó không hề dễ dàng, cần phải có sự chung tay của tất cả mọi người với chủ lực là những thầy thuốc vững tay nghề, cùng sự phối hợp của người bệnh, sự góp sức của cả cộng đồng và các công cụ hỗ trợ, trong đó quan trọng nhất là các nền tảng công nghệ kết nối trực tuyến".

Lâu lâu trên Fanpage của “Bác sỹ bé đầu bự”, người ta lại thấy anh dành thời gian chia sẻ tâm sự, an ủi bệnh nhâ. Lại có lúc, vị bác sĩ ấy đi kêu gọi hỗ trợ về mặt tài chính, tìm kiếm những mối liên hệ cần thiết để việc điều trị của bệnh nhân được tốt nhất. Tất cả những việc mà BS Lê Quang Mỹ đã và đang làm đều mong muốn thực hiện ước mơ không để bệnh nhân nào bị bỏ lại.

Theo Tổ quốc

Xem thêm: Chốt sơ cứu đặc biệt của bà Liên: "Tôi chỉ muốn chuyên tâm cứu người"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận