Chốt sơ cứu đặc biệt của bà Liên: "Tôi chỉ muốn chuyên tâm cứu người"

Có người nói bà Liên lập chốt cấp cứu để trục lợi, số khác bảo bà gàn dở. Nhưng với bà Liên, chỉ cần được cứu người, không quan tâm đến những lời đàm tiếu ngoài kia...

Đỗ Thu Nga
08:00 28/06/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bà Đào Thị Liên (75 tuổi, từng là y sĩ của Khoa Ngoại - sản, Bệnh viện đa khoa huyện Kim Thành - nay là Trung tâm y tế huyện).

Năm 1973, vợ chồng bà Liên được phân đất và dựng căn nhà cấp 4 ở ven quốc lộ 5 (thôn Dưỡng Thái Trung, xã Phúc Thành). Nơi bà sinh sống đông dân cư, gần 3 trường học, lại có đường tàu cắt ngang. 

Cũng chính vì nơi này đông đúc người qua lại mà những vụ tai nạn giao thông cũng leo thang. Nạn nhân tử vong vì không được sơ - cấp cứu kịp thời. Không đành lòng nhìn đồng bào mình bị "tử thần" cướp đi, bà Liên nảy ra ý tưởng lập chốt cứu hộ.

Sẵn trong tay có nghề, nữ y sĩ bàn với chồng dành một phòng nhỏ trong nhà làm nơi cấp cứu cho người tai nạn. Đồng thời bà cũng trích tiền lương để mua dụng cụ y tế. Quyết định này của bà Liên được chồng ủng hộ tuyệt đối. Chốt sơ cứu người gặp tai nạn của bà Liên cứ thế ra đời, hoạt động từ 1978.

chot-so-cuu-dac-biet-cua-ba-lien-toi-chi-muon-chuyen-tam-cuu-nguoi
Bà Đào Thị Liên lật mở cuốn sổ ghi chép những trường hợp tai nạn giao thông được cứu từ năm 2006, sáng 28/4

Thời điểm mới lập chốt, nhiều người đàm tiếu bà Liên. Có người nói bà lập trạm cấp cứu để trục lợi, kiếm thêm thu nhập, số khác bảo gàn dở, lo chuyện bao đồng. "Tôi chỉ muốn chuyên tâm cứu người không quan tâm mọi người nghĩ gì", bà nói.

Từ đó, mỗi lần thấy người bị tai nạn giao thông trên địa bàn huyện, bà Liên đều chạy ra giúp. Nhẹ thì giúp lau rửa, băng bó vết thương, nặng lại hỗ trợ sơ cứu rồi chuyển vào bệnh viện huyện. Hình ảnh người phụ nữ hớt hải đi cấp cứu cho nạn nhân dần trở nên quen thuộc với người dân trong vùng.

Trong cuốn sổ ghi chép từ năm 2006, bà Liên cẩn thận viết tên, tuổi, quê quán, tình trạng sức khỏe của những người từng ứng cứu. Có người lúc gặp nạn đã ngoài 80 tuổi, nhưng không ít trường hợp chỉ mới vài tuổi. Hầu hết nạn nhân được bà hỗ trợ đều đã khỏe mạnh, không bị di chứng.

Như trường hợp hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thúy và cháu Đỗ Thị Ngọc Ánh đều ở xã Phúc Thành, không may va chạm mạnh với ôtô lúc sang đường hồi tháng 9/2014. Vừa thấy có người hô hoán, bà Liên và con trai chạy ra sơ cấp cứu, nhờ người đỡ lên cáng và đưa vào bệnh viện huyện. Hai nạn nhân được chẩn đoán chấn thương sọ não, sau phẫu thuật đều qua cơn nguy kịch, hiện sức khỏe đã ổn định. Chị Thúy nay đã đi làm ở công ty, còn cháu Ánh đang học cấp 2. "Nhìn thấy người mình cứu khỏe mạnh, bản thân tôi cũng vui", bà Liên chia sẻ.

chot-so-cuu-dac-biet-cua-ba-lien-toi-chi-muon-chuyen-tam-cuu-nguoi-0
Cuốn sổ được bà Liên cẩn thận ghi chép các trường hợp từ cứu giúp từ năm 2006 đến nay

Cụ Đỗ Thị Ren, 84 tuổi, ở xã Phúc Thành, cũng gọi bà Liên là ân nhân khi được kịp thời băng bó vết thương trên đầu khi va chạm với xe máy lúc sang đường. Cụ Ren nói mỗi lần nhìn vết sẹo trên trán lại nhớ đến ân tình của bà Liên. "Chẳng riêng tôi, nhiều người dân trong thôn, xã cũng mang ơn bà ấy", cụ bà 84 tuổi kể.

Làm việc thiện cứu người nhưng không ít lần bà gặp phiền toái, bị nạn nhân đổ oan. Tết 2012, bà Liên hỗ trợ sơ cứu cho một thanh niên ở huyện Kim Thành bị tai nạn xe máy. Nhưng vừa tỉnh lại, người này lập tức đổ tội cho bà lấy trộm tiền trong cốp xe. Chỉ khi công an vào cuộc và có người làm chứng cũng như bắt được nghi phạm, bà mới được minh oan.

Bà thừa nhận từng nghĩ đến trường hợp này khi lập trạm cấp cứu nhưng cũng không thể làm ngơ khi thấy người gặp nạn nên đành chấp nhận. Bà khẳng định luôn làm đúng lương tâm, trách nhiệm, còn nếu sai đã có pháp luật phân định.

Người con trai thứ hai của bà Liên từ bé đã quen cảnh mẹ cứu người gặp tai nạn trên quốc lộ nên từ khoảng những năm 2010 cũng tham gia hỗ trợ. Từ đó đến nay, nữ y sĩ và con trai đã giúp hàng trăm trường hợp bất kể ngày đêm. Nhiều hàng xóm cũng bắt đầu chung tay, không ngại khó, sợ khổ mà lao vào giúp đỡ khi thấy người bị nạn.

chot-so-cuu-dac-biet-cua-ba-lien-toi-chi-muon-chuyen-tam-cuu-nguoi-8
Nữ y sĩ Đào Thị Liên và một phần bằng khen, giấy khen của Nhà nước và các tổ chức xã hội treo tại nhà riêng, sáng 28/4

Tròn 45 năm mở trạm cứu người, bà đã giúp gần 900 trường hợp thoát khỏi lưỡi hái tử thần. "Trước năm 2020, số trường hợp được tôi cấp cứu mỗi năm phải dài đến cả chục trang giấy, nay chỉ còn một, hai tờ. Đây là điều khiến tôi vui nhất. Khi mình thất nghiệp đồng nghĩa những vụ việc đau thương mới ít xảy ra", bà Liên nói.

Ông Phạm Viết Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Kim Thành, cho biết hoạt động mở chốt cứu người gặp nạn trên địa bàn huyện của bà Đào Thị Liên có từ hàng chục năm nay. Nhờ nữ y sĩ ứng cứu người gặp nạn kịp thời nên số vụ tai nạn thương tâm giảm đáng kể. Với sự hy sinh thầm lặng và đóng góp to lớn, bà đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Nhà nước và địa phương trao tặng.

"Đây là tấm gương sáng, cần được nhân rộng và lan tỏa thông điệp tích cực đến với mọi người", ông Tuấn nói.

Ở tuổi 75, khi hai khớp gối đau nhức, đi lại khó khăn, bà Liên chưa có ý định nghỉ việc. "Tôi sẽ tiếp tục đến lúc không thể làm được nữa và truyền cho con cháu. Chứ còn sức khỏe, còn những vụ tai nạn giao thông thì tôi vẫn làm", bà nói.

(Theo VnExpress)

Xem thêm: Nguyễn Thành Nhân và hành trình 8 năm "sửa xe miễn phí" xuyên đêm

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận