Chuyện chú shipper liệt chân nổi tiếng Sài Gòn, quyết tâm vượt qua nghịch cảnh

Dù bản thân bị liệt chân từ nhỏ, nhưng đến giờ, ở độ tuổi ngoài 60, chú Nguyễn Duy Long (Sài Gòn) vẫn miệt mài làm shipper kiếm sống.

Chi Nguyễn
08:00 02/08/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sài Gòn, mảnh đất nhỏ nhưng ẩn chứa những tấm lòng, những câu chuyện đẹp khiến cho người dân nơi đây vẫn luôn tự hào mỗi khi nhắc đến. Chẳng hạn như câu chuyện của chú shipper Nguyễn Duy Long (SN 1955, trú Tp. Thủ Đức, TP.HCM) chính là tấm gương sáng về sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua nghịch cảnh.

Không muốn làm "người vừa tàn vừa phế"

Chú Long tâm sự, hồi mới được 1 tuổi, chú không may bị liệt chân. Những năm tháng sau đó là chuỗi ngày chú phải gồng lên chống chọi với sự thật nghiệt ngã. Chú kể: "Thú thật, suốt thời thơ bé tôi vô tư lắm, chả bao giờ biết buồn, vẫn vui chơi với các bạn, đi học. Nhưng đến khi trở thành một chàng thanh niên, tôi mới dần có chút tủi thân. Tôi không thể có việc làm tốt như bao chàng trai khoẻ mạnh khác, chẳng thể đạp xe thoăn thoắt trên những con đường. Và thi thoảng, những người sống gần tôi họ cũng vô tình gọi tôi là 'thằng què'".

chu-shipper-liet-chan-noi-tieng-sai-gon-no-luc-vuot-qua-nghich-canh
Tôi không muốn làm người vừa tàn, vừa phế. Khi không lao động, mình lại trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Ảnh: Tổ Quốc

Thế nhưng, chú không để bản thân mình thất vọng lâu, mà luôn cố giữ tinh thần lạc quan. Chú tự nhủ rằng, đôi chân này không được nguyên vẹn, nhưng chú còn đôi tay khéo léo, còn trí óc khỏe mạnh. Dù có thế nào, chú cũng không để số phận đánh gục mình. Người đàn ông 67 tuổi tâm sự: "Tôi không muốn làm người vừa tàn, vừa phế. Khi không lao động, mình lại trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Tôi nghĩ mình vẫn sẽ tiếp tục sống với quan điểm như vậy, đến khi tôi trút hơi thở cuối cùng".

Miệt mài đi làm shipper kiếm sống

Được biết, ngày còn thanh niên, chú Nguyễn Duy Long kiếm sống bằng cách làm đồ mỹ nghệ, sửa xe. Sau này sức khỏe ngày một xấu, chú chuyển sang bán vé số. Có lẽ đúng là "nghề chọn người", việc bán vé số không đủ để trang trải cuộc sống, chú đành đi làm shipper. Vì đôi chân bị liệt, chú không thể xin làm tài xế cho các hãng, mà chỉ còn cách tự kiếm đơn lẻ.

Chú kể, ban đầu chủ yếu là nhận giao hàng cho các cửa hàng quần áo, mỹ phẩm... Nhưng 10 đơn thì chỉ giao thành công khoảng 6 đơn, do khách "bom hàng", vất vả di chuyển, hay tìm đường không ra, thu nhập rất bấp bênh. Cái nghề vốn đã cực, nay lại càng cực hơn vì chú chẳng thể di chuyển nhiều, mọi lực đều phải dồn cho đôi cánh tay.

chu-shipper-liet-chan-noi-tieng-sai-gon-no-luc-vuot-qua-nghich-canh
3 năm nay, chú có mối quen, thường xuyên chuyển các chuyến hàng lớn từ bến xe vào thành phố. Ảnh: VnExpress

Nhưng rồi, ông trời đã rủ lòng thương, chú bắt đầu có những mối quen ở bến xe Miền Đông. 3 năm nay, chú thường xuyên chuyển các chuyến hàng lớn từ bến xe vào thành phố. Sắp bước sang tuổi 70, nhưng người đàn ông tật nguyền ấy vẫn nhận đơn, đi trên con xe đã "già" cùng năm thắng, băng qua hết quận này tới quận khác để giao hàng.

Chú tâm sự, bản thân cũng gặp phải không ít trở ngại do sự hạn chế của cơ thể. Mỗi khi chất hàng lên xe, chú đành phải tự xoay xở, oằn mình để cột hàng. Hai chân không có lực, chú đành phải dùng tay ghì mạnh vào đầu gối, có thế mới di chuyển được. Chú nói: "Tôi sợ nhất là chở những bao sầu riêng và mít vì dù có cột chặt cách mấy khi đi bị xóc vẫn tuột vài lần".

chu-shipper-liet-chan-noi-tieng-sai-gon-no-luc-vuot-qua-nghich-canh
Chú tâm niệm: "Dù là người khuyết tật nhưng khi đã làm để nhận tiền thì phải làm cho tốt". Ảnh: VnExpress

Có lần chú từng lỡ làm rơi mất hàng của khách, phải đền 300.000 đồng. Trước khi đi, anh phụ xe đã giúp chú cột hàng, bảo rằng "chú cứ đi, không sao". Nhưng mà do đường xóc, hoặc chẳng may dây tuột, giữa đường chú là rơi mất. Khách nói không cần đền, nhưng chú vẫn một mực rút ví. Chủ Long trải lòng: "Dù là người khuyết tật nhưng khi đã làm để nhận tiền thì phải làm cho tốt. Tôi làm mất hàng thì phải đền, không phải lấy sự khuyết tật của mình ra để mong thông cảm. Họ cũng làm ăn, cũng vất vả vậy".

Nhiều shipper khác biết chuyện của chú, đã nhiệt tình đứng ra giúp đỡ. Những lúc thấy chú "ế khách" quá, họ thường chia sẻ các đơn hàng giúp chú có thêm thu nhập. Anh Lâm Ngọc, một shipper ở quận Bình Thành: "Tụi tui khỏe mạnh làm nghề này còn thấy vất vả huống gì chú Long. Anh em trong nhóm shipper ai cũng quý chú cả".

Cuộc sống viên mãn ở tuổi xế chiều

chu-shipper-liet-chan-noi-tieng-sai-gon-no-luc-vuot-qua-nghich-canh
Chú đang thuê trọ ở phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, sống hạnh phúc cùng vợ và đứa con học lớp 9. Ảnh: VnExpress

Giờ đây, người đàn ông Sài Gòn này cảm thấy mình vô cùng may mắn. Suốt 6 năm qua, chú luôn nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng, thỉnh thoảng còn được khách "bo" thêm. Công việc dần ổn định, chú cũng có tổ ấm hạnh phúc của riêng mình. Giờ đây, chú đang thuê trọ ở phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, sống hạnh phúc cùng vợ và đứa con học lớp 9.

Tuy không khá giả, nhưng chú Long lại rất thích làm việc thiện. Chú hào hứng kể, 10 năm trước suýt nữa chú bị liệt cả cánh tay, nhưng nhờ một người chỉ cho bài thuốc rượu ngâm nên khỏi hẳn. Từ đó, chú mày mò làm rượu để tặng những người quen và bán cho những ai cần. 

chu-shipper-liet-chan-noi-tieng-sai-gon-no-luc-vuot-qua-nghich-canh
Chú mày mò làm rượu để tặng những người quen và bán cho những ai cần. Ảnh: Tổ quốc

Nhiều năm nay, sau khi công việc ổn định, chú cũng không nhận quà từ các mạnh thường quân vì nghĩ mình còn kiếm ra tiền. "Ấy vậy mà đợt dịch Covid - 19 vừa rồi, có người còn nhớ tới tôi, sợ tôi khó khăn nên đã gửi tôi phần quà gạo và mì", chú cho hay.

Theo Diệp Phan/VnExpress, Trí thức trẻ, Tổ quốc

Xem thêm: Cuộc lột xác ngoạn mục của chàng trai bại liệt vẽ tranh, viết thơ bằng miệng: "Tôi muốn hiến toàn bộ cơ thể mình cho y học"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận