Áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn, anh nông dân ở Đồng Nai thu trăm triệu một lứa

Sau khi nghiên cứu và áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn, 9x Đồng Nai Ngô Chiến Thắng đã thu được hơn trăm triệu đồng từ lứa đầu tiên.

Chi Nguyễn
16:20 16/11/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thử nghiệm nuôi lươn không bùn, thu trăm triệu từ lứa đầu tiên

Anh Ngô Chiến Thắng (25 tuổi, trú ấp 1, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cho biết, anh bắt đầu thử nghiệm nuôi lươn không bùn từ năm 2016. Anh chia sẻ với tờ Thanh Niên: "Nhận thấy giá trị tiềm năng của con lươn ngày càng lớn, thị trường đa dạng nên mình đã quyết định đầu tư và phát triển mô hình nuôi lươn không bùn".

cach-nuoi-luon-khong-bun-nang-suat-cao-lai-lon
Anh Ngô Chiến Thắng nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt. Ảnh: Thanh Niên

Khi ấy, anh cải tạo diện tích đất gia đình rộng 5.000 m2 vốn khô cằn nhiều năm qua thành khu nuôi lươn. Anh cho xây 20 bể lươn, mỗi bể rộng 6m2, sau đó nuôi thử nghiệm hơn 10.000 con lươn. Sau 8 tháng, bể lươn nhà anh Thắng có kết quả khả quan, mỗi bể thu được 200 kg lươn thương phẩm. Nhờ đó, sau khi trừ đi mọi chi phí, ngay từ lứa đầu tiên anh đã thu được 100 triệu đồng.

Sau đó, anh quyết định tận dụng hết phần diện tích còn lại để thử nghiệm mô hình nuôi kết hợp lươn và cá giống. 9x Đồng Nai cho biết: "Bên cạnh những thuận lợi của trại lươn có nguồn nước dồi dào, có thể cho lươn ăn 100% cám viên của cá, mang lại lợi nhuận cao hơn cách truyền thống là cho ăn cá xay".

Mô hình có nhiều ưu điểm, đem lại hiệu quả kinh tế cao

Anh cho hay, việc nuôi lươn không bùn có nhiều ưu điểm, đặc biệt là cho năng suất thu hoạch cao hơn so với truyền thống. Nuôi lươn theo cách này dễ kiểm soát dịch bệnh hơn, lươn sống đạt tỷ lệ trên 90% - cao hơn so với nuôi truyền thống chỉ đạt 60%. Về lâu dài, nuôi lươn trong bể không bùn sẽ giảm thời gian chăm sóc, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 

9x Đồng Nai cho biết: "Ta còn tận dụng được nguồn thức ăn công nghiệp của cá để nuôi lươn thay thức ăn tươi sống, giảm chi phí, nhưng hiệu quả mang lại rất cao. Cụ thể là chất lượng lươn thịt khi đưa ra thị trường được khách hàng ưa chuộng". Sau khi thành công nuôi lươn thịt, anh đầu tư nuôi lươn giống để tự cung cấp cho trang trại của mình và bà con nông dân ở các tỉnh thành khác.

cach-nuoi-luon-khong-bun-nang-suat-cao-lai-lon
Thành công nuôi lươn thịt, anh đầu tư nuôi lươn giống để tự cung cấp cho trang trại của mình và bà con nông dân ở các tỉnh thành khác

Được biết, hiện tại anh Thắng đang quản lý và hỗ trợ cho hơn 5.000 hộ dân đang nuôi lươn với mô hình này. Khi chuyển giao con giống cho bà con, anh luôn chu đáo kèm theo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Chưa kể, nếu bà con gặp vấn đề trong quá trình nuôi, họ hoàn toàn có thể điện thoại trực tiếp cho anh để được tư vấn, giúp đỡ.

Hiện nay, cơ sở lươn giống Sông Ray của anh Thắng đang áp dụng hệ thống sản xuất lươn giống bằng công nghệ (RAS) - tuần hoàn. Đây là hệ thống có nhiều ưu điểm, như không phải thay nước, kiểm soát dịch bệnh tốt, chất lượng con giống cũng tốt hơn. Anh cho biết: "Với giá lươn thịt hiện tại dao động từ 185.000 - 200.000 đồng/kg, nếu chúng ta đầu tư xây dựng 100 hoặc 200 bể nuôi lươn (6 m 2/bể, trung bình mỗi bể sau 8 - 10 tháng thu hoạch được gần 200 kg lươn thịt), thì đến vụ thu hoạch có phải giàu rồi đúng không?".

Bí quyết nuôi lươn không bùn

Chọn giống

Chọn lươn giống có kích thướng đồng đều, tốt nhất là khoảng 30 - 40 con/kg. Nên chọn lươn có thân màu vàng và chấm lớn, đây là loại lươn lớn rất nhanh. Không nên chọn lươn giống có màu xám tro vì lớn chậm.

Nên nuôi trong bể rộng khoảng 4 - 6m2 hoặc 10 - 20m2, mực nước từ 30 - 40cm, thành bể cao 0,8 - 1m. Trước khi thả lươn cần sát trùng cho lươn với dung dịch muối có nồng độ 2 - 3% trong thời gian 5 - 10 phút hoặc thuốc tím 10 - 15 ppm trong 15 - 30 phút.

Thức ăn

cach-nuoi-luon-khong-bun-nang-suat-cao-lai-lon
Trong suốt quá trình nuôi, chỉ nên nuôi 1 loại thức ăn, nếu bắt buộc phải thay đổi thì cần thay đổi từ từ

Khi nuôi lươn không bùn, tốt hơn hết là chọn thức ăn có nguồn gốc từ động vật như tép, cá tạp,... cắt nhỏ. Để giảm bớt chi phí, người nông dân có thể phối chế thức ăn cho lươn với tỉ lệ đạm động vật và thực vật là 7:3 hoặc 8:2. Trong suốt quá trình nuôi, chỉ nên nuôi 1 loại thức ăn, nếu bắt buộc phải thay đổi thì cần thay đổi từ từ.

Cần sơ chế trước khi cho lươn ăn, với thức ăn đạm động vật nên băm nhỏ, xay nhuyễn và có thể nấu chín; đạm thực vật thì nấu chín, để nguội. Khi trộn hai phần với nhau thì nên trộn thêm bột gòn để tạo độ dính và bổ sung vitamin, men tiêu hóa. Lươn là loài ăn đêm, do đó chỉ cho ăn 1 lần/ngày lúc 6 - 7 giờ tối.  

Chăm sóc

Trong 1 - 2 ngày đầu mới nuôi, không được cho lươn ăn tạo điều kiện thích nghi với môi trường nuôi nhốt. Mật độ thuần dưỡng 2 - 4 kg/m2. Thay nước 1 - 2 lần/ngày. Thời gian thuần dưỡng là 5 - 7 ngày. Ngoài ra, để lươn không bị bệnh, cần áp dụng phương pháp phòng bệnh tổng hợp gồm làm sạch môi trường nước và bể nuôi, tăng sức đề kháng cho lươn.

Lươn giống thả từ 100 - 300 con/kg, thời gian nuôi từ 8- 10 tháng. Lươn thương phẩm thả từ 300 - 500 con/kg thời gian nuôi từ 10 - 12 tháng. Trước khi thu hoạch, cho lươn nhịn ăn 1 ngày. Sau khi thu hoạch xong cần vệ sinh bể sạch sẽ để chuẩn bị cho các lứa tiếp theo.

(Tổng hợp nhiều nguồn)

Xem thêm: Nuôi con ba ba la liệt từ nhà ra ao, nông dân Nam Định thu lãi lớn, đút túi tiền tỷ mỗi năm

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận