Nuôi chim bồ câu Pháp đẻ nhiều không kịp cản, nông dân Vĩnh Phúc đút túi trăm triệu
Sở hữu trang trại nuôi chim bồ câu sinh sản năng suất cao, mỗi tháng ông nông dân Trần Văn Bính ở Vĩnh Phúc thu cả trăm triệu đồng.
Ông nông dân thức thời chuyển sang nuôi bồ câu
Nhắc tới tên ông Trần Văn Bính, đa phần người dân ở thôn Vân Tập, xã Vân Hội, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đều biết. Trước kia, ông là người vô cùng thành công trong việc nuôi và bán giống cá trắm đen, nổi danh khắp tỉnh. Bây giờ, ông chuyển sang lĩnh vực chăn nuôi mới, đó là nuôi chim bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp.
Có thể nói, ông nông dân này quả thực có tài, giờ đây mô hình nuôi chim bồ câu của ông đang là một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của Vĩnh Phúc. Ông Bính cho biết, chim bồ câu Pháp là loài khá dễ nuôi, ít bệnh tật, lại có sức đề kháng cao. Chưa kể, nhiều năm gần đây giá thương phẩm của loài chim này luôn ổn định.
Ông Bính chia sẻ, nhiều năm gần đây, người chăn nuôi luôn phải loay hoay lựa chọn vật nuôi phù hợp với già đình cũng như nhu cầu thị trường. Tâm lý chung của người nông dân luôn chạy theo đám đông và thị trường, do đó họ có xu hướng nuôi trồng ồ ạt một loài cây, loài vật nuôi nào đó. Cũng bởi vậy mà tình trạng "được mùa mất giá mà được giá thì lại mất mùa" cứ xảy ra như cơm bữa.
Bởi vậy, dù thành công với cá trắm đen, nhưng ông Bính vẫn mong mỏi tìm hướng đi mới. Ông kể: "Vì vậy, để quyết định chuyển đổi sang vật nuôi khác, tôi đã tiến hành nghiên cứu tìm hiểu nhiều giống vật nuôi. Qua sách, báo, internet, và đi tham quan thực tế nhiều trang trại, cuối cùng tôi lựa chọn con chim bồ câu Pháp nuôi theo hướng công nghiệp là hướng đi mới của gia đình...".
Cách nuôi chim bồ câu Pháp năng suất cao, lãi lớn
Cuối cùng, trên diện tích 2ha đất quy hoạch khu chăn nuôi tập trung của xã Vân Hội, ông Bính đã đầu tư xây dựng dãy chuồng kiên cố. Chưa kể, ông nông dân ấy còn mạnh tay chi tiền để ứng dụng những tiến bộ khoa học nhằm nâng cao năng suất và giảm giá thành sản phẩm. Mỗi dãy chuồng đều được lắp đặt hệ thống quạt gió, camera giám sát. Ngay cả lồng nuôi, máng ăn, máng uống cũng được tự động hóa.
Trên mỗi ô nuôi ông đều treo sổ theo dõi nhật trình của từng đôi, trên đó được ghi chép quá trình làm vacxin, ngày đẻ, chế độ cho ăn... Ngoài ra, ông Trần Văn Bính còn mày mò nghiên cứu và đầu tư tủ ấp trứng chim bồ câu. Để làm được điều đó, ông đã dành nhiều tháng trời nghiên cứu, quan sát thực tế cũng như qua sách báo, mạng Internet,... về thói quen, tập quán của loài chim này.
Được biết, hiện nay trang trại nuôi chim bồ câu Pháp của ông Bính đang áp dụng kỹ thuật dùng trứng giả. Theo các chuyên gia, kỹ thuật này giúp chim tăng năng suất đẻ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Bính cho biết: "Hiện nay nhiều trại nuôi chim bồ câu quy mô lớn thường áp dụng trứng giả cho chim ấp để giúp tăng năng suất đẻ của mỗi đôi chim.
.. Sở dĩ tại sao lại cho hiệu quả kinh tế cao khi dùng trứng giả bởi vì khi con chim bồ câu đẻ trứng ra sẽ được nhặt ra khay cho vào lò ấp. Vì nhiệt độ môi trường ở miền Bắc thường không ổn định, chim đánh nhau dẫn đến vỡ trứng. Khi sử dụng máy ấp thì tỷ lệ trứng nở cao hơn rất nhiều so với mình ấp tự nhiên...".
Sau khi trứng chim được lấy ra khỏi tổ, ta liền thả một quả trứng giả thay thế để chim mẹ ấp tiếp. Khi chim bồ câu mẹ liên tục ấp trứng, nó sẽ tạo ra sữa diều. Ông Bình cho biết: "Phải nhờ vào sữa diều của chim bố mẹ như vậy thì con chim con mới lớn được và tăng sức đề kháng cho chim non". Tuy nói là dễ nuôi, nhưng các khâu chăn nuôi đều phải cẩn thận, tỉ mỉ thì mới có hiệu quả kinh tế.
Ông chia sẻ, chẳng hạn như từ khâu chọn giống đã cần phải chú trọng. Ta phải biết áp dụng linh hoạt các phương pháp mới ghép đủ đôi, chim đẻ phải biết nhặt trứng rồi cho vào máy ấp, ghép chim non sao cho phù hợp. Người nông dân cũng phải biết đảo chim, như những đôi chim non có những con mẹ phải nuôi từ 3 - 4 con để năng suất được cao, thì con mẹ sẽ không nuôi được 4 con đều như nhau được. Vì thế, phải chọn những con to, đều nhau và nuôi cùng một chim mẹ, còn những con nhỏ hơn lại tách ra một mẹ khác để chúng phát triển đồng đều.
Hiện tại, trang trại của ông Bính có tới 7.000 đôi chim bồ câu Pháp sinh sản. Ông vừa bán chim giống vừa bán chim thương phẩm, giá chim bồ câu thịt 110.000 đồng/đôi và giá chim bồ câu giống 240.000/đôi. Riêng với chim bồ câu thương phẩm, mỗi ngày trang trại xuất ra thị trường từ 150-200 đôi. Nhờ đó, mỗi tháng trang trại đem lại nguồn lợi nhuận xấp xỉ 100 triệu đồng.
Ngoài ra, trang trại còn đang tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến trong thời gian tới, ông Bính sẽ nâng công suất trang trại lên khoảng 1 vạn đôi chim bồ câu Pháp, kì vọng thu nhập sẽ cao hơn.
(Theo Dân Việt)
Xem thêm: 7x Ninh Bình thất nghiệp mùa dịch, về quê nuôi dê thảo dược béo mầm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận