5 bài học đắt giá từ những tổn thất triệu đô của các tỷ phú: Đời người ai cũng có lúc phạm sai lầm
Dù có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, nhưng không ít các tỷ phú vẫn mắc sai lầm "chết người", khiến họ thiệt hại hàng trăm triệu đô.
Trong mắt hầu hết mọi người, các tỷ phú là những doanh nhân thành đạt, biết hết các ngóc ngách của thị trường cũng như những mánh khóe kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại, ngay cả khi họ khôn ngoan và kinh nghiệm, họ vẫn không thể tránh khỏi việc phạm những sai lầm đau đớn. Dưới đây là 5 bài học đắt giá từ những sai lầm triệu đô của các tỷ phú giàu nhất thế giới:
Bill Gates
Vào khoảng đầu những năm 1990, Apple đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn sắp phá sản. Trong khi đó, Microsoft của Bill Gates lúc này lại đang lên như "diều gặp gió", doanh thu đạt mức 1,1 tỷ USD vào năm 1990. Đứng trước nguy cơ phải đóng cửa công ty, vào năm 1997, Apple đã đi tới thỏa thuận hợp tác với Microsoft. Apple sẽ bán lượng cổ phần tương đương với số tiền 150 triệu USD cho Microsoft, đổi lại công ty này sẽ cung cấp phần mềm cho Apple.
Khi đó, bước đi của Bill Gates được coi là một nước cờ thông minh, bởi nó giúp Chính phủ Mỹ bớt lo lắng về việc Microsoft đang thực hiện hành vi chống lại sự cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh kinh doanh lâu dài, đây lại chưa hẳn là một bước đi đúng đắn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, phi vụ vào năm 1997 đã khiến Microsoft thiệt nhiều hơn được. Nhờ khoản tiền 150 triệu USD này, Steve Jobs không chỉ vực dậy công ty mình và còn đưa Apple vượt mặt Microsoft trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong đó là smartphone.
Jeff Bezos
Năm 2017 có thể xem là một năm khởi sắc với Jeff Bezos, khi Chủ tịch Amazon chính thức soán ngôi Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, đó cũng là lúc ông cho ra sản phẩm Fire Phone, thứ được cho là "canh bạc" thất bại lớn nhất của Bezos.
Bezos có thói quen thử nghiệm các sản phẩm mới, và Fire Phone cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, sản phẩm này đã khiến Amazon mất trắng 170 triệu USD, phải dừng sản xuất Fire Phone chỉ sau một thời gian ngắn. Tại một buổi hội thảo ở New York, Jeff Bezos nói rằng: "Những sai lầm của tôi đã khiến cho Amazon mất hàng tỷ USD là ít". Với ông, thất bại này giống như phải "lấy tủy răng mà không dùng thuốc tê vậy".
Warren Buffett
Warren Buffett được mệnh danh là "nhà hiền triết xứ Omaha", với khả năng đầu tư thần sầu. Tuy nhiên, một cá nhân xuất chúng như ông cũng có lúc vấp phải sai lầm.
Vị tỷ phú 90 tuổi này có một nguyên tắc đầu tư lâu năm, đó là tránh đầu tư vào các công ty công nghệ. Tuy nhiên, vào năm 2011, ông đã rót một khoản tiền lớn vào IBM, tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia. Khi đó, ông đánh giá sự thành công ở việc đầu tư vào IBM sẽ được đền đáp bởi doanh thu tương lai của tập đoàn này.
Buffett tiếp tục đầu tư vào IBM cho tới năm 2017, tuy nhiên IBM đã phải vật lộn để thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ suốt thập kỷ qua. Khi đó, CEO của Berkshire Hathaway cũng phải thừa nhận rằng: "Tôi không còn đánh giá IBM giống như cách mà tôi đã làm cách đây sáu năm khi bắt đầu mua. Tôi đã đánh giá lại nó và có phần hơi thấp. IBM là một công ty lớn, mạnh, nhưng họ cũng có những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ."
Tính đến tháng 12/2017, giá cổ phiếu của IBM là 153 USD, thấp hơn hẳn mức giá cổ phiếu trung bình mà Warren Buffett thường mua là 167 USD – 197 USD.
Richard Branson
Dù bản thân là một nhà kinh doanh sành sỏi, nhưng giống như bao con người khác, con đường sự nghiệp của Richard Branson cũng lát bằng vô số thất bại và sai lầm. Trong một bài viết trên blog, Branson đã chia sẻ: "Trải nghiệm thất bại là một phần không thể thiếu trong bộ gen của mọi doanh nhân thành công, và bản thân tôi cũng không nằm ngoài số đó".
Sự thất bại của ông là hai lần đầu tư Virgon Cola và Virgin Brides. Virgin Cola được kì vọng sẽ là đối thủ của Coca Cola, chỉ chiếm 0,5% thị phần và cứ thế chết dần dần chết mòn rồi biến mất khỏi thị trường. Rất may là người ta vẫn nhớ đến Richard Branson nhờ những câu chuyện thành công hơn là sai lầm đau đớn này.
Oprah Winfrey
Bà hoàng truyền thông Oprah Winfrey cũng không phải là ngoại lệ, khi bà từng mắc phải sai lầm "chí mạng" khi ra mắt kênh truyền hình Oprah Winfrey Network. Sau nhiều năm "làm mưa làm gió" trên sóng truyền hình Mỹ, bà quyết định rút khỏi thương trường, hưởng thụ cuộc sống an nhàn ở thời điểm chương trình The Oprah Winfrey Show kết thúc.
Tuy nhiên, nữ doanh nhân gốc Phi vẫn mong muốn được vươn tới mục tiêu cao hơn. Tháng 1/2011, Oprah cho ra mắt kênh truyền hình của riêng mình, mang tên Oprah Winfrey Network (OWN). Những tưởng đây là bước thành công tiếp theo của bà, nhưng sự thật lại vô cùng phũ phàng.
OWN đã gặp rất nhiều khó khăn trước khi có thể phát sóng, và ngay cả khi đó vẫn liên tục gặp thất bại. Nữ tỷ phú từng thú nhận trên CBS News rằng: "Tôi mà biết việc thành lập kênh truyền hình khó khăn thế này, thì chắc tôi đã làm cái gì đó khác rồi".
Ước tính, OWN đã khiến bà thiệt hại gần 330 triệu USD, khiến bà mắc bệnh suy nhược thần kinh. Oprah nhận định, bà đã ra mắt kênh truyền hình trước khi nó kịp sẵn sàng, và phải nhận lấy thất bại đau đớn. Rất may là cuối cùng Oprah Winfrey cũng vượt qua lần thất bại này và giữ cho OWN vẫn còn tồn tại đến hôm nay.
Lời khuyên từ nhà sáng lập startup Airbnb Joe Gebbia: "Không có nhiệt huyết, đừng mơ khởi nghiệp"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận