Amanda Nguyễn: Từ nạn nhân bị xâm hại tới nhà hoạt động nhân quyền thay đổi luật pháp Mỹ, nhận đề cử Nobel Hòa bình 

Không may bị kẻ xấu xâm hại, nữ sinh Harvard người Mỹ gốc Việt Amanda Nguyễn đã nén đau thương thành hành động, thay đổi luật pháp nước Mỹ để xây dựng một hệ thống tốt đẹp hơn cho những nạn nhân có hoàn cảnh tương tự.

Chi Nguyễn
07:56 06/03/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Amanda Nguyễn hiện đã và đang trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên thế giới khi gặt hái những thành tựu đáng ngưỡng mộ ở độ tuổi 30. Cô là người phụ nữ gốc Việt duy nhất nhận đề cử Nobel Hòa bình 2019, lọt vào danh sách 30 under 30 của Forbes, được trao giải Nelson Mandela, giải Phụ nữ trẻ và hàng loạt các giải thưởng vinh dự khác.

amanda-nguyen-nhan-de-cu-nobel-hoa-binh-la-ai
Amanda Nguyễn hiện đã và đang trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên thế giới khi gặt hái những thành tựu đáng ngưỡng mộ ở độ tuổi 30.

Đằng sau ánh hào quang ấy, ít ai biết rằng Amanda Nguyễn đã phải nén nỗi đau thương của riêng mình, nỗ lực hết sức để có thể thay đổi hệ thống luật pháp, giúp thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.

Nữ sinh gốc Việt với học lực thần sầu 

Ngay từ khi còn nhỏ, Amanda đã thể hiện mình là một đứa trẻ thông minh, có lối suy nghĩ đặc biệt và có khả năng lãnh đạo hơn người. Từ khi còn đi học, cô đã có thể tự tin phát biểu trước đám đông, đảm nhận vô số vai trò trong trường học, năng nổ tham gia các hoạt động thiện nguyện.

amanda-nguyen-nhan-de-cu-nobel-hoa-binh-la-ai
Amanda lựa chọn theo học đại học Harvard với ước mơ trở thành phi hành gia của NASA.

Năm 2009, Amanda Nguyễn tốt nghiệp thủ khoa trường trung học Centennial, Corona, California. Với thành tích đáng nể, rất nhiều trường đại học danh tiếng ở Mỹ như Harvard, Standford, UPenn,... đều mong đợi cô nhập học. Cuối cùng, cô sinh viên tài giỏi sinh năm 1991 đã quyết định theo học tại Đại học Harvard và tiếp tục chứng minh mình là một sinh viên xuất sắc, năng nổ và sáng tạo không chỉ trong học tập mà còn trong các hoạt động nghiên cứu, ngoại khóa khác.

amanda-nguyen-nhan-de-cu-nobel-hoa-binh-la-ai
Amanda cùng những đứa trẻ ở Viện mồ côi Wema.

Năm 19 tuổi, Amanda không ngần ngại mà chọn đi tình nguyện tại Bangladesh, một đất nước nghèo đói xa xôi. Cô phăm phăm ra đồng cùng người dân làm việc, giúp đỡ những người phụ nữ không có tiếng nói tại đây. Trong thời gian tình nguyện, cô đã đồng sáng lập ra Viện mồ côi Wema tại Kenya, châu Phi. Chưa hết, sau đó cô được chọn làm thực tập sinh tại Nhà Trắng, một vị trí mà rất nhiều người ao ước.

amanda-nguyen-nhan-de-cu-nobel-hoa-binh-la-ai
Amanda tâm sự về ước mơ trở thành phi hành gia: "Từ bé, tôi đã luôn cảm thấy kinh ngạc với vẻ đẹp của bầu trời đêm. Nó vừa khiêm tốn, vừa vĩ đại."

Dù vậy, ước mơ lớn nhất của Amanda vẫn là trở thành phi hành gia, được bay vào vũ trụ. Cô chia sẻ: "Từ bé, tôi đã luôn cảm thấy kinh ngạc với vẻ đẹp của bầu trời đêm. Nó vừa khiêm tốn, vừa vĩ đại. Đứng trước sự kỳ diệu ấy, tôi nhận ra bản thân nhỏ bé, chỉ là cái nháy mắt của vũ trụ". Vì vậy, Amanda đã đăng ký làm thực tập sinh ở Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), được nhận vào Học viện Vũ trụ Smithsonian. Mọi chuyện tưởng chừng như sắp thành hiện thực thì có một sự cố tồi tệ đã xảy ra với cô nữ sinh trẻ tuổi tài năng.

Bỗng nhiên thành nạn nhân bị xâm hại, nén đau thương thành hành động

Năm 2013, khi đang học năm cuối tại Đại học Harvard, Amanda không may bị một bạn học trong ký túc xá tấn công tình dục. Sự cố ấy đã khiến Amanda trở nên hoang mang, sợ hãi, phải trải qua một cơn khủng hoảng tâm lý trầm trọng như bất kỳ nạn nhân nào. Dù vậy, Amanda không muốn im lặng chịu trận, quyết định đi tìm bằng chứng tội phạm, thu thập mẫu ADN và đưa chứng cứ tới cơ quan chức trách ở Massachusetts để tố giác.

amanda-nguyen-nhan-de-cu-nobel-hoa-binh-la-ai
Trở thành nạn nhân bị cưỡng bức, đến khi nộp hồ sơ tố cáo kẻ phạm tội, Amanda nhận ra có lỗ hổng của luật pháp đối với nạn nhân bị tấn công tình dục.

Thế nhưng, sau khi nộp hồ sơ, Amanda nhận ra có lỗ hổng của luật pháp đối với nạn nhân bị tấn công tình dục. Theo đó, bằng chứng có thể bị giới hữu trách hủy bỏ sau 6 tháng nếu nạn nhân không nộp đơn gia hạn, ngay cả khi thời hạn truy tố loại tội phạm tấn công tình dục là 15 năm. Bên cạnh đó, họ cũng không có hướng dẫn cụ thể về việc nộp đơn gia hạn ra sao.

Như vậy, dù các nạn nhân có thể tự quyết nộp hoặc không nộp đơn kiện trong 15 năm, thì cơ quan chức năng vẫn sẽ hủy bằng chứng y tế sau 6 tháng nếu các nạn nhân không làm đơn xin gia hạn. Amanda tự nhủ: "Về cơ bản, hệ thống này khiến tôi luôn phải sống cuộc đời của mình như cái ngày bị cưỡng hiếp".

Chính vào lúc đó, Amanda đã nhận ra hệ thống luật pháp hiện hành còn rất nhiều bất cập. Thay vì cam chịu, cô đã nảy ra một ý tưởng đầy táo bạo, đó là "viết lại" luật pháp Mỹ. Cô nói chắc nịch: "Tôi chỉ có một lựa chọn: Chấp nhận bất công hoặc viết lại luật. Tôi chọn viết lại luật".

Nếm trải đắng cay để nhận về thành quả ngọt ngào

Để có thể viết lại luật, Amanda đã bỏ công nghiên cứu luật lệ chi phối cách chính quyền các tiểu bang giải quyết cáo buộc tấn công tình dục hiện hành. Cô lên danh sách hơn 20 quyền lợi mà những người bị xâm hại tình dục có tại các bang và nhận ra mức độ bảo vệ rất khác nhau. Chẳng hạn, Massachusetts sẽ hủy bằng chứng trong vòng 6 tháng, nhưng có nơi thì chính quyền lại không hủy.

amanda-nguyen-nhan-de-cu-nobel-hoa-binh-la-ai
Amanda đã bắt tay vào soạn thảo "Dự luật bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân bị xâm hại tình dục".

Sau đó, Amanda đã bắt tay vào soạn thảo "Dự luật bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân bị xâm hại tình dục" (Sexual Assault Survivors’ Bill Of Rights) và công bố vào tháng 4/2015. Mục đích của dự thảo này là giúp nạn nhân được sử dụng các quyền căn bản để bảo vệ mình, được gặp tư vấn viên, cung cấp thông tin toàn diện về lựa chọn pháp lý,... Về bằng chứng tố giác, dự luật sẽ cho các nạn nhân quyền được biết bằng chứng ở đâu, các kết quả xét nghiệm ra sao,...

Tiếp đó, Amanda nhận ra cô cần kêu gọi tài trợ để tiến trình soạn thảo và đệ trình dự luật diễn ra hợp pháp, với số tiền lên tới 450.000 USD. Cô quyết định rút hết tiền trong các tài khoản của mình, đi lại nhiều ngày giữa  Massachusetts và Washington D.C vận động hành lang cho dự luật. Sau một thời gian dài nỗ lực, dự luật của Amanda đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người sống sót sau khi bị tấn công tình dục, các tình nguyện viên, nhà hoạt động xã hội cùng những người dân khác và được Quốc hội Mỹ nhất trí thông qua.

amanda-nguyen-nhan-de-cu-
Dự luật của Amanda đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, được Quốc hội thông qua và được cựu Tổng thống Mỹ Obama ký duyệt.

Tháng 10/2016, nỗ lực của Amanda Nguyễn đã đơm thành quả ngọt khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký quyết định thực hiện dự luật của cô. Theo luật mới, các nạn nhân sẽ được thông báo 60 ngày trước khi hồ sơ và chứng cứ bị hủy. Nạn nhân cũng được hỗ trợ pháp lý dễ dàng hơn, được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ thông tin về quy trình pháp lý. Các nạn nhân cũng có quyền được biết bằng chứng được lưu trữ ở đâu, có được kiểm nghiệm không, kết quả ra sao,...

Nhờ sự thành công ấy, Amanda đã ghi tên mình trở thành người gốc Việt duy nhất soạn thảo, thúc đẩy thông qua bộ luật đặc biệt bảo vệ quyền lợi nạn nhân bị xâm hại tình dục. Hiện nay, bộ luật này đã được thông qua ở nhiều bang khác tại Mỹ và luật hóa các quyền dân sự cho khoảng 25 triệu người từng bị tấn công tình dục ở Mỹ.

amanda-nguyen-nhan-de-cu-nobel-hoa-binh-la-ai
Bộ luật trên đã được thông qua ở nhiều bang khác tại Mỹ và luật hóa các quyền dân sự cho khoảng 25 triệu người từng bị tấn công tình dục ở Mỹ.

Không dừng lại ở đó, Amanda nhận ra có rất nhiều nạn nhân của các cuộc tấn công tình dục, bạo hành tình dục luôn lo sợ người khác kỳ thị khi chia sẻ câu chuyện của mình, và những nỗi đau họ phải chịu đựng chưa bao giờ nguôi ngoai. Không muốn dự luật dừng lại ở đó, Amanda hi vọng và tiếp tục vận động Liên Hợp Quốc ra nghị quyết để có thể giúp đỡ nhiều nạn nhân hơn.

Amanda cho hay: "Công lý không nên phụ thuộc vào địa lý... Ở khắp nơi trên khắp thế giới, những người biểu tình vẫn đang đòi công lý cho những người sống sót sau tấn công tình dục bị từ chối quyền cơ bản và không được tiếp cận công lý. Nhiều quốc gia đang tích cực cải cách luật để cải thiện khả năng tiếp cận công lý..."

Nỗ lực không ngừng nghỉ để thay đổi thế giới

Năm 2019, cô gái gốc Việt tiếp tục sáng lập ra Rise, một tổ chức dân quyền phi chính phủ của Hoa Kỳ bảo vệ những nạn nhân bị xâm hại tình dục. Cô tâm sự, quyết định thành lập Rise được xuất hiện vào thời khắc rất đặc biệt. Đó là khi cô hạ quyết tâm chia sẻ câu chuyện của mình trên Facebook, và khi đến Trung tâm xử lý khủng hoảng tấn công tình dục ở địa phương, thoạt trông thấy phòng chờ được lấp đầy người, đó là lúc Amanda nhận ra "không chỉ có mình tôi phải trải qua những chuyện này".

amanda-nguyen-nhan-de-cu-nobel-hoa-binh-la-ai
Cô gái gốc Việt sáng lập ra Rise, một tổ chức dân quyền phi chính phủ Mỹ bảo vệ những nạn nhân bị xâm hại.

Nhờ những thành tựu đáng ngưỡng mộ, Amanda đã được chọn là 1 trong 8 phụ nữ trẻ vinh danh ở sự kiện  Young Women's Honor lần thứ nhất do tạp chí thời trang Marie Claire tổ chức. tại buổi trao giải, cô phát biểu: "Tiếng nói là công cụ quyền năng nhất mà con người ta đang sở hữu. Đó là lý do tôi sử dụng tiếng nói của mình chiến đấu cho điều tôi tin tưởng".

amanda-nguyen-nhan-de-cu-nobel-hoa-binh-la-ai
Amanda thành lập Rise khi nhận ra "không chỉ có mình tôi phải trải qua những chuyện này".

Không dừng lại ở đó, Amanda tiếp tục được tạp chí Forbes xếp vào danh sách "30 under 30", danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng tương lai toàn cầu của Times, nhận giải thưởng Heinz danh giá, giải thưởng Nelson Mandela cho những đóng góp giúp thế giới tốt đẹp hơn. Cô tiếp tục nỗ lực không ngừng để đem lại công bằng cho xã hội, và vinh dự nhận đề cử giải Nobel Hòa bình vào năm 2019.

amanda-nguyen-nhan-de-cu-nobel-hoa-binh-la-ai
"Tiếng nói là công cụ quyền năng nhất mà con người ta đang sở hữu. Đó là lý do tôi sử dụng tiếng nói của mình chiến đấu cho điều tôi tin tưởng".

Sau tất cả, ước mơ lớn nhất của người phụ nữ gốc Việt dũng cảm, tài năng ấy vẫn là trở thành phi hành gia của NASA. Song song với việc rèn luyện và theo đuổi ước mơ thời thơ ấu, Amanda Nguyễn khẳng định cô sẽ tiếp tục cất lên tiếng nói, sẽ tiếp tục đấu tranh nếu nhìn thấy điều gì đó bất công trong xã hội này.

Amanda chia sẻ: "... Vài người lo rằng nếu ta đứng lên bảo vệ điều gì đó, nhất là để biện hộ cho các vấn đề tấn công tình dục thì ta phải làm công việc này cả đời. Nhưng tôi muốn mọi người biết rằng, cất lên tiếng nói của mình sẽ không thể làm giảm đi thành tựu hay ước mơ nào của bản thân cả. Giống như tôi đây, hiện vẫn đang miệt mài theo đuổi đam mê vũ trụ của mình".

Nghị lực phi thường của cô gái bị bại não quyết tâm trở thành sinh viên Đại học Luật

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận