5 rủi ro chí mạng khi mua chung đất nhà đầu tư nên biết: Cẩn trọng kẻo tiền mất tật mang
Việc góp tiền mua chung đất là giải pháp được nhiều người sử dụng khi muốn đầu tư mà ít vốn, tuy nhiên cách này cũng tồn tại nhiều rủi ro.
Việc góp tiền mua chung đất không còn là điều gì xa lạ với các nhà đầu tư, nhất là với những người ít vốn. Phương pháp này tất nhiên có nhiều ưu điểm, nhưng nó cũng tồn tại một số rủi ro mà các nhà đầu tư cần biết.
Không thể chuyển nhượng theo ý muốn
Việc góp tiền mua chung đất (chuyển nhượng quyền sử dụng đất) có thể hiểu là "sở hữu chungcos thể phân chia". Có nghĩa là, mỗi người mua đều có quyền phân chia tài sản chung như nhau, và khi bán cần phải có sự đồng ý của tất cả. Cũng vì lý do này mà có người không đồng ý thì không thể bán thửa đất này.
Điểm b khoản 2 Điều 167 Luật Đất đai, có quy định như sau: "Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này".
Không thể tách thửa
Do ít vốn, nhiều người hay rủ thêm người quen mua chung, có thể là gia đình hoặc bạn bè, sau đó tách thửa chia nhau. Tuy nhiên, do không để ý quy định về điều kiện tách thửa nên nhiều trường hợp không thể tách thửa theo ý muốn ban đầu.
Nguyên nhân có thể là không đáp ứng đủ điều kiện về diện tích, kích thước tối thiểu theo quy định của UBND tỉnh, thành phố. Cũng có khi, lô đất mua lại thuộc những trường hợp không được phép tách thửa theo quyết định của UBND địa phương.
Xảy ra mâu thuẫn giữa các bên mua chung đất
Tuy người mua chung đất là người thân quen, nhưng khi nói về tài sản thì không tránh khỏi mâu thuẫn. Chẳng hạn, hai anh em mua chung lô đất 1 tỷ, khi đất tăng lên 1,3 tỷ thì người em muốn bán ngay, trong khi người anh lại muốn đợi giá lên cao hơn. Khi không tìm được tiếng nói chung, các bên mua chung đất rất dễ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp.
Khó thế chấp vay tiền
Về mặt pháp lý, miễn là toàn bộ ngươi mua đều đồng ý thế chấp thì sẽ được phép thế chấp ngân hàng, tổ chức, cá nhân để vay tiền (nếu đủ điều kiện). Tuy nhiên, có trường hợp điều này không thành công vì có người phản đối.
Trên lý thuyết, một số bên có đồng ý nhận thế chấp một phần quyền sử dụng đất (phần đất của một thành viên). Dù vậy, trên thực tế phải tách thửa để tạo thành thửa riêng, khi đó ngân hàng, tổ chức tài chính hoặc các bên nhận thế khác mới đồng ý.
Có người ly hôn hoặc qua đời
Đây là những trường hợp không may xảy ra mà chẳng ai có thể lường trước được. Điều đó có thể dẫn tới việc thửa đất mua chung có thể bị chia thay vì giữ nguyên hiện trạng như ban đầu để bán khi giá cao.
Về nguyên tắc, nếu người mua chung đất đã kết hôn, tiền mua đất là tài sản chung thì khi ly hôn, tài sản được xác định là tài sản chung. Nếu một người không may qua đời, phần đất mua chung được xác định là di sản thừa kế. Các nhà đầu tư không may gặp phải trường hợp này, có thể làm theo cách này:
- Người mua chung đất ly hôn: Chia tài sản chung nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng của thửa đất góp tiền mua chung (cho người vợ/chồng còn lại tài sản khác, thanh toán phần chênh lệch nếu có). Nếu không còn tài sản nào khác thì người mua chung nên nhận quyền sử dụng đất và thanh toán cho người vợ/chồng số tiền tương ứng với giá trị tài sản phải chia.
- Người mua chung chết: Nên thỏa thuận với người thừa kế chia di sản theo giá trị phần quyền sử dụng đất (quy ra tiền) để giữ nguyên hiện trạng, hoặc người thừa kế thế chỗ người chết để đứng tên.
Theo Khắc Niệm, luật sư Nguyễn Văn Tuấn/Luật Việt Nam
Xem thêm: Thủ tục, điều kiện tách sổ đỏ cho con: Cần nắm chắc quy định để dễ thực hiện
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận