Thầy hiệu trưởng chi tiền tỷ nuôi 30 sinh viên sư phạm, mang hi vọng cho trẻ em nghèo ở Mèo Vạc
Mới đây, thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) đã quyết định chi tiền tỷ nuôi 30 sinh viên sư phạm.

Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội - thầy Nguyễn Xuân Khang không phải là cái tên xa lạ. Thầy giáo xứ Nghệ vốn xuất thân khốn khó, nhờ nỗ lực học tập mà đổi đời, có được thành công như ngày hôm nay.
Vừa qua, thầy hiệu trưởng này đã ký cam kết hỗ trợ đào tạo 30 giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, theo hình thức cử tuyển và xã hội hóa. Theo đó, UBND huyện sẽ tuyển sinh viên đi học đại học ngành tiếng Anh và tiếp nhận khi các em tốt nghiệp. Trường Marie Curie sẽ đứng ra cấp học bổng tối thiểu 5 triệu/tháng/sinh viên trong suốt 4 năm, bắt đầu từ tháng 12. Số tiền hỗ trợ được chuyển thẳng tới tài khoản sinh viên, tổng kinh phí ước tính lên tới 6-12 tỷ đồng.

Thầy Khang cho biết: "Dự án sẽ tạo nguồn giáo viên tiếng Anh lâu dài cho huyện Mèo Vạc, giải quyết tận gốc vấn đề thiếu giáo viên". Nhiều năm qua, mối cơ duyên giữa trường Marie Curie và huyện Mèo Vạc đã được nhen nhóm và nuôi dưỡng, nên quyết định của vị thầy giáo già này không quá bất ngờ.
Năm 2021, từ đề án quốc gia trồng 1 tỷ cây xanh, nhà trường đã chi mạnh để rồng hai vạn cây Sa Mộc tại xã Khâu Vai của huyện Mèo Vạc. Sau đó, thầy trò trường liên tục hỗ trợ sách giáo khoa, truyện, đồ dùng học tập cho một số trường ở Mèo Vạc.
Thầy Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GDĐT huyện có chia sẻ, địa phương có hơn 2.600 học sinh lớp 3 nhưng chỉ có 1 giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học. Thời điểm đó, thầy Khang đã đứng ra tuyển 22 giáo viên dạy tiếng Anh trực tuyến cho các em học sinh. Nhưng rồi nhận ra điều này không được lâu dài, thầy nảy ra ý tưởng đào tạo người địa phương trở thành giáo viên tiếng Anh.

Thế là, 9 sinh viên đầu tiên ở trường Đại học Khoa học và Đại học Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên), Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tài nguyên và Môi trường, Học viện Hành chính quốc gia đã ký cam kết nhận hỗ trợ từ trường Marie Curie và sẽ dạy tiếng Anh ở Mèo Vạc sau khi tốt nghiệp.
Thầy hiệu trưởng nói: "Nếu các con và gia đình đồng ý, thầy Khang xin nhận các con là con của mình. Thầy sẽ cung cấp tiền ăn, ở, học tập cho các con. Sau khi học xong, các con sẽ trở về quê hương giảng dạy. Chúc các con học tốt, xứng đáng với niềm tin yêu của gia đình, thầy cô và của chính thầy".
Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, nói cảm ơn sâu sắc sự hỗ trợ của trường Marie Curie, đồng thời cam kết thực hiện dự án đúng quy định. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang và Hà Nội cũng đánh giá cao ý tưởng này, mong muốn dự án đạt hiệu quả bền vững, lan tỏa đến nhiều địa phương, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
Theo VnExpress
Xem thêm: Câu chuyện xúc động đằng sau tiếng rao bán kem của thầy hiệu trưởng trường Marie Curie
Đọc thêm
Cậu bé Minh từng bỏ học cả tháng nhưng không bị trách phạt. Sau này, Minh quyết định chọn học Sư phạm để dạy học trò biết yêu thương.
Thầy giáo Nguyễn Duy Anh (quê Đông Anh, Hà Nội) là hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản. Anh hiện giữ chức vụ Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG.
Thấy dịch bùng phát ở huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam, thầy hiệu trưởng Lê Huy Phương đã xung phong lái xe miễn phí chở F0 đi điều trị.
Tin liên quan
Vĩnh sử dụng kênh TikTok hơn 1 triệu lượt theo dõi của mình để thực hiện các dự án: tặng bữa sáng, quần áo cho người lao động nghèo; hỗ trợ Gen Z khởi nghiệp...
"Về lại chiến trường xưa, thấy nhiều gia đình từng nuôi dưỡng, chở che mình vẫn còn khó khăn, tôi nghĩ phải có trách nhiệm chia sẻ với họ", cựu chiến binh 67 tuổi bày tỏ.
Anh Chiến - nam TikToker được đề cử "Kênh nội dung đời sống của năm" (TikTok Awards Việt Nam 2023) tự hào nói, chừng nào còn làm tóc, anh còn tặng tóc cho các "chiến binh K".