Ấm lòng với "nghề tay trái" của thầy hiệu trưởng xứ Quảng: Xung phong lái xe, vượt 2.000 km chở hơn 80 F0 đi điều trị
Thấy dịch bùng phát ở huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam, thầy hiệu trưởng Lê Huy Phương đã xung phong lái xe miễn phí chở F0 đi điều trị.

Vừa qua, xét nghiệm y tế sàng lọc, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã phát hiện hơn 200 ca nhiễm COVID-19, trong đó chủ yếu là giáo viên và học sinh. Trong khi đó, cả huyện chỉ có 1 xe cấp cứu, với tình hình ca mắc mới liên tục tăng, rất khó để đưa tất cả bệnh nhân đi điều trị. Chưa kể, huyện Trà My còn đang vào mùa mư, nhiều nơi đã bị sạt lở và nguy cơ sạt lở rất nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, Câu lạc bộ Bạn Thương Nhau (TP Đà Nẵng) đã hỗ trợ đoàn xe Nghĩa đồng bào để cùng địa phương đưa đón người dân tới các bệnh viện ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam để điều trị. Dù vậy, do lo ngại bị lây nhiễm, nhiều tài xế đã từ chối khiến việc tìm kiếm tài xế càng gặp khó. Trước tình cảnh đó, thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập đã tình nguyện xung phong làm tài xế.

Thầy Phương cho biết: "Trong thời gian qua, có rất nhiều người tình nguyện làm tài xế chở F0 đi điều trị, nếu mặc đồ bảo hộ đảm bảo và tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh sẽ hạn chế được lây nhiễm. Thêm nữa, mặc dù ở xa xôi nhưng các đội nhóm thiện nguyện khắp nơi đều hướng về Nam Trà My, họ tiếp tế lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế và cả xe để giúp đưa bệnh nhân đi chữa trị, mình ở đây không giúp đỡ sao đành". Thầy cho hay, thầy đã có bằng lái xe hạng D, ngoài ra cũng đã tiêm 2 mũi vaccine và tuân thủ việc phòng dịch.
Được biết, ban đầu anh Nam - trưởng CLB không đồng ý vì lo ngại việc cahcs ly sau dịch sẽ ảnh hưởng đến công việc quản lý trường của thầy Phương. Thế nhưng, thầy hiệu trưởng ấy vẫn tâm huyết gửi đơn tới lãnh đạo Phòng Giáo dục, trình bày nguyện vọng và cam kết tuân thủ quy định. Anh Nam kể: "Sau nhiều lần thầy Phương thuyết phục, tôi mới ủng hộ".

Tối 29/10 vừa qua, thầy Phương bắt đầu chuyến xe đầu tiên chở 13 bệnh nhân COVID-19 là học sinh ở các trường PTDT nội trú huyện Nam Trà My. Đó là chuyến đi vượt 130 km đường núi hiểm trở đến tận thành phố Tam Kỳ, trên đường còn gặp mưa lớn, đường sá có nguy cơ sạt lở. Thế nhưng, thầy Phương vẫn vững tay lái, quyết đưa các em học sinh tới nơi an toàn.
Thầy Phương nhớ lại: "Hôm đầu tiên đưa các em rời Nam Trà My, chúng tôi đứng ngồi không yên. Có những học sinh lần đầu tiên rời núi, tâm lý lại bất ổn vì lo lắng khi biết mình nhiễm COVID–19. Dù rất mệt vì đường sá sạt lở, hầu hết đều di chuyển ban đêm, mưa lớn kéo dài liên tục rất nguy hiểm, rồi tiếp xúc gần với người bệnh... nhưng tự mình đưa học sinh nhập viện điều trị, tôi cũng bớt đi sự lo lắng, bồn chồn". Trong quá trình di chuyển, thầy Phương được người trong CLB Bạn thương nhau hỗ trợ cơm nước. Họ mang cơm, giao nhận ở chỗ vắng vẻ rồi thầy dừng xe, ngồi bệt bên lề ăn; ngày nào trời mưa thì ăn luôn trong xe.

Thầy tâm sự: "Mỗi lần đưa xe đến trường đón học sinh tôi thấy đồng nghiệp của mình mặc từng bộ áo quần bảo hộ, xếp áo quần, bỏ gói bánh và dặn dò học sinh cố gắng điều trị khỏi bệnh. Nhìn từng cánh tay giờ lên vẫy chào tạm biệt trước khi xe lăn bánh mà không cầm được nước mắt". Đến nay, thầy đã đi tới hơn 2.000 km, chở hơn 80 em học sinh nhiễm COVID-19 điều trị. Giờ đây, điểm dịch ở huyện Nam Trà My đã được khống chế, một số em khỏi bệnh lại được thầy đưa về nhà. Và rồi, thầy hiệu trưởng lại tạm gác "nghề tay trái", nghiêm túc tự cách ly ở nhà riêng để phòng dịch.
Xem thêm: "Cha đẻ" ATM Oxy mắc COVID-19 chuyển nặng, vẫn ngày đêm điều phối việc hỗ trợ oxy miễn phí
Đọc thêm
Có trong tay bằng đại học, thay vì tìm công việc ổn định như bao người, sơ Đặng Thị Nụ (quê Thái Bình) lại dành hết công sức cho việc từ thiện.
Thương cảm cho số phận một người bệnh mất mạng vì không kịp đi cấp cứu, bà Phan Thị Bính quyết định bán đất để làm từ thiện, mở ra đội cứu thương 0 đồng.
Thay vì tổ chức tiệc mừng sinh nhật với số tiền 100 triệu mẹ cho, richkid Đà Nẵng Nguyễn Tường Vi đã dùng tiền để làm việc tử tế.
Tin liên quan
Chúng ta từng chứng kiến những thủ khoa của các trường Đại học, Cao đẳng có bố mẹ là lao công, người bán hàng rong, người nhặt ve chai... Nhưng trong bài viết này, Sống Đẹp xin chia sẻ câu chuyện về 1 người cha đặc biệt hơn thế nữa.
Xuất phát từ việc nuôi vài cặp bồ câu cho vợ con bồi dưỡng, sau 8 năm, quân nhân Trần Công Chiến đã trở thành chủ trang trại bồ câu Pháp với gần 20.000 con. Đáng nói, thu nhập mỗi tháng từ mô hình làm giàu này lên đến vài trăm triệu.
Ở tuổi 24, Obioha Okereke đã trở thành một chuyên gia tư vấn, sở hữu khối tài sản hơn 3 tỷ đồng và danh mục đầu tư chứng khoán khoảng 2,7 tỷ đồng.