Chân dung cô giáo 30 năm ròng rã “cõng” chữ ra khơi

Gần 3 thập kỷ qua, cô giáo Võ Thanh Kiều vẫn lặng lẽ đi về, bền bỉ gieo chữ ở đảo tiền tiêu Thổ Châu, hòn đảo xa đất tiền nhất trên vùng biển tây nam

Diệu Nguyễn
08:00 20/10/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo dòng chảy của lịch sử, Thổ Châu là hòn đảo từng bị Pol Pot chiếm đóng trái phóe và bắt toàn bộ hơn 500 dân đảo đi thủ tiêu. Từ vùng đất chết, Thổ Châu đã dần hồi sinh, năm 1992 có 6 hộ dân được vận động ra đây trước khi xã đảo này chính thức đại tái lập vào tháng 4 của 1 năm sau đó.

Xã đảo Thổ Châu tái lập không lâu thì thầy Đào Hữu Quốc, chồng cô giáo Võ Thanh Kiều được tăng cường ra đảo. Vùng Thổ Châu khi ấy thiếu điện đường trường trạm, nước ngọt khan hiếm, đời sống người dân vô cùng bấp bênh, chật vật. Khi cái đói nghèo còn đè nặng lên vai thì vấn đề học tập của con em chỉ là thứ yếu. Lúc đó, thầy Quốc là một trong hai giáo viên đầu tiên của vùng đất này, lớp học cũng đơn sơ, chòi tranh vách lá dựng tạm bợ. Hai thầy chia nhau dạy cả sáng– chiều, vật lộn với những đứa trẻ ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Trường không đủ chỗ nên các em học sinh phải dồn vào học ghép. Mỗi lần lên dạy phải chuẩn bị 2-3 giáo án, dựng bảng hai đầu.

Tháng 3/1996, khi cô giáo Kiều từ Rạch Giá tình nguyện theo chồng ra đảo Thổ Châu công tác, tình trạng lớp ghép vẫn còn diễn ra thường xuyên. "Khi ấy cơ sở vật chất thiếu thốn, lớp thiếu học sinh, nên mọi người đều phải linh động, có bao nhiêu dạy bấy", cô Kiều chia sẻ.

chan-dung-co-giao-30-nam-rong-ra-cong-chu-ra-khoi (1)

Đối với cô Kiều và người dân trên đảo khi ấy, đoạn trường nhất có lẽ là chuyện đi lại, nhất là vào những lúc bệnh tật ốm đau. "Ngày trước mùa hè muốn vào bờ phải đi nhờ tàu hàng vào Phú Quốc, vạ vật lắm vì tàu chỉ cập đảo lúc nửa đêm. Rồi từ đó nương theo tàu cá về Kiên Giang, cả hành trình phải mất 17-18 tiếng. Sau này có tàu khách để phục vụ bộ đội và dân nhưng chỉ duy nhất một chuyến nên việc đi lại cũng khá chật vật, muốn đi là phải canh cho đúng giờ tàu chạy", cô Kiều kể.

Gian nan là vậy nhưng chính môi trường trong lành, người dân thân thiện đã níu chân cô giáo trẻ ngày ấy đến nay đã gần 30 năm. Đặc biệt là tình yêu dành cho các em học, đau đáu vì tương lai trẻ nhỏ nơi biên giới hải đảo đã giúp cô giáo Kiêu thêm phần vững bước.

Ở đảo đa phần là dân đi biển nên cuộc sống không cố định. Lớp học không bao giờ xác định được sĩ số, phần vì những đứa trẻ lớn lên có khi sẽ theo cha mẹ đến vùng biển khác để sinh sống, hoặc về vào đất liền sống cùng ông bà. Số còn ở lại, ngay cả khi vào năm học rồi vẫn bị cuốn vào chuyện mưu sinh. “Phần nhiều các em sẽ theo cha mẹ ra khơi 5-10 ngày, nếu gặp bão cả tháng trời mới trở lại học được", cô Kiều nói.

chan-dung-co-giao-30-nam-rong-ra-cong-chu-ra-khoi

Học sinh ở đây không phải nghỉ luôn mà là vừa học vừa nghỉ. Một phần còn vì điều kiện tự nhiên. Nếu ai đã từng đặt chân đến đảo Thổ Châu sẽ biết hàng năm hòn đảo đều chịu ảnh hưởng của mùa gió, người dân phải chuyển bến dời nhà hai lần. Lúc ở Bãi Ngự khi thì về Bãi Dong. Khoảng cách giữa hai bãi khoảng 10 km. Những đứa trẻ theo nhà chạy gió đồng thời tìm kế sinh nhai.

Mỗi năm không biết bao lần cô giáo Kiều lặn lội đến từng bè cá để vận động cha mẹ cho các em đi học. Dù yêu quý thầy cô, biết các con phải đi học kiếm con chữ, nhưng mưu sinh lại là câu chuyện khác, khắc nghiệt và nhọc nhằn. Vào mùa mưa bão thu nhập của bà con rất thấp có khi gạo ăn còn thiếu. "Giáo viên phải chia nhau đến nhà phụ huynh, tỉ tê hỏi chuyện, không phải với vai trò người thầy dạy chữ mà như người trong gia đình đồng cảm, sẻ chia những nhọc nhằn, thiếu thốn. Làm vậy mới thuyết phục các bậc cha mẹ ủng hộ chuyện học hành của con, vì tương lai các em", cô Kiều tâm sự.

Sau nhiều năm miệt mài, từ hai lớp học đầu tiên giờ vùng đất Thổ Châu đã có trường mầm non, trường tiểu học và THCS nhưng học sinh học hết lớp 9 phần lớn phải nghỉ học vì điều kiện gia đình không đủ cho con vào đất liền đi học.

"Tôi mong thời gian tới các cấp lãnh đạo sẽ có thêm chính sách khuyến khích giáo viên vùng khó để lớp trẻ kế cận có nhiều động lực xung phong đến vùng hải đảo xa xôi công tác, cũng là góp phần bảo vệ biên cương đất nước. Đặc biệt, nếu Thổ Châu có được trường cấp 3 như nơi khác thì thật tôi không còn mong mỏi gì hơn nữa", cô Kiều bày tỏ.

Xem thêm: Chuyện cô giáo dạy sử ở Kiên Giang miệt mài với công tác xã hội giúp đời

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận