Buổi học cuối năm – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Hôm nay tôi dạy buổi học cuối cùng của năm dương lịch 2024 cho 2 lớp 10. Buổi học hôm nay đã khiến tôi xúc động mạnh khi dạy những đứa học trò nhỏ của mình một bài học lớn về tình yêu gia đình…
Đầu buổi học, tôi hỏi một học sinh, thằng bé vừa vào lớp năm nay, nó là cháu nội của một bác hàng xóm cũ của tôi. Nhà bác cách nhà tôi 4 căn nhà, nhưng bác và gia đình đã bán nhà đi khá lâu rồi.
Tôi hỏi nó: “Nội dạo này khỏe không?”. Nó nghe vậy thì khựng lại, bảo không biết.
Tôi hỏi tiếp: “Ông con còn sống không?”, nó gật.
“Rồi ông con đang ở với ai?”, nó bảo không biết, hình như ở nhà bác.
“Con gặp ông lần cuối khi nào?”, nó bảo chắc hơn 6 tháng trước.
Tôi nghe nó trả lời xong tự dưng nước mắt rưng rưng. Tôi bảo cả lớp ngồi chờ rồi mở bộ phim ngắn “Cha, con và chim sẻ” cho cả lớp cùng xem. Bộ phim nói về 2 cha con, người cha đã già, người con đang tuổi trưởng thành. Họ ngồi trong sân, người cha cứ nhìn vào con chim sẻ và hỏi nó là gì. Người con trai mất kiên nhẫn sau vài lần lặp đi lặp lại câu trả lời. Đến lần thứ 4, người con quát lên đầy bực dọc và giận dữ: “Con đã bảo đó là con chim sẻ rồi, sao cha hỏi đi hỏi lại vậy!”.
Người cha nghe vậy thì vào nhà lặng lẽ lấy ra cuốn sổ cũ, trong đó ông viết: “Hôm nay con trai tôi 3 tuổi, chúng tôi cùng nhau ngồi trong công viên, nó chỉ con chim sẻ và hỏi tôi 21 lần đó là gì, tôi trả lời và ôm nó vào lòng mỗi lần nó hỏi, không giận giữ mà thấy thương vô cùng”. Người con trai buông cuốn sổ xuống, nước mắt đầm đìa, quỳ xuống ôm lấy chân cha.
Học sinh ở lớp sau khi xem xong thì có nhiều đứa khóc, nhiều đứa sững sờ. Tôi cũng khó vì tôi đồng cảm sâu sắc với câu chuyện trong phim. Tôi nói với học sinh: “Các con ngồi đây có một phần công sức gián tiếp của ông bà khi ông bà nuôi cha mẹ các con lớn lên, cho cha mẹ các con được học hành, để rồi cha mẹ kiếm tiền để sống, để tiếp tục cho các con đi học. Vậy nên, để các con được ngồi đây, công ơn của ông bà là không nhỏ. Ông bà xứng đáng được các con nhớ đến và biết ơn”.
Rồi tôi kể cho thằng bé về câu chuyện của ông nó 20 năm trước, ông nó và tôi xây nhà cùng lúc, khi đó ông nó còn trẻ, người miền Trung, nói cười rổn rảng lắm. Ông hỏi tôi rằng, con xây nhà có gia đình coi ngó cho không, tôi bảo tôi có một mình thôi, ông nghe vậy thì cười bảo mày giỏi lắm con ạ. Tôi kể cho nó, khi ông nó xây nhà 20 năm trước, ba nó chưa cưới vợ, rồi ông nó hỏi vợ cho ba nó để rồi nó được sinh ra và lớn lên, nên ông nó quan trọng lắm.
Rồi tôi bảo với các học sinh của mình, người già thương con mến cháu, ta có thể trò chuyện với bạn bè hàng giờ sao lại không dành một phút ra để gọi điện hỏi thăm ông bà. Ta có thể đi những chuyến xa tại sao lại không thể đi gần tới nhà thăm ông bà một lát. Ông bà gặp con cháu luôn rất vui lòng và hạnh phúc. Mấy ngày lễ tết tới, các trò hãy dành thời gian ghé thăm ông bà.
Cuộc sống xô bồ bận rộn đã vô tình khiến con trẻ thiếu đi cảm xúc, không biết quan tâm tới những người xung quanh. Trẻ con dần chỉ liên lạc với những người mà chúng gắn liền lợi ích, vậy thôi. Dần dần gia đình không còn là điều thiêng liêng nữa, với cha mẹ còn vô cảm nói gì tới ông bà. Tôi bảo con người lớn lên không chỉ là sách vở, điểm số, danh hiệu, huy chương, sang giàu, tiền bạc. Không có một trái tim biết quan tâm và ấm áp, người ta không thể trưởng thành.
Học trò tôi ngồi im lặng nghe tôi dặn dò, ra chiều suy tư lắm. Như vậy cũng là tốt rồi. Chỉ cần đều đặn gieo hạt giống, rồi sẽ có ngày thu hoạch thành quả. Buổi học cuối năm kết thúc, tụi nhỏ râm ran ra về, í ới con về thầy nghe, sang năm gặp lại…
Buổi dạy học cuối năm, tôi được Tổ đãi rồi, khi cho tôi một cái mở đầu thật hay để tôi dạy tụi trẻ con một bài học lớn về lòng biết ơn…
Xem thêm: Nhìn lại một năm “chưa làm được gì” – Câu chuyện đáng suy ngẫm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận