Khởi nghiệp với 10 triệu, 9x Lâm Đồng thu về tiền tỷ mỗi năm, tạo việc làm cho hàng chục người
Tre không chỉ để lấy măng – từ khẳng định đó, chàng sinh viên Nguyễn Lê Hoàng Nhân (23 tuổi), quê ở Lâm Đồng đã bắt đầu hành trình khởi nghiệp sản phẩm từ tre nứa, nâng tầm giá trị cây tre Việt Nam.
Bán sáo trúc, ăn mì tôm, đi làm thêm để lấy tiền khởi nghiệp
Chàng trai trẻ Nguyễn Lê Hoàng Nhân (sinh năm 1998) ở Lâm Đồng đã bắt tay vào khởi nghiệp với cây tre, nứa ngay từ khi còn là sinh viên.
Năm 2017, khi đang học chuyên ngành Luật ở Trường Đại học Đà Lạt, Nhân đã bắt đầu làm sáo trúc bán lấy tiền.
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai Nguyễn Lê Hoàng Nhân đã luôn trăn trở khi nhìn người dân quê mình quanh năm khai thác tre nứa chỉ để lấy măng.
Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có nguồn tre nứa dồi dào và đặc biệt tại Lâm Đồng là vựa tre nứa lớn của cả nước. Vì vậy, anh không can tâm đứng nhìn nguồn tài nguyên quý giá ấy chỉ có giá trị thực phẩm đơn thuần.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Nhân cho biết, ngay từ khi đang học chuyên ngành Luật ở Trường Đại học Đà Lạt, ngoài thời gian học trên giảng đường, anh đã tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn trường phát động. Trong đó, có nhiều hoạt động cùng các bạn tham gia các chương trình tuyên truyền, tình nguyện về chung tay chống rác thải nhựa.
“Ý tưởng thôi thúc tôi phải làm điều gì đó thật ý nghĩa để bảo vệ môi trường khi vô tình bắt gặp 1 video trên mạng xã hội vào năm 2018. Video đó quay lại hình ảnh các bạn tình nguyện viên dùng kìm để rút một chiếc ống hút nhựa ra khỏi mũi của một chú rùa biển. Hình ảnh chú rùa biển đau đớn với vết thương bị hoại tử nghiêm trọng đã ám ảnh tâm trí tôi suốt nhiều ngày sau đó”, anh Nhân kể.
Cậu sinh viên bắt đầu hành trình khởi nghiệp sản phẩm từ tre của mình từ nguồn vốn nhỏ là số tiền anh đi làm thêm phục vụ, làm bảo vệ và tiền học bổng… rồi thành lập nên dự án khởi nghiệp Đà Lạt Bamboo để nghiêm túc thực hiện ý tưởng của mình.
Kinh nghiệm sản xuất, quản lý của Nhân lúc đó gần như là con số 0 anh sinh viên phải nổ lực gấp nhiều lần vừa làm, vừa học hỏi và tìm hiểu. Nhân kể: “Từ tìm nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, cách đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng đều có khó khăn riêng… nhưng cái mình nghĩ khó nhất chính là hiểu được cây tre.
Để làm được sản phẩm từ tre phải biết rõ từng cây tre đã đủ tuổi chưa, và mỗi cây tre phù hợp làm sản phẩm gì”. Cứ thế, ban ngày đi học, tối về Nhân mày mò nghiên cứu sản phẩm. Những ngày được nghỉ học, Nhân lại tìm về các cánh rừng để tìm nguyên liệu sản xuất thử nghiệm và “hiểu về tre”.
Mất gần 12 tháng nghiên cứu và bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh, trải qua nhiều lần ra sản phẩm rồi lại làm lại khi chưa vừa ý, từ việc cắt làm sao cho ống hút không bị nứt, sơ chế làm sao cho sản phẩm vừa đẹp mắt lại vừa có độ bền cao, có thể tái sử dụng nhiều lần, cuối năm 2018, sản phẩm đầu tiên là ống hút được anh chào bán ra thị trường.
Thế nhưng, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh của Nhân lúc ấy gần như là con số 0 tròn trĩnh. Ống hút ra mắt thị trường giá thành cao hơn rất nhiều so với ống hút nhựa, rất khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng để bán sản phẩm... Vì thế Nhân phải tiếp tục cải tiến máy móc, nghiên cứu thêm để hạ giá thành sản phẩm.
Sau đó, khi phong trào tẩy chay rác thải nhựa lên cao, vô tình các sản phẩm của Nhân được biết đến nhiều hơn, cùng với sự hỗ trợ của đoàn trường, hình ảnh sản phẩm được quảng bá rộng rãi, nhờ đó số lượng sản phẩm bán được ngày càng tăng.
Nhớ lại quãng đường đầy khó khăn, Nhân nhớ nhất vào năm 2019, khi xưởng làm ra được rất nhiều sản phẩm nhưng không bán được; lúc đó cũng chưa đầu tư kho cất giữ sản phẩm mà chỉ cất giữ bình thường khiến toàn bộ hàng nghìn sản phẩm bị mốc, hỏng phải bỏ hết.
Sự cố này gây thiệt hại cho Nhân khoảng 100 triệu đồng nhưng cũng giúp chàng trai rút ra được nhiều kinh nghiệm từ khâu bảo quản sản phẩm, từ đó cũng giúp Nhân hiểu được phải làm những sản phẩm thị trường cần, thay vì làm thứ mình có.
Doanh thu tiền tỷ, tạo việc làm cho hàng chục người
“Ngay từ khi bắt tay vào làm, tôi có quan điểm tạo ra sản phẩm xanh thì phải an toàn với sức khỏe con người. Vì thế, khi sản xuất không sử dụng bất kỳ chất hóa học nào có hại cho sức khỏe để chống mốc cho sản phẩm. Thay vào đó, tôi sử dụng công nghệ sấy tiệt trùng kết hợp với tinh dầu dừa để tăng khả năng chống mốc”, anh Nhân nói.
Theo anh Nhân, để tăng tuổi thọ, độ bền cho sản phẩm, các cây tre, nứa được lựa chọn để làm ra sản phẩm phải có từ 2-3 năm tuổi. Tre khai thác về phải mang đi phơi rồi cắt từng khúc mang luộc qua nước muối nhằm khử bọt và loại bỏ độ ngọt ở cây tre. Sau đó mang đi sản xuất ra sản phẩm, hấp tinh dầu, hấp tiệt trùng và đóng gói, bảo quản…
Từ sản phẩm ban đầu là ống hút tre, anh Nhân đã nghiên cứu và tạo ra khoảng 20 sản phẩm khác nhau như bút tre, ly, cốc, hộp đựng trà, bàn chải đánh răng, thìa, dĩa…
Sản phẩm của anh đã có mặt ở hầu khắp các nhà hàng, khu du lịch, các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, năm 2020, anh đã xuất khẩu được hơn 500.000 sản phẩm khác nhau sang thị trường Úc. Đến nay, đã có khoảng 4 triệu ống hút và hàng ngàn sản phẩm tre, nứa khác do anh sản xuất có mặt tại Úc.
Mỗi tháng xưởng xuất kho khoảng hơn 50.000 ống hút tre, các sản phẩm khác khoảng 1.000 – 3.000 sản phẩm. Các sản phẩm ngày càng đa dạng với mức giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, tổng doanh thu của dự án đạt từ 300 – 500 triệu đồng mỗi tháng.
Anh cũng đã sở hữu xưởng sản xuất tre rộng khoảng 1.500m2 với 3 khu là khu phơi nguyên liệu, khu sản xuất và nhà kho. Tạo công ăn việc làm cho từ 10-20 lao động địa phương với mức lương từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Với mong muốn hạn chế đồ dùng làm từ nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng 1 lần, anh Nhân đang tiếp tục nghiên cứu làm các sản phẩm dùng 1 lần từ mo cau và các loại lá như lá sen, lá vả, lá chuối….
“Hành trình để bảo vệ môi trường còn rất dài và nhiều khó khăn nhưng tôi biết mình đã chọn đúng con đường. Qua đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ với các bạn đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp rằng, khởi nghiệp ở tuổi đôi mươi rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng chỉ cần cố gắng kiên trì, học hỏi thật nhiều và kiên định với mục tiêu đã đặt ra thì chắc chắn sẽ thành công”, anh Nhân bày tỏ.
Đọc thêm: Quân nhân 8x nuôi bồ câu cho vợ con bồi dưỡng, không ngờ kiếm mấy trăm triệu mỗi tháng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận