3 cách giáo dục con sai lầm khiến trẻ hay cáu gắt và không nghe lời
Ngay từ nhỏ, trẻ đã có những hành vi như cáu gắt hay chống đối. Nguyên nhân đến từ chính cách giáo dục con sai của cha mẹ.
Bố mẹ nào cũng hy vọng con mình sẽ trở thành một đứa trẻ ngoan, biết nghe lời, lễ phép với người lớn. Vì thế, khi thấy con nóng giận, cãi lời, thiếu tôn trọng người khác, bố mẹ thường cảm thấy tức giận. Thậm chí, nhiều người không giữ được bình tĩnh đã đánh mắng con. Nhưng trên thực tế, những đứa trẻ cư xử như vậy phần lớn là do cách nuôi dạy của các bậc phụ huynh.
Có một câu chuyện diễn ra như sau: Trong một trường mẫu giáo, khi được mẹ đón về, một cô bé 5 tuổi đã vòi vĩnh mẹ mua cho hộp đựng bút mới. Cô bé thấy chiếc hộp rất đẹp, có nhiều ngăn tiện lợi, chắc chắc các bạn sẽ phải trầm trồ ngợi khen. Nhưng người mẹ đã nói với con rằng hôm nay mình không mang tiền, hẹn hôm sau sẽ mua cho con. Nghe mẹ nói như vậy, cô bé lăn ra giữa đường gào khóc.
Các bậc phụ huynh sẽ gặp phải những vấn đề tương tự trong quá trình giáo dục con cái. Khi không đồng ý với yêu cầu của con, con sẽ làm loạn, tìm đủ mọi cách năn nỉ bố mẹ. Dần dần, khi lớn lên, con trở nên ích kỷ, chỉ muốn người khác làm hài lòng yêu cầu của mình mà không cần quan tâm đến các yếu tố khác.
Thậm chí, nguy hại hơn khi nhiều trẻ cáu gắt có thể nói bậy, hoặc đập phá đồ đạc, có thái độ chống đối. Khi trẻ không kiềm chế được cảm xúc, phụ huynh chỉ có 2 giải pháp, đó là thoả hiệp hoặc khắc phục sự ương bướng đó. Thực tế, thái độ cáu gắt, ích kỷ, nóng giận của con ngày hôm nay là do 3 phương pháp giáo dục sai cách của bố mẹ trước đây:
3 cách giáo dục sai khiến trẻ hay cáu gắt
1. Đánh mắng con
Bố mẹ nào cũng mong muốn dùng thái độ nhẹ nhàng để giải quyết trước lỗi sai của con. Nhưng thực tế, nhiều phụ huynh mất kiểm soát và chọn những phương pháp giáo dục cực đoan. Tuy nhiên đây là cách gây ra nhiều tác hại, ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất và tâm lý của trẻ. Từ đó, khiến trẻ thường xuyên cáu gắt, bực tức, chống đối lại bố mẹ.
2. Nhẫn nhịn và thoả hiệp quá mức
Khi bố mẹ thấy con tức giận, khóc lóc ăn vạ sẽ tạm khiến con chấm dứt bằng việc nuông chiều và đáp ứng nhu cầu. Chẳng hạn như thấy con gào khóc, bố mẹ sẽ xoa dịu ngay bằng lời nói như: "Nín ngay đi rồi tí nữa mẹ mua cho đồ chơi", "Con không khóc nữa sẽ được đi chơi công viên vào cuối tuần",… Khi bố mẹ đồng ý với con nghĩa là con đã "chiến thắng".
Trẻ đạt được thứ chúng muốn bằng cách khóc lóc, ỉ ôi. Vì vậy, sự thoả hiệp này không giải được vấn đề cốt yếu, chỉ khiến trẻ sinh hư. Khi muốn đòi hỏi thứ gì đó vào lần sau, trẻ sẽ tiếp tục dùng chiêu thức cũ khiến bố mẹ đau đầu nhức óc, cảm thấy bất lực.
3. Giải quyết lạnh lùng
Có nhiều bậc bố mẹ lựa chọn cách giáo dục "nhẹ nhàng" hơn, không đánh mắng khi con la hét. Họ có thái độ phớt lờ trước tiếng khóc của con. Họ nghĩ rằng con đang mất bình tĩnh, để con khóc chán thì sẽ tự nín.
Giải pháp lạnh nhạt này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ và tâm lý của trẻ. Khi khóc lâu, trẻ sẽ bị đau cổ họng, khàn tiếng, mất giọng, mất sức. Trẻ cũng sẽ cảm thấy thiếu an toàn, không được bố mẹ quan tâm, chở che, từ đó sẽ trở nên lạnh nhạt với bố mẹ. Cách phớt lờ con khi thấy con tức giận sẽ không giải quyết được vấn đề, chỉ khiến trẻ càng trở nên khó bảo, ngang bướng.
Vậy thấy con có tính cách nóng giận, ngang ngạnh, các bậc phụ huynh nên làm gì? Hãy tham khảo ngay 3 phương pháp đơn giản mà hữu hiệu dưới đây.
- Thay đổi suy nghĩ để giao tiếp với con như một người bạn: Hầu hết các phụ huynh đều chia sẻ rằng có một khoảng cách thế hệ với con cái. Và họ không hoàn toàn hiểu được những suy nghĩ và hành động của con. Vì thế, bố mẹ nên dành thời gian cho con nhiều hơn, giao tiếp với con như một người bạn để hiểu con hơn.
- Học cách hướng dẫn trẻ giải quyết vấn đề: Khi thấy con nổi nóng, nhiều bậc phụ huynh không kiểm soát được cảm xúc dẫn đến sự việc rơi vào bế tắc. Lúc này, bố mẹ nên suy nghĩ cách để hướng dẫn con giải quyết vấn đề. Chẳng hạn khi con mất bình tĩnh, hãy tìm hiểu nguyên nhân và dạy con tránh mắc phải những sai lầm tương tự.
- Thiết lập thoả thuận: Nhiều bố mẹ tin rằng con sẽ tự biết điều chỉnh thái độ hành vi khi lớn lên nhưng điều này là không thể. Muốn con trở nên ngoan ngoãn, biết cách kiểm soát cảm xúc, không còn cách nào ngoài việc rèn luyện cho con ngay từ bây giờ. Bố mẹ không thể dùng thái độ ép buộc hay thoả hiệp mà nên cùng con xây dựng quy tắc và tuân thủ làm theo. Tuy nhiên, bố mẹ cần làm gương để con noi theo học tập.
Sự trưởng thành của con ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường sống. Nếu con luôn mất bình tĩnh, hay tức giận thì bố mẹ nên xem xét lại vấn đề đang tồn tại của chính bản thân. Và khi thấy con gặp vấn đề, bố mẹ cần trò chuyện nhiều hơn để giúp con giải quyết vấn đề một cách hợp lý.
Đọc thêm: Mẹ có là Tiến sĩ mà giáo dục con sai cách thì đứa trẻ vẫn gặp bất lợi
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận