5 việc làm cha mẹ cứ nghĩ là tốt nhưng lại đang hủy hoại tương lai của con
Có nhiều cách thức để nuôi dạy con cái, trang bị cho con những thứ cần thiết để thành công trên đường đời. Tuy nhiên, cũng có những việc cha mẹ cần tránh kẻo ảnh hưởng đến tương lai của con.
Bao bọc con quá mức
Xã hội ngày càng phức tạp và đầy rẫy những hiểm nguy. Cha mẹ nào cũng muốn con mình được an toàn, khỏe mạnh nên dành hết sức lực và thời gian để bảo vệ con cái. Tuy nhiên, việc bảo vệ và bao bọc con quá mức sẽ khiến con mất đi đôi cánh để thỏa sức tung bay sau này.
Một đứa trẻ không được chơi ở ngoài sân, không bao giờ bị ngã sẽ chẳng thể biết việc ngã đau đớn như thế nào. Dần dần, điều này sẽ trở thành nỗi sợ hãi, rào cản khiến trẻ không dám thỏa sức làm những điều mình muốn. Trẻ nên được thử cảm giác vấp ngã, để biết tự đứng dậy như thế nào. Trẻ đôi khi cũng nên bị xước xát để hiểu đau đớn ra sao, lần sau rút kinh nghiệm thế nào. Những đứa trẻ thiếu trải nghiệm sẽ không thể hoàn thành được kỹ năng sống của mình.
Giúp đỡ con quá nhiều
Khi nghĩ về thời thơ ấu của mình, nhiều người nhận ra trẻ nhỏ hiện nay thiếu đi quá nhiều kỹ năng sống cơ bản. Nguyên nhân bởi cha mẹ phản ứng quá nhanh mỗi khi con cái mình gặp vấn đề. Con chưa kịp ăn đồ cay đã ngăn chặn, trẻ chưa kịp nghịch đất đã bị cha mẹ bế ra chỗ khác vì sợ bẩn chân tay.
Khi trẻ vấp phải bất kỳ rắc rối nào đó, ví như mở hộp, đổ nước vào chai... là cha mẹ sẽ làm giúp ngay và luôn. Các bậc phụ huynh đã lấy đi sự khám phá, tò mò của trẻ bằng việc làm thay chúng. Trẻ thiếu đi khả năng giải quyết vấn đề, thiếu sự suy nghĩ tập trung và sáng tạo trong xử lý tình huống khi trưởng thành sẽ gặp nhiều rắc rối trong công việc và cuộc sống thường ngày.
Cha mẹ hãy để con thử nghiệm, mày mò theo cách của con. Đừng vội vã giúp con kẻo sau này con sẽ ỷ lại. Hãy cứ dõi theo con và chỉ giúp đỡ khi nào con thật sự cần tới.
Đề cao con quá mức
Là cha mẹ, ai chả muốn dành cho con mình những lời hay ý đẹp. Tuy nhiên, nhiều khi con gây ra lỗi lầm, cha mẹ vẫn dễ dàng bỏ qua với tâm lý không chấp trẻ con hoặc cho là trẻ con có quyền mắc sai lầm.
Dần dần, trẻ sẽ nhận ra dù bản thân làm gì cũng được cha mẹ ủng hộ. Chúng dần hình thành xu hướng lười biếng, không nỗ lực và không chịu cố gắng hết mình. Nếu các bậc phụ huynh dạy cho con cách chấp nhận sự thật từ nhỏ, con sẽ hiểu được bản chất của thế giới này.
Phần thưởng chỉ dành cho những người chiến thắng. Hãy cho con biết về cảm giác thua cuộc và cả cảm giác hân hoan trong niềm chiến thắng; quan trọng nhất là nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu.
Không chịu trải lòng cùng con
Trong những gia đình có con cái đang ở độ tuổi dở dở ương ương, thứ chúng cần không phải là những lời la mắng, chỉ trích của cha mẹ. Điều trẻ cần là những câu chuyện thật, quá trình trải qua tuổi trẻ của cha mẹ. Nguyên nhân bởi, trẻ không muốn nghe những lời dạy bảo khô cứng, nhưng những kinh nghiệm, câu chuyện sẽ là thứ giúp chúng trải qua rắc rối hiện tại.
Thay vì cấm đoán trách móc con, hãy dạy cho trẻ những lỗi lầm cha mẹ từng gặp phải, những rủi ro có thể có và cách phòng tránh ra sao. Hãy buông đôi tay để con tự lớn, tự phát triển và tự trải nghiệm, tự giải quyết vấn đề của mình.
Quá quan trọng về thành tích
Đây có lẽ là tình trạng chung của nhiều cha mẹ châu Á. Họ cho rằng, con mình phải học giỏi, có điểm số cao, phải thông minh thì sau này mới có thể thành công. Lối suy nghĩ này vắt kiệt sức trẻ bởi những giờ học trên lớp, học thêm học nếm ở ngoài rồi học tại nhà cùng với những áp lực phải làm hài lòng cha mẹ, gia đình.
Thứ quý giá nhất đối với trẻ không phải điểm số mà là kinh nghiệm sau này. Trẻ cần đi học, cần có kiến thức nhưng cha mẹ hãy hướng con học những gì chúng thích, làm những gì con đam mê.
Xem thêm: Cha mẹ chẳng cần học cao vẫn có thể nuôi con thành thạc sĩ, tiến sĩ nhờ áp dụng 3 phương pháp này
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận