Xin hãy chung tay cứu lấy con mắt của cô bé 8 tuổi
Trúc Vi đã bỏ đi một con mắt, phải khám định kỳ và duy trì hóa trị để ngăn ngừa di căn, bảo vệ con mắt còn lại. Nhưng buồn thay, cả năm nay Vi không được tán khám...
Tai họa dồn dập
15 tuổi, khi vừa học xong lớp 9, chị Trịnh Thị Diệu (SN 1987) bắt xe đò từ Thanh Hóa vào Đồng Nai để đi làm. Diệu chưa đủ tuổi nên không công ty nào nhận, cô xin bán quán tạp hóa để có nơi ăn ở.
18 tuổi, Diệu đi làm công nhân giày da rồi quen anh Đinh Văn Phước. Hai người cưới nhau vào năm 2010, đến đầu năm 2012 thì có bé Đinh Trịnh Xuân Mạnh.
Khi Mạnh vừa đầy tháng, Phước gây tai nạn rồi tử vong. Nhà nạn nhân thấy cảnh mẹ con Diệu nheo nhóc, không tiền, ở trọ, cũng cảm thương mà không đòi bồi thường.
Đến năm 2014, Diệu tái hôn với anh Thạch Hùm (SN 1984). Do 2 vợ chồng không đăng ký kết hôn nên khi sinh Trịnh Thị Trúc Vi (SN 2015), bé làm khai sinh theo họ mẹ.
Những tưởng từ đây cuộc đời bớt khổ, 2 vợ chồng chí thú làm ăn có thể nuôi 2 con nhỏ nên người. Không ngờ, tai họa liên tục ập đến gia đình nhỏ.
Đầu năm 2020, Diệu phát hiện mắt trái của bé Vi khác lạ, tròng trắng lấn sâu vào tròng đen. Diệu xin nghỉ làm 1 ngày đưa Vi đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám, các bác sĩ đề nghị chuyển lên Bệnh viện Mắt TPHCM để khám chuyên sâu.
Sau khi có kết quả chụp chiếu, phát hiện có khối u lớn trong hốc mắt, các bác sĩ đề nghị múc bỏ nhãn cầu để tách hết khối u. Diệu bàng hoàng, không tin đó là sự thật: "Mắt con em đẹp thế, sao phải múc bỏ?".
Diệu không tin, đưa con về. Cô quyết định nghỉ việc, đưa Vi đi khắp nơi chạy chữa bằng thuốc nam, châm cứu, cúng nhang… Cứ nghe ở đâu có thầy bà, thần y là Diệu bắt xe đò, thuê xe ôm chở con đến cầu thuốc. Thế nhưng, vô vọng…
Sau gần nửa năm, mắt Trúc Vi càng sưng to, không còn nhìn thấy. Diệu ôm con về bệnh viện mắt, bác sĩ điều trị lắc đầu cảm thông: "Không chữa được phải không? Mắt bé hư rồi, giữ cũng không nhìn thấy được gì mà nguy hiểm cho con".
Sau ca phẫu thuật, Diệu cứ tưởng múc mắt là xong, không ngờ đó chỉ là khởi đầu của một hành trình khác. Kết quả sinh thiết cho thấy Trúc Vi bị u nguyên bào võng mạc, phải tiến hành hóa trị 6 toa kết hợp xạ trị 25 tia tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM.
Đúng lúc này, anh Hùm phát hiện bị bệnh lao. Không ai dám làm việc cùng Hùm, anh mất việc. Ngày ngày Hùm lủi thủi trong phòng trọ, ngoài việc lo cơm nước cho cả nhà, anh làm bạn với rượu.
Khó khăn bủa vây gia đình nhỏ, nhiều lúc Diệu muốn buông bỏ, cả gia đình kết thúc cùng nhau. Nhưng nhìn 2 đứa con vô tội, Diệu dằn lòng đi tìm nơi vay nợ chữa bệnh cho chồng con…
Chỉ mong có tiền đưa con đi tái khám
Những ngày hóa trị được nội trú, 2 mẹ con Diệu được ở trong phòng bệnh. Con nằm giường, mẹ nằm ké dưới gầm giường. Những ngày ngoại trú, 2 mẹ con ra gầm cầu thang bệnh viện tìm chỗ ngủ. Bởi ra ngoài thuê trọ 200.000 đồng/đêm quá đắt, Diệu không có tiền thuê.
Những đêm mưa to gió lớn, gầm cầu thang không đủ che, nhiều đêm vừa ướt vừa lạnh, 2 mẹ con không ngủ được. Diệu chuyển sang đi xe buýt. 5h sáng, 2 mẹ con bắt xe từ Trảng Bom lên TPHCM chữa bệnh, tối bắt xe về. Dù mệt nhưng ít tốn kém, Diệu còn lo được.
Những ngày được về nhà, Diệu tranh thủ ra vựa cây làm cây giống. Cứ mỗi cây non vào bầu hoàn tất, Diệu được trả 500 đồng.
"Nhờ công việc này mà mỗi ngày em kiếm được 200.000-300.000 đồng, đủ tiền gạo muối và phòng trọ", Diệu cho hay.
Dịch Covid-19 đến, cả nhà Diệu không làm gì được. Những ngày ấy, với nhà nghèo chạy ăn từng bữa như nhà Diệu là giai đoạn kinh hoàng.
Đến giờ, Diệu cũng không biết vì sao gia đình mình có thể vượt qua 3 tháng giãn cách trong căn phòng trọ 10m2 được thuê với giá 600.000 đồng/tháng.
Hết dịch, Hùm không muốn trở thành gánh nặng cho vợ, anh về nhà mẹ đẻ ở Giá Rai (Bạc Liêu) sống.
Bà Danh Thị Ngôn, mẹ Hùm, đã hơn 70 tuổi. Hằng ngày, bà chạy xe đạp ra chợ lượm ve chai để đổi gạo nuôi 2 đứa cháu nội. Cha của tụi nhỏ đã mất, mẹ bỏ đi cưới chồng khác.
Hùm về, cơm áo gạo tiền càng đè nặng trên vai bà. Biết tin con dâu khổ, cháu nội bệnh mà bà bất lực.
Cha mẹ của Diệu ở quê cũng đã hơn 65 tuổi, còn phải nuôi con gái út và 2 cháu ngoại bị bệnh tim, chồng bỏ.
Kể về gia cảnh nhà mình, Diệu không thể nén nổi tiếng thở dài: "Không có tiền thì em nợ tiền nhà trọ, mua chịu đồ ăn, cầm giấy tờ xe, cầm căn cước, cầm hộ khẩu… lấy tiền mua gạo cho con. Nhưng tiền đưa con đi khám bệnh thì không có khả năng".
Ngoài hóa trị duy trì, định kỳ 6 tháng, Vi phải lên bệnh viện mắt để khám mê theo dõi viêm, tái phát hoặc di căn, xử lý kịp thời để giữ con mắt còn lại cho con. Thế nhưng, Diệu đã ngừng đưa con đi tái khám cả năm nay.
"Mắt bé ra dịch thì em mua bông băng về lau, đau thì em mua 20.000 đồng thuốc giảm đau về cho con uống. Đầu năm, con mắt giả của con rớt ra vì hốc mắt không còn khớp, không mang vào được. Khi đi học, bạn bè trêu nên con không chịu đi nữa", Diệu kể.
Trúc Vi tâm sự: "Đi học ngại lắm. Bạn không chơi với con, chọc con 1 mắt, chê con nhà nghèo…".
Diệu quay mặt đi giấu hai hàng nước mắt. Chị bảo: "Bác sĩ nói cố cho con học biết chữ, để lỡ mà di căn, mắt còn lại cũng hỏng thì bé học chữ nổi được. Mà giờ nó có chịu đi học đâu".
"Giờ em chỉ mong có ít tiền cho con đi khám lại xem sao, có bị di căn không, có giữ được con mắt còn lại không, rồi lắp mắt giả mới cho con để con không còn bị bạn bè chê cười…", Diệu tâm sự.
Thế nhưng, giờ Diệu biết tìm đâu ra tiền đưa con lên bệnh viện?
Ông Trương Công Học, Trưởng ấp 5 (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), xác nhận vợ chồng Diệu rất chịu khó làm ăn nhưng vẫn khó khăn vì cả cha và con gái đều mắc bệnh hiểm nghèo.
Ông Học cho biết: "Hiện địa phương đã xét hỗ trợ cho bé Trúc Vi diện trẻ em khuyết tật nhưng mỗi tháng cũng chỉ được thêm vài trăm ngàn, còn tiền cho bé chữa bệnh thì địa phương không có nguồn nào. Nếu cháu được các nhà hảo tâm, nhà báo giúp đỡ thì địa phương xin chân thành cảm ơn!".
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Chị Trịnh Thị Diệu
Địa chỉ: Tổ 16, ấp 5, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: 0374.582.202
(Theo Dân trí)
Xem thêm: Cậu bé 10 tuổi không mi mắt, mù lòa học giỏi cần 400 triệu để ghép giác mạc, vá mi
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận