Góc khuất sau ngai vàng: Chuyện "huynh đệ tương tàn" và sự cố "răng cắn lưỡi" của vua Tự Đức

Hồng Bảo là con trưởng của vua Thiệu Trị nhưng không được nối ngôi vua, người đăng cơ là Hồng Nhậm (vua Tự Đức) - vị vua thứ tư của nhà Nguyễn. Ấy nhưng, phía sau ngai vàng của vua là cả một câu chuyện dài, mà cái tì vết án "răng cắn lưỡi" vẫn còn đó.

Đỗ Thu Nga
15:00 24/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguyễn Phúc Hồng Bảo là người thế nào?

Vua Tự Đức (tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm), lúc nối ngôi có tên là Thì. Ông là con thứ 2 của vua Thiệu Trị và Từ Dũ Hoàng hậu Nguyễn Thị Hằng. Thuở mới lọt lòng, ông mang thể chất yếu ớt, ốm đau liên miên. Ấy nhưng, bù lại vốn dòng con vua cháu chúa nên khi lớn lên, Hồng Nhậm cũng "thông minh vốn sẵn tính trời".

Trong khi đó, anh khác mẹ của Hồng Nhậm là Nguyễn Phúc Hồng Bảo (1825 - 1854), dẫu là con trưởng của vua Thiệu Trị, nhưng mẹ lại là vợ thứ. Khi Hồng Bảo 15 tuổi, năm Canh Tý (1840) đời vua Minh Mạng, được vua ông phong làm Yên Phong đình hầu, Đến năm Quý Mão (1843) khi cha ngồi ngai vàng, Hồng Bảo được phong làm An Phong công. 

Ghi chép về vị Hoàng tử này trong sử sách nhà Nguyễn, rặt toàn thấy việc không hay, đơn cử như Đại Nam thực lục làm chứng. Như tháng 8 năm Tân Sửu (1841), thuộc binh ở phủ của Hồng Bảo là Hứa Văn Tài mạo bằng trát ức hiếp dân Quảng Trị, bị vua sai chém răn, còn Hồng Bảo thì bị tước cả áo mũ. 

vua-tu-duc-va-nghi-van-xung-quanh-cai-chet-cua-hoang-tu-hong-bao-9
Diễn viên Trịnh Tú Trung vào vai Nguyễn Phúc Hồng Bảo trong phim "Phượng Khấu"

Hay tháng 5 năm Ất Tỵ (145) cũng vì thuộc binh trong phủ Hồng Bảo là Hoàng văn Lợi cậy thế bắt người giám khảo phải bị tội chém đầu, còn Bảo không biết quản thuộc hạ nên bị phạt lương 6 tháng. Rõ là quản kẻ hầu trong phủ mình còn không nghiêm thì sao quản được nước. 

Trong mắt vua Thiệu Trị, ấn tượng về người con trưởng này thật không có điểm thiện cảm nào. Vua Thiệu Trị từng nhận xét Hồng Bảo là "học thức nông kém". Còn sử gia nhà Nguyên thì nói Hồng Bảo là người "ít học, chỉ ham vui chơi".

Có lần, tháng 3 năm Giáp Thìn (1844), Hồng Bảo hát xướng trong ngày trai giới, vua giận, quở rằng: "Ngươi học vấn chậm và tối, chỉ thích chơi bời, trái với giáo huấn trong nhà nhiều lắm". Bèn tước lương hai năm". Bởi tài hèn, đức kém, nên vua cha không chăm chút, bồi dưỡng nhiều cho Hồng Bảo, ngôi trời, hẳn đã từ lâu không có sự hiện diện của đứa con cả ham chơi, ít học này.

Cái chết còn nhiều nghi vấn của Hồng Bảo 

Dù là con trưởng nhưng Hồng Bảo không được vua Thiệu Trị truyền ngôi báu cho. Trong di chiếu của vua Thiệu Trị có viết: "Trong các con ta, Hồng Bảo tuy lớn, nhưng vì thứ xuất, ngu độn ít học, chỉ ham chơi, không thể nối nghiệp lớn được. Hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm thông mẫn, ham học, rất giống ta, đáng nối ngôi vua. Hôm qua ta đã phê vào di chiếu để trong long đồng. Các ngươi phải kính noi đó, đừng trái mạng ta!”.

Khi đăng cơ, Phước Tuy công Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (vua Tự Đức) đã đối đãi tử tế với Hồng Bảo, chu cấp thêm bổng lộc nhằm đảm bảo vị hoàng huynh này có một cuộc sống sung túc, an nhàn và quên đi khát vọng đoạt ngôi vị. 

vua-tu-duc-va-nghi-van-xung-quanh-cai-chet-cua-hoang-tu-hong-bao-2
Ngai vàng duy nhất còn lại của nhà Nguyễn

Có thể thấy, ngoài phần lương bổng được hưởng như trước đây, hàng năm, vua Tự Đức còn ban cấp thêm cho Hồng Bảo 500 quan tiền và 500 phương gạo. Vua Tự Đức cũng chăm lo thờ phụng Quý tần Đinh Thị Hạnh - mẹ Hồng Bảo như một cử chỉ để tạo niềm tin và thu phục Hồng Bảo cùng gia quyến của ông.

Song Hồng Bảo không vì thế mà quên đi ánh hào quang của ngôi báu. Vì thế, Hồng Bảo vẫn tiếp tục tập hợp bè đảng và tìm cơ hội để mưu phản. 

Xung quanh vụ Nguyễn Phúc Hồng Bảo mưu phản vua Tự Đức, theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, trong sách Đại Nam thực lục có ghi chi tiết: "Vì thế, Hồng Bảo vẫn tiếp tục tập hợp bè đảng và tìm cơ hội để mưu phản. 

Chuyện này cũng được sách Quốc triều chánh biên toát yếu lược thuật ngắn gọn rằng: “Năm Giáp Dần thứ 7 (1854), Hồng Bảo mưu nghịch tự tử (vì không được lập cho nên mưu nghịch; khi có tội triều đình đổi ra họ Đinh). Con trai, con gái Hồng Bảo và người dự mưu là Tôn Thất Bật đều bị xóa tên trong sổ Tôn thất”.

Sự cố "răng cắn lưỡi" của vua Tự Đức

Tuy nhiên, do cái chết của Hồng Bảo còn quá nhiều mờ ám nên đương thời còn truyền tụng giai thoại về bài thơ "răng cắn lưỡi" của Nguyễn Hàm Ninh được tác giả Trần Đức Anh Sơn kể lại trong cuốn Huế triều Nguyễn - một cái nhìn (Omega và NXB Thế giới ấn hành): “Chuyện kể rằng trong một dịp vua Tự Đức ban yến cho bá quan văn võ, trong lúc đang ăn bỗng dưng nhà vua cắn phải lưỡi của mình. Là một người hay chữ, giỏi ứng biến vua Tự Đức liền bảo với đình thần là ông muốn nhân việc này để mời các quan làm thơ với chủ đề ‘răng cắn lưỡi’. Ai làm thơ hay sẽ được ban thưởng. Dự yến tiệc hôm ấy có một vị quan tên là Nguyễn Hàm Ninh, quê Quảng Bình. Ông xin đọc bài thơ do ông vừa ứng tác, tựa là Xỉ giảo thiệt ( Răng cắn lưỡi): Sinh ngã chi sơ nhữ vị sinh/Nhữ sinh chi hậu ngã vi huynh/Nhất đường cộng hưởng trân cam vị/Hà nhẫn tương thương cốt nhục tình ( Thuở tớ sinh ra chú chưa sinh/Tớ sinh ra trước tớ là anh/Một nhà chung hưởng bao bùi ngọt/Cốt nhục mà sao nỡ dứt tình)".

vua-tu-duc-va-nghi-van-xung-quanh-cai-chet-cua-hoang-tu-hong-bao-1
Vua Tự Đức

Từ bài thơ ứng tác trên, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn đã phân tích như sau: "Bài thơ quả đúng là miêu tả chuyện răng và lưỡi: lưỡi có trước răng, ắt lưỡi phải là anh và răng phải là em. Cùng nằm ở trong miệng, lẽ ra lưỡi và răng cùng nhau hưởng miếng ngọt bùi. Ai dè răng lại cắn lưỡi. Song thực ra Nguyễn Hàm Ninh muốn mượn chuyện ‘răng cắn lưỡi’ để chê trách việc Tự Đức là em đã giành ngôi báu của anh, lại còn hại chết anh trai của mình”.

Vua Tự Đức nghe xong liền khen "thơ của ngươi tuy hay nhưng giọng điệu xúc xiểm. Ta thưởng cho ngươi 5 lạng bạc nhưng cũng phạt ngươi 3 roi. Nói đoạn sai người mang 5 lạng bạc ban thưởng cho Nguyễn Hàm Ninh, rồi nọc ông ra giữa sân đánh 3 roi” (sách đã dẫn của Trần Đức Anh Sơn, trang 593).

Sau khi Hồng Bảo mất thì năm 1866 xảy ra vụ chính biến mà sử sách vẫn gọi là “loạn Chày vôi” do Đoàn Hữu Trưng - con rể của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, liên kết với hữu quân Tôn Thất Cúc  - một người hoàng phái nắm giữ một phần quân đội triều đình lãnh đạo dân binh, đang xây dựng Vạn niên cơ tuyên bố phế truất vua Tự Đức bất thành, từ đây tình cốt nhục của nhà Hồng Bảo - Hồng Nhậm (vua Tự Đức) lại càng thêm… tan nát.

(T/h Wiki, Báo PLVN, Kiến Thức, Thanh Niên)

Xem thêm: Hoàng Thái hậu Từ Dũ: Thọ gần 100 tuổi, sống qua 10 đời vua Nguyễn

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận