Vì trẻ em: Mẹ Phụng của những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ
Nhiều năm qua, "mẹ Phụng: gắn bó, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ, góp phần mang lại hạnh phúc cho những mảnh đời không may mắn và giảm bớt gánh nặng cho xã hội.
Sinh năm 1950, cô gái Trần Minh Phụng (mọi người thường gọi là cô Năm Phụng) tham gia cách mạng khi hơn 10 tuổi, khi cô làm giao liên cho Ban Tuyên huấn, Tỉnh ủy An Giang. Nhờ có năng khiếu văn nghệ mà 2 năm sau, cô về Đoàn Văn công An Giang, phục vụ bộ đội trên chiến trường. Có năm cô còn được “trưng dụng” làm dân công hỏa tuyến vận chuyển vũ khí, thương binh cho các đơn vị. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cô được điều về Ty Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) An Giang, làm Giám đốc Thư viện Thiếu nhi TP Long Xuyên và nghỉ hưu năm 2010.
Vốn đam mê ca hát và là thành viên của Đội văn nghệ Hội CCB TP Long Xuyên, nên tình cảm mà cô Phụng dành cho các em cũng thật tình cờ. Đó là lần cô được Hội CCB thành phố giao nhiệm vụ giúp đỡ, dàn dựng chương trình cho đội văn nghệ Cơ sở giáo dục nội trú - tình thương Khai Trí để dự thi với các trường trên địa bàn. Cô nói: “Ở đó với các em nhiều, rồi thành thân quen, thấy mấy đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, thiếu thốn tình cảm, thương quá, nên sau khi nghỉ hưu, cô xin vào làm ở đây”.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, cơ sở này do ông Trần Văn Sánh, chủ tiệm vàng Khải Hoàn ở TP Long Xuyên ủng hộ số tiền 1,2 tỷ đồng để xây dựng vào năm 2004, trên diện tích 15.000m2. Xuất thân từ gia đình khốn khó, ông Sánh rất thương cảm với những em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ... nên ông đã đầu tư xây dựng cơ sở này. Ở đây thường có từ 80 đến 120 em, được nuôi dưỡng và học đúng theo chương trình tiểu học của ngành giáo dục. Khi đến bậc trung học, Cơ sở Khai Trí sẽ gửi các em đi học ở trường ngoài để có điều kiện học tốt hơn. Sau này, những người con của ông Sánh thấy việc làm ý nghĩa nên đã ủng hộ kinh phí, vận động thêm bạn bè và điều hành hoạt động của cơ sở cho đến nay.
Ở trường, cô Phụng được phân công quản lý hồ sơ, lý lịch, lo cái ăn, cái mặc và duy trì giờ giấc học tập, ngủ nghỉ cho các em. Cô được ví như người “hai trong một” vừa là ba, vừa là mẹ của các em nơi đây. Có hôm, các em bị sốt, cô phải đưa đi khám bệnh, điều trị mấy ngày mới khỏi. Khi quần áo bị rách, cô cũng nhận may vá cho các em. Cô chăm sóc, lo lắng từng cho miếng ăn, giấc ngủ của các em… Cô Phụng cho hay, đa số các em được nhận vào trường đều có hoàn cảnh và số phận đặc biệt, như: Mồ côi, bị bỏ rơi; cha mẹ nghèo phải đi làm ăn xa, hay gia đình không đủ khả năng cho con đến trường…; đều thiếu thốn tình cảm, thiếu sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ và người thân.
Từ khi đảm nhận công việc, ngày nào cô Phụng cũng chạy xe máy đi- về hơn 20km từ gia đình ở khu tập thể ở TP Long Xuyên. Gần đây cô mắc bệnh cao huyết áp nên ở luôn trong trường để tiện chăm sóc các em. Có người bảo với cô rằng, cô nghỉ hưu rồi thì ở nhà trông cháu cho khỏe, chứ vào cơ sở Khai Trí làm gì. Cô cười nói: “Lúc chiến tranh trải qua biết bao gian khó, bom đạn nổ rần rần, có lúc suýt chết mà cũng vượt qua được, bây giờ nuôi dạy mấy đứa trẻ chỉ là “chuyện nhỏ” thôi!”.
Mặc dù đã gắn bó, cùng ăn, cùng ở với các em được hơn 9 năm, hiểu hết tính cách của từng em, nhưng khi tôi hỏi về hoàn cảnh của các em thì cô Phụng không kiềm được cảm xúc, khi nói về những mảnh đời bất hạnh này. Cô kể: “Có trường hợp 2 chị em mồ côi mẹ, ba làm công nhân ở Bình Dương nên gửi vào đây học, cứ ăn cơm chiều xong 2 đứa ra gốc cây ngồi khóc. Thấy cô đến, chưa kịp hỏi, hai chị em đã ôm chầm lấy cô vừa khóc vừa nói: “Con nhớ ba mẹ quá!”. Vậy là cô cũng khóc theo vì thấy tội nghiệp. Cô cũng có con, nên cô hiểu hai chị em cần tình cảm, sự quan tâm của ba mẹ như thế nào”.
Sau những lần trò chuyện với cô, hai chị em dường như đã có “chỗ dựa tinh thần” để phấn đấu học tập. Có em gia đình rất nghèo, ba thì nghiện rượu, không lo làm ăn, mẹ gửi em vào đây học để đi làm thuê, nhưng ba lén đưa em về cho đi bán vé số. Không quản nắng mưa, cô Phụng nhiều lần đến tận nhà động viên cho cháu được trở lại học tập.
Tôi hỏi, điều trăn trở nhất hiện nay của cô là gì, cô Phụng nói rằng, mấy đứa nhỏ bây giờ sống cũng khó khăn rồi, do việc kinh doanh không thuận lợi, nên các mạnh thường quân cũng hỗ trợ ít đi. Cô kể: “Có lúc tụi nhỏ thiếu vật dụng sinh hoạt cá nhân, cô dùng lương hưu và vận động anh chị em đồng nghiệp, bạn bè đóng góp thêm để mua đồ cho các cháu”.
Đi thăm nơi ăn ở, học tập của các em, chúng tôi càng thấy tấm lòng của cô Phụng đối với các em ở cơ sở Khai Trí như người mẹ đối với các con của mình. Nhiều em trìu mến gọi cô Phụng là “mẹ Phụng”, qua đó cho thấy sự giáo dục nghiêm túc cũng như tình cảm của cô Phụng dành cho các em. Điều đó còn được minh chứng trên tấm bảng được treo trước phòng ngủ của các em: “Chúng con xin hứa luôn chăm chỉ học hành, rèn luyện tư cách, trao dồi tâm hồn bằng những đức tính tốt để chúng con có đủ khả năng giúp ích cho chính bản thân, cho gia đình và cho Tổ quốc”.
Bằng tấm lòng bao dung, nhân hậu của mình, cô Phụng tận tình chỉ bảo cho các em cách đối nhân xử thế, đối xử công bằng, không kỳ thị; khen thưởng, xử phạt phân minh. Tranh thủ thời gian, cô Phụng còn trò chuyện, tâm sự riêng với từng em để tìm hiểu cá tính, hoàn cảnh gia đình, từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp. Quan điểm của cô là giáo dục bằng cái “tâm” của mình. Cô kể: “Có những em khi mới về đây rất bướng bỉnh, khó dạy bảo, nhưng được cô chỉ bảo và đã trở thành học sinh chăm ngoan. Cô cố gắng bù đắp tình cảm để các em có cuộc sống tốt hơn. Mỗi khi nhìn thấy các em vui đùa, hồn nhiên, chăm ngoan và chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của các em, là cô đã mãn nguyện. Cô chỉ mong mình có sức khỏe để tiếp tục chăm lo cho các em”.
Cô Phụng cũng bày tỏ trăn trở: “Hiện nay nhiều em không có giấy tờ tùy thân do mồ côi cha mẹ, từ nhỏ đã sống ở đây, nên không thể làm giấy khai sinh, chứng minh nhân dân... sau này rất khó khăn trong học tập cũng như quản lý của địa phương. Tôi rất mong sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền địa phương để các em được hưởng các chế độ chăm lo, ưu đãi nhất định, đồng thời mong được sự ủng hộ ngày càng nhiều của các nhà hảo tâm để các em có cuộc sống ngày một tốt hơn”.
Tấm lòng bao dung, thiện nguyện của CCB Trần Minh Phụng đã giúp cho nhiều mảnh đời không may mắn có tương lai tươi sáng hơn. Việc làm cao cả đó càng được trân quý hơn, khi các em khôn lớn, trưởng thành, trở thành những công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
(Theo Báo Quân đội nhân dân)
Xem thêm: Vì trẻ em: Sống một đời nuôi trẻ mồ côi, người phụ nữ quyết chiến thắng ung thư để về bên các con
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận