Trận đánh làm “thay đổi trật tự thế giới” trên đất Việt, khiến tướng giặc tự sát vì bất lực

Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 là một chiến công vĩ đại của quân đội Việt Nam. Ở trận đánh đó, tướng chỉ huy pháo binh của Pháp là Charles Piroth đã phải tự sát vì bất lực.

Đỗ Thu Nga
12:00 23/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đôi nét về viên sĩ quan gan lì của Pháp

Binh chủng Pháo binh Việt Nam được coi là “sinh sau đẻ muộn” trên thế giới. Thế nhưng trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm, lực lượng này đã có những trận đánh làm kẻ thù khiếp sợ. Điển hình trong số đó là trận khiến tướng Pháp phải tự sát vì bất lực. Người đó là Jean Charles Clement Piroth (14 tháng 8 năm 1906 – 15 tháng 3 năm 1954).

Jean Charles Clement Piroth sinh tại Champlitte, thuộc vùng Haute-Saône, con trai của một người nấu bia, Charles Piroth và Marie - Bogli. Ông kết hôn với bà Odette Marie Maillot tại quê nhà Champlitte vào ngày 30 tháng 8 năm 1926, khi mới 20 tuổi.

Trong Thế chiến thứ hai, Piroth từng tham gia trong Chiến dịch Ý, từng phục vụ với tư cách chỉ huy trong Trung đoàn pháo binh thuộc địa 41. Sau chiến tranh, Piroth sang Việt Nam và tham gia Chiến tranh Đông Dương. Ông sang Việt Nam 3 lần.

Lần đầu tiên, ông sang Việt Nam cùng với đoàn quân của tướng Leclerc vào tháng 10 năm 1945, với cấp bậc Thiếu tá. Dù là sĩ quan pháo binh nhưng ông buộc phải tham chiến với tư cách là sĩ quan bộ binh do nhu cầu chiến đấu trên chiến trường và thiếu các mục tiêu cho pháo binh.

tran-danh-nao-khien-tuong-giac-tu-sat-vi-bat-luc-6
Trung tá Charles Piroth (bên phải) trong hầm chỉ huy tại Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)

Dẫu vậy, Piroth vẫn nổi lên là một sĩ quan dũng cảm, được chứng minh qua các trận giao chiến ở Thủ Dầu Một, một vùng ở phía bắc Sài Gòn. Ngày 17/12/1946, ông bị thương nặng trong 1 cuộc phục kích của quân Việt Minh. Nhưng ông vẫn tiếp tục chỉ huy chiến đấu đến khi kết thúc giao chiến. Ông được đưa đi cấp cứu tại Sài Gòn, và được biết đến với sự gan lì khi phẫu thuật cắt bỏ cánh tay trái mà không cần thuốc tê.

Sau này, Piroth được đưa về Pháp để tịnh dưỡng. Năm 1949 (sau khi bình phúc), ông lại tình nguyện sang Đông Dương lần 2, làm việc tại Bộ tham mưu viễn chinh Pháp. Đến năm 1950, khi tướng de Lattre sang nhận chức Tổng chỉ huy quân viễn chinh kiêm Cao ủy Pháp ở Đông Dương đã thải hồi ông. Ông trở về Pháp và công tác tại sở chỉ huy NATO tại Fontainebleau. Tại đây, ông thường xuyên làm việc với tướng Henri Navarre, Tham mưu trưởng lực lượng NATO tại Trung Âu.

Tháng 7/1953, khi nhận được sự tin tưởng của Navarre sẽ nhận chức Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương, ông tình nguyện sang Đông Dương lần thứ 3. Cuối năm 1953, ông được điều động tham gia Binh đoàn Tác chiến Tây Bắc (Le Groupement Opérationnel du Nord-Ouest - GONO) đồn trú tại Điện Biên Phủ và được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng lực lượng pháo binh tại đây.

Tự sát vì bất lực

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) giữa quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Liên hiệp Pháp (gồm Lực lượng Viễn chinh Pháp, Binh đoàn Lê dương Pháp, phụ lực quân bản xứ và Quân đội Quốc gia Việt Nam).

Khi đó, lực lượng pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ dưới sự chỉ huy của Piroth gồm 4 đại bác 155mm M114, 24 đại bác 105mm M2A1, 8 cối 120mm và 4 đại liên hạng nặng 12,7mm 4 nòng Quad-50 M2. Bên cạnh là số lượng đạn dược hậu cần dự trữ đầy đủ trước khi cuộc bao vây bắt đầu. 

tran-danh-nao-khien-tuong-giac-tu-sat-vi-bat-luc-6
Quân Pháp đồn trú trong cứ điểm Điện Biên

Mặc dù chỉ huy trưởng, Đại tá de Castries và một số sĩ quan khác đã lo ngại rằng hỏa lực pháo binh có thể là không đủ trong trường hợp Việt Minh tấn công nhưng Piroth cho rằng quân Việt Minh chỉ có thể di chuyển một số lượng nhỏ pháo nhẹ cỡ 75mm, xuyên qua rừng rậm dốc đứng đến những ngọn đồi bao quanh thung lũng Điện Biên Phủ. Và như thế, trong trường hợp giao chiến, với những khẩu đại bác được bố trí tốt, Piroth cho rằng "không có khẩu pháo Việt nào kịp bắn hơn 3 viên đạn trước khi nó được định vị và phá hủy".

Viên sĩ quan pháo binh gan lỳ Piroth còn khẳng định với các sĩ quan chỉ huy khẩu đội của mình rằng: "Đừng lo lắng, các chàng trai, họ sẽ phải tiết lộ vị trí của họ khi họ khai hỏa, và 5 phút sau, không còn pháo binh Việt nữa". Ông có niềm tin mãnh liệt rằng lực lượng pháo binh của Pháp dưới tay ông hoàn toàn có thể khống chế được đối phương - vốn trang bị kém hơn, kinh nghiệm nghèo nàn hơn. 

"Thứ nhất, Việt Minh sẽ không thành công trong việc đưa pháo của họ tới đây. Thứ hai, nếu họ đến đây, chúng tôi sẽ đập nát chúng. Thứ ba, ngay cả khi họ có thể tiếp tục bắn, họ sẽ không thể tiếp tế đủ đạn dược để có thể gây hại cho chúng tôi", Piroth khẳng định chắc nịch. 

Trong 4 tháng đầu tiên khi Pháp chiếm đóng thung lũng, sự lạc quan của viên sĩ quan gan lì này có vẻ hợp lý. Song quân đội Việt Nam đã tận dụng được khoảng thời gian yên tĩnh trước trận chiến để tập trung lực lượng pháo binh lớn gồm các pháo 105mm, lên vùng sườn núi cao khống chế cụm cứ điểm đồn trú của Pháp bằng cách kéo pháo dọc theo các lối mòn trong rừng rậm. 

tran-danh-nao-khien-tuong-giac-tu-sat-vi-bat-luc-8
Tướng 1 sao De Castries, chỉ huy lực lượng Pháp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, và các sĩ quan cao cấp người Pháp ra đầu hàng quân đội Việt Nam vào ngày 7/5/1954. Còn Piroth đã tự sát vì bất lực

Trên thực tế được chứng minh sau này, việc triển khai pháo phòng thủ đông hơn của Piroth tỏ ra không đủ để cung cấp hỏa lực hỗ trợ lẫn nhau cho các cứ điểm phòng thủ vốn được bố trí phân tán rộng rãi của Pháp.

Đến rạng sáng ngày 13/3/1954, quân đội Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã mở đầu trận chiến với 3 ngày pháo kích dữ dội xuống các cứ điểm của Pháp. Nhược điểm chí mạng của cụm pháo phòng thủ của địch đã lộ rõ. Nó không thể hỗ trợ đầy đủ cho lực lượng Pháp đang bị bao vây trên hai ngọn đồi xa nhất là Gabrielle (Độc Lập) và Beatrice (Him Lam). Cả cứ điểm này nhanh chóng rơi vào tay Việt Minh.

Lúc này, Piroth mới nhận ra rằng, không có một biện pháp hữu hiệu nào để chống lại những khẩu pháo binh của quân đội Việt Nam được bố trí dọc theo sườn núi phía đông của thung lũng và được ngụy trang hết sức hoàn hảo. Khi bị tổn thương nghiêm trọng về danh dự, viên sĩ quan gan lì này đã rơi vào tình trạng trầm cảm nặng nề.

Đến trưa ngày 15/3/1953 - ngày thứ 3 của trận chiến, sau khi đi vòng quanh trại để xin lỗi các sĩ quan khác, Piroth trở lại hầm trú ẩn của mình và tự sát bằng cách cho nổ một trái lựu đạn trên ngực. Thi thể của ông được chôn cất bí mật trong hầm trú ẩn của mình. Cái chết của ông được che đậy nhiều ngày cho đến khi bị rò rỉ bởi một nguồn tin không chính xác. 

Xem thêm: Nếu không phải chiến thắng Điện Biên Phủ thì đâu mới là trận đánh cuối cùng giữa ta và Pháp?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận