Nếu không phải chiến thắng Điện Biên Phủ thì đâu mới là trận đánh cuối cùng giữa ta và Pháp?

Đắk Pơ được xác định là trận đánh cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây cũng là chiến thắng lớn nhất của quân dân ta trên chiến trường Liên khu 5.

Đỗ Thu Nga
08:00 01/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sau khi thất bại trong trận đông xuân 1953 - 1954, thực dân Pháp quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành 1 tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với lực lượng lên đến 16.200 quân, được bố trí thành một hệ thống phòng thủ chặt chẽ gồm 49 cứ điểm. Cả Pháp và Mỹ đều coi Điện Biên Phủ là pháo đài "bất khả xâm phạm".

Tuy nhiên, với chiến thuật, vây chặt, lấn sâu, tiến công không ngừng, phá hủy công sự địch, triệt viện binh và tiếp tế, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm và cụm cứ điểm, quân và dân Việt Nam đã làm nên một Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Chiến công này không những làm cho kẻ thù khiếp đảm, kinh ngạc, khâm phục mà còn làm rạng danh cho Tổ quốc, làm tăng vị thế và uy tín của Đảng và Chính phủ ta trên trường quốc tế. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc để buộc Pháp phải công nhận chủ quyền của dân tộc ta và rút hết quân đội khỏi Việt Nam.

dau-la-tran-danh-cuoi-cung-giua-viet-nam-va-phap-6
Trung đoàn 96 bộ binh (thiếu) của Quân đội Việt Minh, do Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu chỉ huy

Tuy nhiên, Chiến dịch Điện Biên Phủ không phải là trận đánh cuối cùng giữa ta và Pháp. Theo ghi chép lịch sử, vào tháng 6/1954, do lo ngại nguy cơ bị bao vây như ở Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương đã quyết định nhanh chóng rút bỏ căn cứ An Khê về Pleiku cách đó 80 km. Binh đoàn cơ động 100, gồm 3 tiểu đoàn bộ binh và các đơn vị pháo binh, thiết giáp, công binh, thông tin... được lệnh hành quân bằng cơ giới theo Quốc lộ 19. Việc địch rút binh đoàn cơ động số 100 hòng tăng cường, trấn giữ vùng “yết hầu” lên Tây Nguyên.

Binh đoàn 100 dự kiến sẽ hội quân tại Pleiku với binh đoàn cơ động 42 và đoàn dù số 1 ở cây 22. Binh đoàn 100 của Pháp là đơn vị thiện chiến, đã từng tham gia thế chiến thứ 2, chiến tranh Triều Tiên với nhiều chiến công lừng lẫy. 

dau-la-tran-danh-cuoi-cung-giua-viet-nam-va-phap-0
Sơ đồ trận đánh Đắk Pơ, An Khê

Trung đoàn 96 bộ binh (thiếu) của Quân đội Việt Minh, do Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu chỉ huy, gồm Tiểu đoàn bộ binh 40, Tiểu đoàn bộ binh 79 (thiếu), hai đại đội hoả lực trực thuộc trung đoàn, trang bị 6 cối 81mm, 4 ĐKZ 57mm, 11 SKZ 60 mm và một số súng phóng bom.

Ngày 24/6/1954, Trung đoàn 96 chủ lục thuộc Liên khu 5 đã phối hợp cùng đại đội 78 của Trung đoàn 120 và dân quân du kích địa phương tổ chức trận phục kích trên đường 19. Đến quá trưa cùng ngày, khi bộ phận đi đầu của địch vượt qua cầu Đắk Pơ, Trung đoàn trưởng ra lệnh nổ súng, Cối 82, ĐKZ và các loại súng bộ binh của Đại đội 68, Tiểu đoàn 40 đồng loạt nổ súng vào đoàn xe đi đầu của địch, làm nhiều chiếc bị bốc cháy.

Bị đánh bất ngờ, đội hình của địch rối loạn, binh lính xô đẩy nhau nhảy khỏi xe. Chớp thời cơ, lực lượng xung kích xung phong xuống mặt đường tiến công địch làm bộ phận đi đầu rối loạn, số bị diệt, số bỏ chạy toán loạn.

Trong khi đó, tiểu đoàn 79 tiến công vào đoạn giữa đội hình hành quân của địch. Một số xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải của địch bốc cháy. Quân địch chống trả quyết liệt, nhưng bị rơi vào thế bị động, lúng túng. Nhiều tên địch bị giết, bị thương, bị bắt, trong số đó có chỉ huy trưởng Binh đoàn 100.

dau-la-tran-danh-cuoi-cung-giua-viet-nam-va-phap-9
Binh đoàn cơ động 100 bị tổn thất 85% xe cơ giới, 100% pháo binh, 68% trang bị thông tin; 50% súng trường và súng máy bị tịch thu

Đến 15h30 cùng ngày, toàn bộ lực lượng đi đầu và đi giữa đội hình hành quân của địch mất sức chiến đấu hoàn toàn. Các loại xe của địch, cái bị cháy, cái bị hư hỏng, cái còn nguyên ngổn ngang trên đường. 

Lực lượng địch phía sau dồn lên phản kích, có sự chi viện của pháo binh và không quân. Trung đoàn vừa đánh lại các đợt phản kích của địch vừa tổ chức truy kích, tiêu diệt. Trận đánh tiếp diễn ác liệt, kéo dài suốt chiều, qua đêm và đến trưa 25/6 thì kết thúc. 

Kết quả trận đánh, địch bị chết khoảng 500 tên, bị thương 600 tên và 800 tên bị bắt; số xe các loại bị bắn cháy, hư hỏng và còn nguyên lên tới 375 chiếc. Ta thu 18 pháo 105mm cùng nhiều đạn các loại.

Trận đánh Đắk Pơ diễn ra sau Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng hơn 1 tháng rưỡi, là trận đánh lớn, tiêu biểu nhất trong giai đoạn 75 ngày diễn ra hội nghị quốc tế ở Giơ-ne-vơ bàn về chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương. Đó cũng là một trong những trận đánh tiêu biểu của quân đội ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).

dau-la-tran-danh-cuoi-cung-giua-viet-nam-va-phap
Tấm bia khắc ghi đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Chiến thắng Đắk Pơ hiện đặt tại Đài tưởng niệm Chiến thắng Đắk Pơ (huyện An Khê, tỉnh Gia Lai)

Chiến thắng Đak Pơ là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, là niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân huyện Đak Pơ nói riêng và của tỉnh Gia Lai nói chung. Vì vậy, những năm qua, tỉnh Gia Lai cũng như huyện Đak Pơ luôn quan tâm đầu tư, tôn tạo Di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến thắng Đak Pơ. 

Vào năm 2015, công trình Đền Tưởng niệm và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ đã  được xây dựng nằm trên đỉnh ngọn đồi sát bên Quốc lộ 19. Và cho đến nay, nơi đây đã trở thành điểm đến ý nghĩa cho bất kỳ ai ghé đến Đak Pơ. Sau khi tham quan Đền tưởng niệm và được nghe thuyết minh về chiến thắng Đak Pơ, trong lòng mỗi người  càng thêm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của thế hệ cha anh.

Xem thêm: 67 năm chiến dịch Điện Biên Phủ thành công: Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận