67 năm chiến dịch Điện Biên Phủ thành công: Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu

Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là "cột mốc vàng" trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Chi Nguyễn
07:00 07/05/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Điện Biên Phủ là thung lũng lòng chảo, nằm ở phía Tây vùng núi Tây Bắc, có chiều dài khoảng 20 km, rộng từ 6-9 km. Khu vực này cách Hà Nội khoảng 200 km, cách tỉnh Luang Prabang, Lào khoảng 190 km đường chim bay. Đối với đế quốc Pháp - Mỹ, đây là một địa bàn chiến lược quan trọng, là vị trí chiến lược cơ động giữa các miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và Tây Nam Trung Quốc. 

Tướng H. Navarre cùng các nhà quân sự Pháp - Mỹ năm xưa đã đánh giá: "Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar) và Trung Quốc." Việc chiến dịch Điện Biên Phủ của quân dân Việt Nam thành công vang dội đã đánh một đòn mạnh vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh, thừa nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương.

Những dấu mốc đáng nhớ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

1. 20/11/1953: 

Đây là thời điểm Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ với ý định xây dựng căn cứ quân sự. Mục đích của chúng là ngăn chặn quân chủ lực Việt Nam chiếm đóng Tây Bắc. 

Dưới sự chỉ huy của Gill - sĩ quan dày dạn kinh nghiệm của hàng ngũ Pháp, 6 tiểu đoàn dù cùng 4.500 lính đã tới đàn áp bà con, truy lùng lính Việt Minh. Sau đó, chúng tăng cường thêm 6 tiểu đoàn, hợp thành lực lượng quân đồn trú chính trong trận chiến Điện Biên Phủ.

2. 03/12/1953

Navarre quyết định xây dựng tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương tại Điện Biên Phủ với 49 cứ điểm, được đầu tư viện trợ tối đa về binh lực và hỏa lực.  Người dẫn dắt, chỉ huy đội quân này là Đại tá De Castries.

Quyết định này được đưa ra khi kế hoạch của Navarre đang có chiều hướng thất bại, Pháp cần nhanh chóng đưa ra chiến lược mới nếu không muốn bị Mỹ "hất cẳng" ra khỏi Đông Dương.

3. 06/12/1953

ki-niem-67-nam-chien-dich-dien-bien-phu-toan-thang
Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954 (Ảnh tư liệu TTXVN)

Bộ Chính trị chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông - Xuân 1953 - 1954 với thực dân Pháp, đồng thời cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư kiêm Tổng tư lệnh mặt trận. Ta chuẩn bị tích cực mọi mặt cho một cuộc chiến lâu dài, có ý nghĩa vô cùng quan trọng có thể thay đổi cục diện chiến tranh. Nếu chiến thắng, ta có thể kết thúc sự xâm lược của Pháp sau gần 100 năm.

4. 26/01/1954

Với tư cách là Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyển phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc". Sự thay đổi này đã góp phần dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng.

Quân ta đã thực hiện việc kéo pháp ra, chuẩn bị lại về hậu cần, thay đổi về giờ giấc chiến đấu,... để đảm bảo "chắc thắng" khi tiến công.

5. 31/01/1954

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ di chuyển tới khu rừng Mường Phăng, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên đóng quên. Địa điểm này cách Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 40 km đường bộ, hơn 15 km đường chim bay. Dù vậy, đây vẫn là vị trí thuận lợi để quan sát trận địa địch bằng ống nhòm.

6. 13/03/1954

ki-niem-67-nam-chien-dich-dien-bien-phu-toan-thang
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, ta chính thức mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ta tấn công Trung tâm đề kháng Him Lam - một trong những cụm cứ điểm mạnh nhất của Pháp bằng sức mạnh của lựu pháo 105mm và cao xạ bắn hiệu chỉnh, mở dường cho bộ binh xông pha diệt địch.

Sau đó, ta nhanh chóng chiếm được Him Lam cùng hai cụm cứ điểm khác là Độc Lập và Bản Kéo. Điều này khiến phòng tuyến hai phía Bắc, Đông Bắc của địch thất thủ, còn quân ta có lợi thế tiếp cận gần phân khu trung tâm Mường Thanh.

7. 31/03/1954

Đây là đợt tấn công thứ 2 vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tập trung vào dãy cao điểm phía Đông, khu sân bay Mường Thay và tạo cơ hội tiến vào trung tâm, nơi đặt Sở chỉ huy của De Castries. Ta chiếm được các đồi D1, D2, D3, E1, C1 nhanh chóng, duy chỉ có A1 và C2 - hai cứ điểm quan trọng của thực dân Pháp phải tới những ngày sau cùng mới chiếm được do nỗ lực cứu nguy từ địch.

ki-niem-67-nam-chien-dich-dien-bien-phu-toan-thang
Bộ đội pháo cao xạ trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với quân đội Pháp. Ảnh tư liệu

Quân dân ta đã đào thông hào xung quanh cứ điểm, dần tiến tới gần và siết chặt vòng vây, tiêu diệt quân địch. Không hề nóng vội, ta tạo thời cơ sẵn sàng để tấn công cứ điểm thuận lợi, dễ dàng. Bên cạnh đó, ta cũng tăng cường hoạt động của bộ đội bắt tỉa và pháo cao xạ để tiêu hao sinh lực địch, khống chế sân bay Mường Thanh, chặn tiếp viện bằng máy bay khiến Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày càng suy yếu.

8. 01/05/1954

Đây là thời điểm ta mở đợt tiến quân thứ 3, cũng là đợt tấn công cuối cùng. Quân ta dần tiêu diệt nốt các đồi A1 và C2, tạo cơ hội tiến hành tổng công kích. 

Trong đợt tấn công này, ta đã làm một việc không tưởng khi đào đường hầm ngầm ở đồi A1, từ vị trí của ta tới hầm chỉ huy cứ điểm của Pháp, đặt khối thuốc nổ tiêu diệt lô cốt này. 3 ngày sau, quân địch thả tiểu đoàn dự bị sau cùng xuống Điện Biên Phủ.

9. 06/05/1954

Khối bộc phá 960 kg đặt cuối đường hầm đồi A1 được kích nổ. Do đường hầm đào hơi lệch, nên bộc phá không tiêu diệt được căn hầm ngầm ta mong muốn, nhưng đã phát nổ ở khu lô-cốt, công sự đại đội dù 2, tiêu diệt hầu hết đại đội này. 

Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) tổng tiến công, địch vẫn chống cự quyết liệt. Thế nhưng, quân ta vừa kết hợp đóng chốt chặn cứu viện, vừa tăng viện lên đồi đánh địch, đưa quân thực dân Pháp vào thế gọng kìm.

10. 07/05/1954

ki-niem-67-nam-chien-dich-dien-bien-phu-toan-thang
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Đến rạng sáng ngày 7, quân ta phất cao cờ chiến thắng, từ nhiều hướng tiến thẳng vào hầm chỉ huy địch. Không còn sức kháng cự, De Castries cùng Bộ chỉ huy quân Pháp và các quân lính còn lại ra hàng. Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân dân Việt Nam đã toàn thắng, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Trang sử vàng hào hùng của dân tộc

Sau 56 ngày chiến đấu anh dũng, kiên cường, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của quân đội Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm quân địch. Quân ta tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng địch và khiến chúng phải đầu hàng.

ki-niem-67-nam-chien-dich-dien-bien-phu-toan-thang
Lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ảnh tư liệu

Theo Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam (tập 3), ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh cơ động chiến lược, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 353 sĩ quan từ thiếu uý đến thiếu tá, 16 trung tá và đại tá, 1 thiếu tướng. 

Ta thu được 28 khẩu pháo, 5.915 khẩu súng lớn nhỏ, 3 xe tăng, 64 ô tô, 43 tấn dụng cụ thông tin, 20 tấn thuốc quân y, 40 tấn đồ hộp, 40.000 lít xăng dầu, bắn rơi 62 máy bay các loại. Quân ta hi sinh 4.200 đồng chí, mất tích 792 người và 9.118 người bị thương. 

ki-niem-67-nam-chien-dich-dien-bien-phu-toan-thang
Bộ đội Việt Nam vẫy cờ trên nóc một hầm chỉ huy của quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khép lại 9 năm kháng chiến trường kỳ, anh dũng của nhân dân ta, trở thành một mốc son chói lọi, trang sử vàng hào hùng của dân tộc và thời đại. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève đã được ký kết, Pháp cùng các nước tham gia phải rút quân khỏi Đông Dương, đồng thời công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. 

Theo TTXVN, báo điện tử ĐCSVN

Xúc động những dòng hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày 30/4/1975

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận