Xúc động những dòng hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày 30/4/1975
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: "Thời điểm hạnh phúc nhất trong đời chiến đấu là khi từ mặt trận báo về tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh cho quân đội của ông ngừng bắn".
Trước đây, trong cuốn sách chân dung tình báo Phạm Xuân Ẩn tên Một người Việt trầm lặng (NXB Thế giới, 2017, Nguyễn Văn Sự dịch), nhà báo người Pháp Jean Claude Pomonti từng viết về cảm xúc không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày 30/4/1975. Khi đó, Đại tướng đã chia sẻ, "Thời điểm hạnh phúc nhất trong đời chiến đấu là khi từ mặt trận báo về tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh cho quân đội của ông ngừng bắn".
Sau đó, Đại tướng liền gửi bức điện vào chiến trường nêu ý kiến từ Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về việc "dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí, nhưng không phải với tư cách Tổng thống mà với tư cách một người đã sang hàng ngũ nhân dân". Bức điện được gửi đi, hội nghị liền dừng họp, các đồng chí lãnh đạo khi ấy cùng ào ra ngoài hành lang. Đâu đâu cũng có tiếng cười nói vui vẻ, rộn ràng, rồi nghẹn ngào, xúc động đến trào cả nước mắt.
Những dòng hồi ký trong cuốn "Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng (Phạm Chí Nhân thể hiện, NXB Chính trị Quốc gia) đã thể hiện xúc động cảm xúc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cái ngày trọng đại ấy:
"Mặt trời đã khuất bóng sau rặng cây xà cừ trên đường Hoàng Diệu. Hà Nội đã lên đèn. Còn lại một mình trong phòng làm việc với niềm vui náo nức, mà sao nước mắt tôi cứ trào ra. Giá như còn Bác.
Tư tưởng cách mạng và tư tưởng quân sự của Bác đã mang về thắng lợi trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Câu thơ xuân "đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào" đã vạch đường đi nước bước để có thắng lợi hôm nay.
Tôi lên xe đi một vòng quanh Hà Nội. Cả một rừng cờ hoa dậy lên tự lúc nào. Người đi chật phố, chật đường, vui như trảy hội. Đêm nay, thủ đô đốt pháo hoa mừng toàn thắng. Đêm nay, Hà Nội, cả nước vui với Sài Gòn, vui với miền Nam.
Trở lại cửa tây, tôi vào Sở chỉ huy tiếp tục làm việc. Hình ảnh các anh lãnh đạo, chỉ huy bộ đội ở chiến trường lúc này hiện về rõ nét.
Chắc các anh đã nhiều đêm không ngủ. Chắc các anh cũng hân hoan, xúc động như chúng tôi ở ngoài này. Dưới sự chỉ huy của các anh, quân ta đã "tiến vào Sài Gòn" ca vang câu hát: "Đồng bào ơi, ta đã về đây" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, như ngày nào bộ đội ta từ năm cửa ô tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội, ca vang bài hát của nhạc sĩ Văn Cao.
Trong điện gửi anh Văn Tiến Dũng và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, thay mặt Quân uỷ Trung ương, tôi tuyên dương công trạng các lực lượng vũ trang ta đã cùng đồng bào Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giành thắng lợi vang dội, làm nức lòng quân và dân cả nước và bè bạn 5 châu.
Một khuôn mặt trìu mến, thân quen chợt hiện lên trong tôi: Trung tướng Lê Trọng Tấn, người chỉ huy cánh quân đầu tiên tiến vào Dinh Tổng thống nguỵ quyền.
Tôi viết ngay một bức điện vượt ra ngoài khuôn phép thông thường về quân sự: "18h30. Anh Tấn ơi! Làm ăn tốt quá! Phấn khởi quá! Chúc các anh rất khoẻ và chuyển lời mừng chiến thắng của mình cho các tướng trong đó. Ký tên: Văn".
Sau đó, Đại tướng cũng khẳng định, ngày 30/4 chính là "ngày thắng lợi hoàn toàn của một nước thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc, một thắng lợi thần kỳ".
Theo Zing
Người lính 90 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ chia sẻ bí quyết sống trường thọ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận