Thương người phụ nữ đi bằng "4 chân" nằm viện và nỗi lo con đói, thất học

Cơ thể không lành lặn, chị Kiều vẫn quyết mang bầu, sinh con. Tuy nhiên, khi đối diện với cơn thập tử nhất sinh, chị lại lo sợ. Chị sợ con đói, sợ con thất học, sợ không được gặp con nữa.

Đỗ Thu Nga
10:50 25/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chị Vi Thị Kiều (SN 1986, người dân tộc Thái, trú tại Làng Lự, xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là con út trong gia đình 5 anh chị em. Bốn anh chị sinh trước đều đã có gia đình riêng, duy có chị Kiều vẫn sống cùng cha già trong ngôi nhà tình thương được chính quyền và nhân dân xây dựng cho.

Người thân cho biết, chị Kiều sinh ra đã khuyết tật chân nên không thể vận động bình thường như bao người khác. Càng lớn, chân chị Kiều càng tong teo, cong lại, hai chân không đều nhau, lòng bàn chân hướng lên, chủ yếu di chuyển bằng mu bàn chân. Hàng ngày chị đi lại bằng "4 chân" - đó là 2 tay và 2 chân.

Thuong-nguoi-me-di-bang-4-chan-nam-vien-va-noi-lo-con-doi-that-hoc-8
36 năm qua, chị Kiều di chuyển bằng "4 chân"

"Đã 36 năm rồi, em chấp nhận và phải quen với việc đi lại bằng 4 chân như con dê rồi, nhưng chưa bao giờ thấy lo sợ như lúc này", chị Kiều nói, giọng rất ngậm ngùi.

Thời gian gần đây, chị Kiều phải nằm viện triền miên từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh. Lúc đau đầu, lúc thì mổ u vú, lúc cấp cứu vì chảy máu dạ dày, đau bụng... 

Bà Vi Thị Thanh (SN 1946, mẹ đẻ của chị Kiều) cho biết, đợt này thấy con gái đau nhiều, đau từng cơn, có lúc ngất lịm đi. "Có lần hắn đang rửa bát, tự dưng lăn ra ngất, cắm đầu vô cả mấy nồi nước và mấy cái bát luôn...", bà Thanh nói đặc giọng địa phương, chia sẻ về cô con gái út của mình.

Bác sĩ Khắc Thị Phương - khoa Nội (bệnh viện huyện Như Xuân) cho biết: Kiều là bệnh nhân mà chị tiếp xúc và điều trị nhiều lần về các bệnh lý khác nhau, rất phức tạp, tới mức Bệnh viện phải làm thủ tục để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên".

Thuong-nguoi-me-di-bang-4-chan-nam-vien-va-noi-lo-con-doi-that-hoc-9
Chị Vị Thị Kiều được thầy giáo Vi Văn Ái ở trường Tiểu học Thanh Phong đẩy đi chụp, chiếu, làm xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân

Hiện chị Kiều đang nằm điều trị tại khoa Nội Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng cơ thể suy nhược trầm trọng. Bác sĩ kết luận, bệnh nhân Kiều ngoài bị khuyết tật bẩm sinh, thì hiện tại còn bị viêm gan B.

Mặc dù đang nằm viện điều trị nhưng chị Kiều vẫn không an tâm. Chị lo lắng cho đứa con nhỏ và bố mẹ già ở nhà. "Em không biết là có đi được cùng con không hay chỉ còn được mấy ngày nữa. Em sợ em chết bỏ con bơ vơ thôi ạ", chị Kiều nói xong, nước mắt đã lăn dài trên má.

Ngồi trên xe lăn, chị Kiều nhìn xa xăm, nhớ về quá khứ của mình. Chị trải lòng: "Em biết là thân hình em thế này không ai thèm lấy đâu. Từ bé đến giờ không được đi học, lớn lên không có ai chơi cùng, người ta toàn tránh em thôi. Nhiều người trong làng cũng động viên em là, nên có một đứa con bầu bạn, lúc trái gió trở trời còn có người bên cạnh".

Rồi cũng có người đã đồng tình, chị Kiều mang thai. Nhưng cũng kể từ đó mọi điều được giấu kín, chỉ mình chị biết cha đứa bé là ai. "Từ lúc có bầu đến nay anh ấy không liên lạc gì với em, cũng không hỏi han gì đến hai mẹ con em cả. Em nghĩ, người ta không thương thì cũng đành, em có được đứa con là em thấy may mắn lắm rồi".

Thuong-nguoi-me-di-bang-4-chan-nam-vien-va-noi-lo-con-doi-that-hoc
Bé Nhung chào đời khiến cuộc sống của chị Kiều thay đổi hoàn toàn

Năm 2016, chị Kiều sinh con, đặt tên là Vi Thị Nhung. Chị nói, từ lúc có bé Nhung, chị vui hơn nhiều, bận rộn hơn và cũng khó khăn hơn. 

Trong gia đình cũng có người phản đối việc chị có con. Vì cho rằng, một người khuyết tật bẩm sinh như vậy mà có con vừa gây nguy hiểm, vừa vất vả. "Lúc em có con thì bố mẹ cũng không nói gì, nhưng anh trai thì giận tới mức lấp cả giếng... Nhưng giờ thì con bé lớn rồi, anh cũng đã sang nhà được mấy lần, chắc anh cũng thương em gái và cháu nhưng không nói ra", chị nói.

Hiện nguồn kinh tế trong  gia đình vô cùng ep hẹp. Chị gái lấy chồng xa nhưng chồng bị ung thư qua đời mấy năm nay. Các anh trai đều nghèo. Trong khi đó bố là ông Vi Văn Thành (SN 1946) đã 2 lần bị tai biến, nay tuổi đã cao, mọi sinh hoạt đều khó khăn hơn.

Vì không thể cáng đáng công việc nặng nhọc nên chị Kiều chỉ biết trồng rau, nuôi gà cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, chị có học và may thủ công váy Thái rồi đem bán.

"Từ ngày có con, bố mẹ và làng xóm làm riêng cho mẹ con em cái nhà gác nhỏ ở góc vườn. Em có nhận làm váy Thái cho người ta, một chiếc váy được trả 300 nghìn, nhưng có khi phải 2 tháng em mới làm xong một chiếc do bị đau và phải đi viện nhiều quá", chị Kiều trải lòng khi nói về cuộc sống hiện tại.

Thuong-nguoi-me-di-bang-4-chan-nam-vien-va-noi-lo-con-doi-that-hoc-0
Chị Kiều chỉ mong con gái có cái ăn, cái mặc và được đi học

Trong căn nhà rách của hai mẹ con, thứ đồ giá trị nhất là cái nồi cơm điện. Đối với chị Kiều, chiếc nồi này như một kỷ vật. Chị kể:"Năm trước, có lần em ốm nặng, nằm li bì tới nỗi không nấu được cơm, để con nhịn đói. Rồi sau cũng phải cắn răng, đi vay tiền mua cái nồi cơm điện 800 nghìn. Vì không muốn để con bị nhịn đói lần nào nữa".

Béé Nhung xuất hiện trong cuộc đời này như một món quà đối với chị Kiều. Dù còn quá nhỏ nhưng cô bé rất hiểu chuyện và thương mẹ. Những ngày chị nằm viện, Nhung dù rất nhớ mẹ những không đòi, thi thoảng lại nhờ ông bà ngoại và hàng xóm gọi để nói chuyện với mẹ.

"Lúc nào cũng luôn miệng, mẹ ơi, mẹ cố lên, mẹ đừng bỏ con, mẹ nhanh về với con nhé", chị Kiều lại rơm rớm nước mắt khi nhắc đến con gái nhỏ.

Cuối cuộc trò chuyện, khi được hỏi về ước mơ thì chị Kiều nói: "Đã thiếu thì cái gì cũng muốn ước ạ, nhưng ước mơ lớn nhất của mẹ con em là có căn nhà kiên cố hơn. Ước thì ước vậy thôi, chứ lúc nào em cũng ốm cũng đau thế này... đến sách vở quần áo cho con chuẩn bị vào lớp 1 em còn chưa mua được", nói đoạn, nước mắt Kiều lại rơi, giọng lạc đi, chị đưa tay miết hàng nước mắt đang chảy như thấm vào làn da khô sạm.

Chị chia sẻ dự định, đợt này về, sẽ bán con lợn mà chính quyền hỗ trợ rồi bán cả mấy con gà đi xem có được hòm hòm để trả bớt nợ cho bà con, và tính đến việc mua sách, vở cho bé Nhung đi học.

Nói về hoàn cảnh của chị Kiều, ông Vi Văn Sen - trưởng thôn Làng Lự cho biết: "Chị Kiều có 3 anh trai, 1 chị gái và đặc điểm chung là gia đình họ đều khó khăn. Bố thì bị tai biến liệt nửa người, còn mẹ thì già yếu. Hiện tại chị Kiều và con gái đang sống rất khó khăn trong căn nhà gác làm bằng tre nứa và lợp tranh. Bản thân chị Kiều đang phải nằm viện, nên phải gửi con gái cho hàng xóm".

Mọi sự giúp đỡ mẹ con chị Kiều xin gửi về:

Chị Vi Thị Kiều, Làng Lự, xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Số tài khoản: 3520205173457. Agribank chi nhánh Như Xuân, Thanh Hóa.

Chủ tài khoản: Vi Thị Kiều.

Số điện thoại: 0833604345 (chị Kiều)

Xin chân thành cám ơn!

Xem thêm: Ung thư phần mềm di căn phổi ghì bước nam sinh học giỏi vào đại học

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận