Tấm lòng nhân ái của ông chủ xưởng gỗ nội thất dành cho chàng trai câm điếc
Mặc dù không có ý định tuyển thêm nhân viên nhưng khi biết Huỳnh Chí Tâm (25 tuổi, quê Vĩnh Long) đã thất nghiệp 3 tháng, anh Nghĩa đã lập tức gật đầu nhận chàng trai bị câm điếc vào làm việc.
Gần trưa, bên trong xưởng gia công gỗ nội thất của vợ chồng anh Võ Văn Nghĩa (40 tuổi, ở xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh) nhân viên tất bật đóng gói sản phẩm. Chí Tâm xem bản thiết kế trên điện thoại để ráp tủ, chuẩn bị đi giao. Thấy Tâm loay hoay có vẻ chưa hiểu điều gì đó, anh Nghĩa lại gần trao đổi bằng ngôn ngữ ký hiệu. Nhận Tâm vào làm, anh Nghĩa cũng trau dồi thêm vốn ngôn ngữ ký hiệu để làm việc với chàng trai câm điếc.
"Tìm việc 3 tháng nhưng không ai nhận"
Một ngày gần 2 tháng trước, anh Nghĩa nhận được "tin nhắn không đầu không đuôi" với nội dung: "Có làm không?".
Nghĩ là khách nhắn hỏi để đặt hàng, anh Nghĩa trả lời: "Có làm chứ". Đầu dây bên kia nhắn lại: "Ok, vậy mai qua làm".
"Tôi nghĩ hoài vẫn không ra ý của người ta muốn gì, đoán rằng có thể họ muốn mai sang xưởng để đặt hàng nên đồng ý. Không ngờ hôm sau Tâm đến và giải thích rằng hôm trước nhắn cho tôi để xin việc làm", anh Nghĩa nhớ lại.
Anh Nghĩa không biết ngôn ngữ ký hiệu, Tâm thì câm điếc bẩm sinh nên 2 người chỉ có thể trao đổi bằng cách nhắn tin qua điện thoại.
Ông chủ xưởng gỗ giải thích để Tâm hiểu về sự hiểu nhầm và cho biết hiện tại đủ người, không có nhu cầu tuyển thêm. Chưa kể, hiện tại đơn hàng không nhiều như mọi năm.
Tâm cố gắng thuyết phục bằng cách cho biết mình từng làm nghề mộc, có kinh nghiệm điều khiển máy CNC… nhưng anh Nghĩa vẫn từ chối. Thấy vậy, chàng trai thú nhận rằng đã đi xin việc 3 tháng nay nhưng không nơi nào nhận nên tha thiết được làm việc.
Khoảnh khắc đó, anh Nghĩa chẳng kịp tính toán gì thêm ngoài việc gật đầu cái rụp, đồng ý để Tâm làm việc. Vì máy CNC đã có người đảm trách nên Tâm hỗ trợ đóng gói, giao hàng và lắp ráp sản phẩm ở công trình.
Chia sẻ về cảm nhận sau gần 2 tháng có công việc ổn định ở xưởng gỗ. Tâm khum người, áp 2 bàn tay vào ngực ra ký hiệu bày tỏ sự biết ơn đến anh Nghĩa. Chàng trai còn cho biết nhờ có việc làm mà mình có tiền trang trải cuộc sống, mua thức ăn và không bị đói như thời gian thất nghiệp.
Chị Đinh Kiều Lệ Dung (39 tuổi) - vợ anh Nghĩa chia sẻ rằng rất ủng hộ việc làm của chồng. Là người quản lý thu chi ở xưởng, chị Dung cho biết cũng có những tháng khi đơn hàng không nhiều, để duy trì công việc, thu nhập cho nhân viên cũng khiến vợ chồng chị đau đầu. Tuy nhiên, vợ chồng chị không hề đắn đo khi trao cho Tâm cơ hội việc làm.
Chị Dung cảm nhận Tâm là chàng trai nhanh nhẹn, có sức khoẻ tốt, rất nhiệt tình trong công việc. Cách nhắn tin, diễn đạt của Tâm còn nhiều thiếu sót nên có đôi lần chị Dung không hiểu, phải hỏi lại nhiều lần. "Tuy nhiên, tôi không nghĩ làm việc với người câm điếc thì phải kiên nhẫn hay mất thời gian hơn người bình thường. Muốn truyền tải cho ai đó hiểu ý của mình thì đều cần có sự để tâm", chị Dung nói.
Ông chủ "lời to"
Làm việc được ít hôm, Tâm giới thiệu thêm một người bạn đồng cảnh ngộ tên Bùi Hồng Khanh (23 tuổi, quê Bến Tre) đến xưởng xin việc. Tuy nhiên, anh Nghĩa từ chối vì thật sự xưởng hiện tại không có nhiều đơn hàng.
Sau đó, Tâm nhắn tin xin chị Dung nghỉ phép 1 hôm để chở Khanh đi tìm việc làm. Thương hoàn cảnh của Khanh và tình cảm của Tâm dành cho bạn, nên một lần nữa vợ chồng anh Nghĩa mở lòng.
"Giờ 2 đứa cứ như đôi bạn cùng tiến, hằng ngày chở nhau đi làm, đi ăn cơm chung… Ai cũng có việc làm nên thấy phấn khởi lắm", anh Nghĩa nói và cho biết, Khanh chưa thạo nghề nên hiện tại phụ mọi người làm những việc vặt trong xưởng như lau dọn, đánh bóng, bưng bê…
Anh Nghĩa tâm sự, anh không xem Tâm là người khiếm khuyết. Anh nghĩ, Tâm không nói, không nghe được cũng giống bản thân anh không thể dùng ngôn ngữ ký hiệu giỏi như cậu ấy. Vì thế, để làm việc hiệu quả hơn, anh Nghĩa học Tâm cách dùng ngôn ngữ ký hiệu. Để ý Tâm mô tả cái khoan, cánh cửa… bằng ký hiệu như thế nào, anh Nghĩa học theo rồi dần dần có thể diễn đạt để Tâm hiểu.
Ông chủ nhận xét, Tâm là nhân viên có trách nhiệm trong công việc. Có lần, khi anh ra hiệu Tâm lấy cánh cửa hôm trước cắt sai để hướng dẫn lại cách làm. Trước khi chạy đi tìm cánh cửa, chàng trai lấy tay đập vào ngực mình tỏ ý nhận lỗi.
"Cánh cửa đó là do em làm sai chứ không phải người khác", anh Nghĩa hiểu ý Tâm và giải thích.
Từ trước đến nay, trong xưởng mộc thường ồn ào nên trao đổi công việc phải nói lớn, mất nhiều năng lượng. Những người thợ nhiều lúc phải ra ký hiệu để phối hợp làm việc với nhau. Giờ làm việc với Tâm, anh lại thấy khá nhẹ nhàng vì không cần nói nhiều mà chỉ cần ra ký hiệu từ khoá.
"Như vậy chẳng phải tôi 'được lời to' hay sao? Tất nhiên không phải lúc nào 2 người cũng hiểu hết ý của nhau, nhưng phải trải nghiệm thì mới có kinh nghiệm được", anh Nghĩa vui vẻ nói.
Chia sẻ câu chuyện về nhân viên đặc biệt lên trang cá nhân trên mạng xã hội, anh Nghĩa nhận được hàng chục lời hỏi xin việc từ người câm điếc xa lạ. Tuy nhiên, trong khả năng của mình, anh không thể tuyển thêm ai vào lúc này. Nhưng may mắn, một số người bạn thấy anh làm điều ý nghĩa, đã ngỏ lời đề nghị anh giới thiệu cho họ vài người câm điếc đến làm việc.
(Theo Thanh Niên)
Xem thêm: Tấm lòng nhân ái: Thầy tổng phụ trách hết lòng vì cộng đồng, nhận giải Tình nguyện quốc gia 2023
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận