Triệu phú đầu tư O’Leary và cách giáo dục "ngược" tạo nên những đứa trẻ ưu tú

"Bạn đang hại một đứa trẻ khi để cho chúng sống trong giàu sang, vô lo vô nghĩ mà không có chút ý thức nào về thực tế hay nguy cơ thực tế ngoài xã hội", O’Leary nói.

Đỗ Thu Nga
15:00 04/11/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Kevin O'Leary là một doanh nhân người Canada, Chủ tịch của O'Shares ETFs và từng là "cá mập" nổi tiếng góp mặt trong chương trình Shark Tank của Mỹ. Ông là một trong những người nổi tiếng gây chú ý trong những tháng gần đây khi tiết lộ rằng không có ý định để lại khối tài sản kếch xù cho con cái của mình.

Thay vào đó, ông sử dụng sự giàu có của mình để tạo niềm tin trong việc chăm sóc gia đình nhưng chỉ ở một mức độ nhất định.

"Tôi đã ngồi lại với những người lập kế hoạch di sản và xây dựng một quỹ tín thác bỏ qua thế hệ (generational skipping trust), nội dung là sẽ chỉ chu cấp cho các con tôi từ khi chúng sinh ra cho đến ngày cuối cùng tại trường đại học và sau đó chúng sẽ không nhận được bất cứ điều gì nữa", O'Leary nói.

Tuy nhiên, quan điểm của ông khi dạy con về tiền bạc lại rất khác biệt, trái ngược với xu hướng của nhiều người.

Giáo dục con cái về tiền bạc từ sớm

Một trong những lĩnh vực quan trọng của việc nuôi dạy con cái thường bị bỏ quên là hiểu biết về tài chính, cũng như cách tiết kiệm và đầu tư khi còn trẻ. Theo thống kê, chỉ có 16,4% học sinh trung học Mỹ phải tham gia khoá học về tài chính cá nhân. Chỉ khoảng 30% thanh thiếu niên coi cha mẹ là hình mẫu lý tưởng về tài chính.

"Việc thảo luận về tiền và cách tiền được tạo ra thực sự rất quan trọng. Khái niệm tiết kiệm tiền và cách thế giới vận hành là điều mà ngay cả một đứa trẻ cũng có thể nắm bắt được ngay từ khi còn nhỏ", triệu phú Kevin O'Leary chia sẻ với CNBC Make It.

Cha mẹ không cần đi sâu vào vấn đề tài chính cá nhân với con cái. Nhưng chí ít họ nên giải thích tiền là gì và vì sao phải làm việc để có tiền.

Theo triệu phú sinh năm 1954, mục tiêu của việc giáo dục tài chính là giúp trẻ có mối liên hệ tích cực với tiền bạc, hiểu tiền có thể hữu ích như thế nào đối với chúng khi chúng trưởng thành và muốn lập gia đình. Bằng cách này, "cha mẹ đang dành cho con những đặc ân lớn nhất chưa từng có trong cuộc đời", triệu phú Kevin O'Leary lưu ý.

Tất nhiên, trẻ có thể khó nắm bắt một số khái niệm nhất định, chẳng hạn đầu tư tiền vào cổ phiếu hoặc tính lãi trên số dư thẻ tín dụng. Nhưng có một số khía cạnh tài chính mà cha mẹ có thể chia sẻ với con nhỏ, chẳng hạn khoản tiết kiệm, sự khác biệt giữa 10 triệu và 20 triệu là gì.

Theo Kevin O'Leary, cha mẹ không nên chờ đợi con lớn rồi mới nói chuyện tiền bạc hay mong rằng giáo viên sẽ giáo dục cho con mình những thông tin cần thiết để thành công. "Với tư cách là cha mẹ, trách nhiệm giáo dục này nằm trên vai họ và họ phải dạy con mình".

oleary-va-cach-giao-duc-nguoc-tao-nen-nhung-dua-tre-uu-tu-9
Triệu phú đầu tư O’Leary

Bạn đang hại một đứa trẻ khi bạn để cho chúng sống sung mặc sướng

Trong một bài phỏng vấn vào năm 2013, khi được hỏi về việc đã dạy con cái những gì về tiền bạc, O'Leary đã chia sẻ:

"Tôi không có ý định cho các con mình thừa hưởng bất kỳ tài sản nào của mình. Chúng luôn ý thức được rằng khi việc học hành của chúng kết thúc, tôi sẽ đẩy chúng ra khỏi tổ. Con chim mà bạn nhìn thấy nó chết trong tổ là con chim không nghĩ đến tương lai rằng một lúc nào đó, cha mẹ sẽ ngừng cho nó ăn. Nghe hơi trần trụi nhưng đó là sự thật. Bạn cần trang bị đầy đủ cho con cái của mình để chúng có thể bắt đầu cuộc sống của riêng chúng một cách độc lập. Tôi luôn nói với các bậc cha mẹ giàu có rằng nếu họ không đuổi con mình ra khỏi nhà và đặt chúng dưới áp lực của thế giới thực, chúng sẽ rất khó để thoát ra khỏi vùng an toàn, và sẽ trở thành những người lớn không thành công".

Khi được hỏi rằng điều đó có nghĩa là ông sẽ không mua cho con cái một ngôi nhà với tiền của mình, O'Leary chia sẻ: "Nếu bạn không bắt đầu cuộc sống của mình với nỗi sợ hãi không thể nuôi sống bản thân và gia đình, vậy thì động lực nào khiến bạn đi kiếm việc làm? Tôi không muốn con mình kém hơn mình. Nỗi sợ hãi đã thúc đẩy tôi, và nó cũng sẽ thúc đẩy chúng. Không có gì sai với điều đó, đó là cách mọi người làm và nó cực kỳ lành mạnh".

"Không có bữa trưa nào là miễn phí cả", O'Leary nói. Bạn đang hại một đứa trẻ khi bạn để cho chúng sống sung mặc sướng, vô lo vô nghĩ mà không có chút ý thức nào về thực tế hay nguy cơ thực tế ngoài xã hội.

O'Leary cho biết ông đã học được giá trị của sự chăm chỉ từ mẹ của mình, người đã nói với ông rằng bà sẽ không hỗ trợ ông về mặt tài chính nữa khi ông tốt nghiệp đại học.

"Bà ấy ghét sự nuông chiều. Bà ấy nghĩ nếu bạn nuông chiều để bọn trẻ không phải làm việc, chúng sẽ tự nhiên không muốn làm việc. Và tôi nghĩ mẹ tôi đúng. Ngày nay, không thiếu những đứa trẻ nhà giàu, hư hỏng, không quan tâm đến việc theo đuổi sự nghiệp và cũng chẳng có lý do gì để làm như vậy bởi vì cuộc sống của chúng hoàn toàn không còn rủi ro nào nhờ ba mẹ mình".

Khi được hỏi về việc cha mẹ nên làm gì khi con họ bắt đầu than vãn về việc cần sở hữu những món đồ mới nhất, O'Leary nói: "Nếu bạn liên tục nhượng bộ khi chúng than vãn và khóc lóc, bạn đang hủy hoại chúng khi chúng trưởng thành. Thật khó khăn khi thấy con cái khó chịu hay buồn bã nhưng bạn phải cứng rắn. Đó là một phần của kỷ luật mà bạn đang rèn luyện cho chúng. Đó là một vấn đề quan trọng."

Hãy dạy con làm thế nào để kiếm tiền trong lúc đang ngủ

"Không bao giờ là quá trẻ để bạn có thể học về tiền bạc" - theo Kevin O'Leary, nhà đầu tư của chương trình "Thương vụ bạc tỷ" (Shark Tank) của ABC và tác giả nhiều bài viết về tài chính cá nhân.

Cụ thể, có một bài học mà mọi trẻ em nên học càng sớm càng tốt, O'Leary chia sẻ trên chuyên mục CNBC Make It rằng: Hãy dạy cho chúng về sức mạnh của lãi suất kép, hoặc làm thế nào để kiếm tiền trong lúc đang ngủ.

Ông nói đó là điều mà ông đã dạy cho hai đứa con, Trevor and Savannah khi chúng chỉ mới 5 hay 6 tuổi.

O'Leary chia sẻ trên CNBC Make It rằng: "Tôi đã nói với những đứa nhỏ 'Này, các con sẽ nhận được lì xì từ bạn bè, từ ông bà và vào dịp sinh nhật, vậy các con nghĩ sao về việc tiết kiệm? Các con nghĩ thế nào về việc sẽ cất chúng qua một bên vì nếu các con đem đi đầu tư thì chúng sẽ tiếp tục sinh sôi khi con đang ngủ?'".

Thật vậy, nhờ sức mạnh của lãi suất kép, khi bạn đầu tư tiền vào một nơi kiểu như quỹ đầu tư chỉ số, bạn sẽ nhận được tiền lời mỗi năm từ số tiền đó, khi những cổ phiếu trong quỹ tăng giá trị.

Sau đó, năm tiếp theo, số tiền mà bạn kiếm được sẽ cộng dồn, nghĩa là bạn sẽ nhận được tiền lời trên cả số tiền đầu tư ban đầu và trên cả tiền lời cộng thêm từ năm trước.

Chẳng hạn, nếu như bạn đầu tư 1,000 USD vào một quỹ đầu tư chỉ số, và nhận được lãi suất hàng năm 10%, bạn sẽ có được 1,100 USD trong năm đầu tiên. Trong năm sau, lãi suất 10% sẽ nâng số tiền đầu tư của bạn thành 1,210 USD.

Để dạy con về lãi suất kép, O'Leary đã mua một con heo bỏ ống thủy tinh (để chúng có thể thấy được bên trong có bao nhiêu) và cho vào một vài đồng xu mỗi đêm khi chúng đã đi ngủ.

O'Leary giải thích: "Ý tưởng là mỗi khi chúng thức dậy sẽ thấy bên trong đã có nhiều hơn". "Điều đó để giúp cho chúng hiểu được khái niệm lãi suất kép".

Mấu chốt ở đây chính là cho thấy việc bạn trích ra một số tiền và đem đi đầu tư sinh lãi thì có thể mang lại những lợi ích dài hạn - hơn là chỉ thấy những lợi ích ngắn hạn của việc tiết kiệm.

O'Leary nói rằng: "Chúng đã hiểu được điều này từ sớm và bây giờ chúng đều là những nhà đầu tư khá tốt". "Chúng hiểu được ý nghĩa của việc tiền đẻ ra tiền. Và khi bạn tiêu tiền thì chính là đang giết chết số tiền đó".

Xem thêm: Tỷ phú Rockefeller dạy con: Cuộc đời giống như cuộc chiến lớn, muốn thắng thì phải hành động!

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận