Người phụ nữ gạt nghèo khổ miệt mài gùi măng nuôi 3 đứa con tật nguyền của "người dưng"
Người ta nói, chẳng ai đang yên lại "đâm đầu" lấy người đàn ông nghèo có 3 đứa con tật nguyền. Ấy vậy mà, bà Dắng cứ như con thiêu thân lao vào, một mình lầm lũi gùi măng, nuôi con "người dưng".
Lấy vì thương bố còm cõi nuôi 3 con tật nguyền
Chiến tranh kết thúc, ông Lường Văn Săng từ chiến trường Trung bộ trở về huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) xây dựng gia đình. Do hưởng hưởng của chiến tranh nên 3 đứa con ông sinh ra đề bị nhiễm chết độc da cam. Những đứa con tội nghiệp đó là: Lường Văn Hú (sinh năm 1982), Lường Văn Hoàn (sinh năm 1987), Lường Thị Hoan (sinh năm 1989).
Gia đình ông Săng lúc nào cũng yên ắng nhất thôn vì lũ trẻ chẳng khóc cũng chẳng cười, cứ đặt đâu thì nằm đấy, họa hoằn lắm thì chúng tự lết từ góc này ra góc kia. Người trong bản Than (xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc) nhìn những đứa con không biết khóc cũng chẳng biết cười của ông Săng lại đồn nhau: "Nhà cái ông Săng bị ma ám".
Ông Săng và vợ thay nhau vừa làm ruộng vừa trông con. Cuộc sống đã khó khăn rồi giờ con cái sinh ra đều bị tật như thế thì càng khổ cực hơn. Đói nghèo triền miên, chưa được ăn bữa nay đã phải lo đến nữa mai.
Có lần Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh xuống muốn đưa 3 đứa trẻ về theo chính sách dành cho nạn nhân chất độc màu da cam, ông Săng đã ngậm ngùi đồng ý nhưng người vợ dứt khoát: "Chúng nó ra sao cũng là con mình đẻ ra. Xa xôi thế, tiền thì không có để đi thăm, thương nhớ chúng nó làm sao mà sống được. Thôi thì ở nhà sướng khổ bố mẹ con cái có nhau...".
Thế nhưng căn bệnh xơ gan cổ trướng đã mang người mẹ nghèo khổ thương con đi mất. Ông Săng và 3 đứa con bơ vơ trên cõi đời này. Một mình ông vừa làm nương, vừa trông con.
Không chỉ có ông Săng khổ mà bà Dắng (người xã Trung Thành) cũng khổ chẳng kém. Bà từng lập gia đình, cố gắng làm lụng để nuôi 2 đứa con gái. Ấy vậy mà số khổ, lấy phải người chồng rượu chè. Cứ rượu vào là hắn chửi, đuổi mấy mẹ con đi.
“Nó bị tâm thần mà. Nhà cửa, nó cũng không làm cho con cái ở đâu. Rượu vào, mười hai giờ đêm nó gọi dậy chửi. Nửa đêm, mẹ con tôi phải dọn cái chái nhà chỗ mấy con chó nằm ổ rồi ôm nhau ngủ…” - bà Dắng kể.
Không thể chịu nổi cảnh sống như vậy, bà Dắng ôm con về nhà ngoại ở. Ngày ngày bà cắt rừng từ Trung Thành sang Tân Pheo hái măng rừng. Hết mùa măng bà lại đi hái chít, chặt nứa. Đôi chân người phụ nữ số khổ này đã đi nhắn đường rừng Tân Pheo, nhưng điều níu giữ bà ở đây chính là nếp nhà xiêu vẹo, ọp ẹp, rách nát ở bản Than.
Sáng nào bà Dắng đi hái măng cũng thấy ông Săng lúi húi nhóm lửa nấu cơm, bón cho 3 đứa con ngây dại ăn. Xong việc lại giặt giữ, xách nước. Đến tận trưa mới thấy ông Săng xách dao đi lấy củi, chiều về lại còng lưng bổ củi, nấu cơm cho con cái.
Nhìn cảnh ông Săng chăm con, bà Dắng thầm nghĩ "mình vẫn còn sướng hơn 'nó' nhiều". "Nó gày lắm, chỉ còn hai ba hốc mắt thôi. Những ngày nó ốm, thấy nó vẫn phải bò dậy nấu cơm, bón cho con ăn rồi làm lụng. Lắm hôm đi qua, thấy “nó” khóc, mình thương. Thương bố, thương cả con nữa vì thiếu mẹ, chúng nó khổ lắm”.
14 năm gùi măng nuôi con "người dưng"
Thương người đàn ông vất vả một mình gánh 3 đứa con tật nguyền, 14 năm trước, bà Dắng quyết định dọn về "góp gạo thổi cơm chung" với ông Săng. Ngày bà lấy ông Săng cả bản Than ai nấy đều mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên.
Người trong bản ai mà không biết về gia cảnh của ông Săng Lấy ông Săng chỉ có khổ chứ làm gì có chuyện sung sướng. Nhà ông Săng nghèo đến độ không lo nổi bữa cơm để cảm ơn bà con hàng xóm, những người đã có công, góp của giúp bố con ông dựng cái nhà che nắng che mưa. Thậm chí đến nồi niêu xoong chảo, bát đũa, quần áo trong nhà cũng là do người trong xã, trong bản giúp đỡ.
Thế mà không hiểu sức mạnh gì đã khiến bà Dắng dắt con gái 8 tuổi về sống với những mảnh đời khổ cực ấy. Không xin cưới, không có mâm cơm gọi là, hai người chỉ dọn về ở cùng nhau. Mười mấy năm qua, kỷ niệm duy nhất họ có với nhau là bức ảnh chụp chung đã mộc và bạc màu.
Từ ngày dọn về ở với ông Săng, sáng nào bà Dắng cũng dậy sớm nấu cơm, ăn cùng chồng con rồi mới đi rừng hái măng. Khi bà đeo gùi đi hái măng cũng là lúc ông Săng đi lấy nước, rồi đi nhặt củi.
Đến thời điểm hiện tại, sau mười mấy năm chung sống, cô con gái của bà Dắng đã đi lấy chồng. Đứa con trai thứ của ông Săng đã qua đời. Giờ bốn miệng ăn trong nhà và mọi chi phí sinh hoạt đều trông vào gùi măng của bà Dắng.
Ngôi nhà do "Quỹ vì người nghèo" trao tặng năm nào giờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Trời mưa gió là tốc mái. Nhà bà Dắng giờ đúng kiểu vá chằng vá đụp vì tiền không có và người cũng không có để đi rừng hái lá cọ, chặt cây về sửa lại.
Ở cái tuổi 60, sức đã yếu, chân đã chậm nhưng ngày nào bà Dắng cũng đi hái măng. Nếu không hái măng sẽ không có gì để bán, không có gì để bán tức là không có tiền. Và đương nhiên, ngày hôm đó cả nhà sẽ đói.
Bốn người phụ nữ đi gùi măng thì bà Dằng đi cuối cùng, vì sức bà đã yếu hơn không đi nhanh được nữa. Cái gùi măng của bà cân tất cả được 19kg, bán được 54.000 đồng, trả nợ 3.000 bó rau muống ông Săng mua lúc trưa, trả nợ tiền mua cá mắm, mua muối của mấy ngày mưa chỉ ngồi nhà ăn không. Rồi lại mua thêm 12.000 cá khô để dành hôm sau, thế là hết sạch tiền bán măng.
Mua bán xong, bà Dắng lại vội vội vàng vàng trở về nhà phụ chồng cơm nước, đút cho 2 người con tật nguyền ăn. Giờ ông Săng cũng già rồi, việc chăm sóc hai đứa con tật nguyền mỗi ngày cũng đủ khiến ông bở hơi tai. May sao, có bà Dắng đỡ đần, dù già cả nhưng sớm tối có nhau, thế cũng được an ủi phần nào.
Cho đến giờ người dân trong bản đã thấu hiểu tại sao bà Dắng chấp nhận lấy ông Săng, chấp nhận gùi măng suốt mười mấy năm trời để nuôi con "người dưng".
Xem thêm: Hành trình gần 20 năm rong ruổi gom rác, cứu người của vị "chủ tịch rác" Tống Văn Thơm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận