Hành trình gần 20 năm rong ruổi gom rác, cứu người của vị "chủ tịch rác" Tống Văn Thơm
Dù đã hơn 70 tuổi, "chủ tịch rác" Tống Văn Thơm vẫn ngày ngày đi khắp nẻo đường thu gom rác, đứng trực ở các giao lộ hay xảy ra tai nạn để sẵn sàng cứu người khi cần.
Ngày qua ngày, ở Sài Gòn có một vị "chủ tịch rác" cứ miệt mài đi khắp các nẻo đường, góc phố trên con xe tự chế của mình để thu gom rác. Hết bận rộn với rác, ông lại dành thời gian đứng trực ở các giao lộ đông người, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông để sẵn sàng ứng cứu. Đó là chuyện của ông Tống Văn Thơm (72 tuổi, quận 12, TP.HCM), đã nhiều năm nay cần mẫn rong ruổi khắp phố phường để giúp người, giúp đời.
Thu gom rác về tái chế
Như thường lệ, mỗi buổi sáng của ông Thơm bắt đầu từ việc lên xe cùng các anh em ở Nghiệp đoàn Vệ sinh dân lập quận 5 đi khắp các ngóc ngách thu gom rác thải. Ông kể rằng, khi xưa Nhà nước chưa hay thực hiện thu gom rác cho người dân như bây giờ, do đó thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, ứ đọng rác sinh hoạt. Thấy khu chợ Hòa Bình (quận 5) thành một đống rác to bốc mùi, ông Thơm tiên phong cùng bà con đi thu dọn rác.
Khi ấy, công việc thu gom, vận chuyển rác của ông chỉ được trả lương bằng những đồng xu lẻ. Nhiều người thấy ông được việc, cũng nhờ vả nhiều nhưng ông làm không xuể. Ông kể: "Lúc xưa các vùng quê mới giải phóng, người dân không có việc làm, đời sống khó khăn, nên tôi tìm về huy động họ tham gia đường rác (đội thu gom rác - PV) với mình. Giờ nhiều người là anh em, con cháu của họ cũng đang làm việc cùng tôi".
Đến năm 2003, nhờ tổ chức phi chính phủ Enda Việt Nam hỗ trợ, Nghiệp đoàn Vệ sinh dân lập quận 5 được thành lập, với chủ tịch nghiệp đoàn là ông Thơm. Từ ấy, ông Thơm điều phối và quản lý hàng trăm anh em làm việc ở 15 phường tại quận, và người ta yêu mến gọi ông là "chủ tịch rác thải". Hiện tại, công việc này đem lại mức lương 5 triệu đồng/tháng cho ông và mỗi người, tuy không quá dư dả nhưng vừa đủ sống.
Nhờ đặc thù công việc của mình, ông Thơm đã thu nhặt được vô số đồ cũ bị người ta vứt đi. Ông quan niệm "cũ người mới ta", ông đem về nhà những món đồ còn khá lành lặn, tự tay sửa sang, lên đời cho chúng. Dù chỉ được học đến lớp 3, nhưng ông Thơm chẳng hề ngại ngần mà rất ham học hỏi, mày mò sáng tạo. Những món đồ cũ mèm, hỏng hóc được ông "tân trang" lại với công dụng mới, trở thành món quà để ủng hộ người khác trong các chuyến từ thiện. Thậm chí, một số còn được đem đi trưng bày ở các triển lãm về môi trường tại TPHCM để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
Nhìn những món đồ tái chế do ông Thơm làm ra, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước sức sáng tạo quá đỗi mãnh liệt. Ông Thơm vui vẻ nói, hơn 30 năm qua, ông đã tích cóp được một bộ sưu tập đồ tái chế đồ sộ với khoảng hơn 5.000 món. Sau khi dành cả ngày vất vả trên đường, ông Thơm lại vui vẻ về nhà, thỏa sức mày mò, chế tạo những món đồ mới toanh từ rác thải.
Ông kể: "Dù có hàng ngàn món đồ xếp chật nhà, tôi cũng chỉ bán cho những người biết tôn trọng nó, chứ không bán cho những người mua đi bán lại. Mỗi một món đồ làm ra đều là công sức, là ý tưởng, không hề đơn giản". Lúc rảnh, ông lại tham gia dạy làm đồ tái chế cho các em học sinh tại quận 9, hi vọng có thể nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Thỉnh thoảng, ông lại tham dự các triển lãm đồ tái chế cả trong và ngoài nước để nâng cao kiến thức.
Túc trực trên các giao lộ để sẵn sàng cứu người
Bên cạnh những lúc bận rộn với rác, ông Thơm còn dành cả thời gian túc trực bên những giao lộ động người. Những người dân ở Ngã 6 Phù Đổng, Ngã 6 Dân Chủ (quận 3) hay Công viên Gia Định (quận Gò Vấp) đã quá quen với hình ảnh ông Thơm đi lại và sẵn sàng giúp đỡ người không may gặp nạn.
Ông Thơm kể: "Có lần tôi bất cẩn bị xe lấy rác làm bị thương, nhưng không có ai giúp nên tự mình dùng vải quần băng bó cầm máu. Từ sự vụ của bản thân, tôi mới suy nghĩ rằng trước giờ mình làm được nhiều thứ rồi, giờ sao không thể tạo thêm cái thùng cứu thương di động mang theo để có thể giúp người gặp nạn trong những lúc cấp bách".
Từ ấy, trên chiếc xe máy đi lại hàng ngày, ông Thơm tự chế thêm chiếc thùng y tế chứa bông băng, thuốc đỏ,... để có thể sơ cứu kịp thời. Ông cũng chế thêm còi báo động, camera an ninh cho chiếc xe của mình, tất cả sử dụng năng lượng mặt trời do tự tay ông thiết kế.
Ông cười xòa: "Nhiều người nói tôi khùng, tôi bảo nếu khùng mà làm được việc, giúp được người, được đời thì còn hơn là bình thường". Với kinh nghiệm tích lũy trong quân đội ngày trước, ông chẳng ngần ngại ra tay sơ cứu người đi đường không may bị gãy tay, gãy chân, nếu trường hợp nặng quá thì ông sẽ gọi lực lượng chức năng đến giúp.
Ông Thơm cho hay: "Ban đầu làm việc này tôi gặp phải mấy lần 'làm ơn mắc oán', nhưng về sau mình rút kinh nghiệm để người ta không hiểu lầm nữa và giúp được nhiều người hơn".
Dù đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", ông Thơm chẳng hề mệt mỏi mà trái lại, vẫn căng tràn sức khỏe và xông xáo đi làm việc thiện. Con cái ông cũng khuyên ông ở nhà cho khỏe, nhưng ông không chịu. Thay vì ở nhà nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng tuổi già, ông Thơm vẫn ngày ngày ra đường, làm những việc tử tế mà ông cho rằng đã "thấm vào máu, ở nhà không chịu được đâu".
Người đàn ông hơn 20 năm phá núi đào đường vì tình yêu với người vợ đã khuất
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận