"Món quà" to lúc về già - Câu chuyện nhân văn sâu sắc

Hết lòng chăm sóc em trai thiểu năng, cuộc đời bất ngờ và hạnh phúc khi nhận được "món quà" to lớn lúc về già.

Đỗ Thu Nga
16:00 25/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trước khi qua đời cách đây 23 năm, ông nội đã nhờ bố tôi chăm sóc chú tôi thật tốt. Ông nội tôi có tất cả 3 người con, cô út thì lấy chồng xa, chỉ có bố và chú tôi sống ở quê nên vẫn tiện chăm sóc. Chú cách bố tôi tận 18 tuổi, có khiếm khuyết về trí tuệ. Dù đã ngoài 40, nhận thức của chú chỉ như một đứa trẻ 9 – 10 tuổi. Vì thế nên ngay cả khi đã gần đất xa trời, ông nội tôi vẫn vô cùng lo lắng cho người con này.

Trước đề nghị của ông nội, bố tôi gật đầu trong nước mắt. Sau khi lo xong tang sự cho ông, ông dẫn chú tôi về nhà ở hẳn. Kể từ ngày chúng tôi lập gia đình, căn nhà của bố mẹ trở nên buồn tẻ, có chú tôi về bầu bạn, không khí cũng vui vẻ hơn nhiều.

Bố kể khi chú tôi chào đời, ông bà nội mới phát hiện não của chú có vấn đề, lớn lên sẽ không được thông minh như người khác, chỉ có thể hiểu và làm được những việc đơn giản nhất. Ông nội từng cho chú đi học, thế nhưng kết quả là chú tôi không thể ngồi yên mà chạy thẳng ra đồng chơi. Từ đó về sau, bố tôi luôn theo sát người em này mọi lúc, mọi nơi, đồng thời dạy chú học đọc và viết. Tuy nhiên, với trí não của một đứa trẻ, dù bố tôi có cố gắng thế nào thì chú tôi cũng không tiếp thu được gì.

Sau này, bố tôi không dạy chú học nữa mà tập trung dạy các những kỹ năng sống đơn giản như làm đồng, giặt giũ, nấu ăn… để chú tôi vẫn có thể tự chăm sóc bản thân. Không ngờ, những điều này với chú tôi lại rất dễ dàng. Vì thế nên khi về nhà tôi sống, chú vẫn giúp mẹ tôi một số công việc nhà.

Muốn chú tôi sống tự lập hơn, bố tôi đã suy nghĩ suốt 2 ngày rồi “đánh liều” nhờ một người họ hàng ở thành phố giúp chú tôi tìm công việc như quét đường và làm công nhân vệ sinh. Cứ thế mỗi sáng, ông dẫn chú đi làm rồi chiều lại đón về. Mãi đến khi chú tôi nhớ được đường về nhà thì ông mới yên tâm để chú đi làm một mình. Cũng nhờ công việc này, chú tôi bắt đầu có thu nhập riêng với mức lương hàng tháng là 600 NDT.

mon-qua-to-luc-ve-gia-cau-chuyen-nhan-van-sau-sac-8

Bên cạnh đó, chú tôi còn thu thập chai nước khoáng và hộp giấy để bán lấy tiền. Cứ thế mỗi tháng, chú có thể kiếm được khoảng 1.700 NDT. Cộng với việc có giấy chứng nhận khuyết tật, chú tôi còn được trợ cấp sinh hoạt, mỗi tháng có thể nhận được được vài trăm nhân dân tệ. Để giúp em trai giữ tiền, bố tôi đã đưa chú đến ngân hàng để mở tài khoản sổ tiết kiệm.

Cuộc sống cứ yên bình trôi như thế cho đến 2 năm trước, gia đình tôi xảy ra biến cố khá lớn. Ở tuổi ngoài 60, bố tôi bị ngã xe và phải đưa vào viện cấp cứu. Tai nạn này cùng với căn bệnh nền trong người đã khiến ông gầy rộc và hốc hác đi thấy rõ. Cũng vì thế mà những ngày đến thăm bố, chú tôi đều khóc như một đứa trẻ.

Mẹ tôi kể lại vào hôm bác sĩ đến thông báo tình trạng sức khỏe của bố, chú tôi đã nghe thấy rồi lập tức rời đi. Chỉ một lúc sau đó, chú quay lại, nhét một cục tiền vào tay mẹ rồi nói: “Chị dâu lấy tiền này chữa bệnh cho anh của em nhé!”

Hóa ra, số tiền này là tất thảy của cải chú tôi tích góp được trong nhiều năm. Vì muốn chữa trị cho bố tôi, chú đã đi rút sạch tiền của mình để phụ mẹ tôi chi phí phẫu thuật cho bố. Tuy nhiên, mẹ tôi chỉ dám nhận 1 nửa số tiền đó và hứa sau này sẽ trả lại.

Nhờ làm phẫu thuật kịp thời, bố tôi cũng dần bình phục. Khi nghe mẹ kể lại chuyện em trai dùng tiền giúp lúc khó khăn, bố tôi vừa cảm động vừa hạnh phúc. Bố tôi nói rằng ông rất vui và yên tâm khi thấy em trai mình đã “trưởng thành”, biết tự làm ra tiền và biết quan tâm đến người khác và sống rất tình cảm. Đây cũng là món quà lớn nhất mà ông nhận được khi tuổi đã xế chiều.

(Theo 163.com)

Xem thêm: Dòng sông vẫn trôi - Câu chuyện nhân văn sâu sắc

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận