Lê Thần Tông và chuyện "làm vua nhiều khi cũng không thật sướng"

Lê Thần Tông làm vua nhưng quả thật cũng không sung sướng gì cho cam. Cưới vợ đầu hơn 12 tuổi, có 4 con, vua phải "tặc lưỡi" mà lấy. Rồi khi lên làm Thái Thượng Hoàng lại lần nữa "tặc lưỡi" lên ngôi vua lần thứ 2.

Đỗ Thu Nga
10:00 17/08/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vua Lê Thần Tông thời Lê Trung hưng sinh năm 1607, trong bối cảnh đất nước đang phân tranh quyền lực. Sau khi giúp nhà Lê đánh quân Mạc, Bình An Vương Trịnh Tùng lấn quyền vua Lê, mở đầu cho một thiết chế quyền lực đặc biệt ở nước ta thời đó: Vua Lê - Chú Trịnh kéo dài đến 2 thế kỷ.

Quyền lực thực sự nằm trong tay các chúa Trịnh nên vua Lê phải chịu lép vế. Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại: "Chúa Trịnh Tùng chuyên quyền lấn áp ngày một quá, vua Lê Kính Tông không chịu được. Vì nghe biết việc Trịnh Xuân, con Trịnh Tùng ngầm có lòng cướp ngôi của người con trưởng, nhân đấy vua bàn mưu với Xuân Giết Tùng, rồi quyền bính sau này trao cho Xuân".

Nhưng sự việc này không thành, Trịnh Tùng bắt vua phải tự thắt cổ rồi đưa con vua lên ngôi, chính là Lê Thần Tông, khi đó mới 12 tuổi.

Lê Thần Tông là vị vua không có thực quyền. Sử chép, Lê Thần Tông là người "thông minh học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, xứng đáng là bậc Vua giỏi", Vua vẫn chịu an phận dưới quyền lực họ Trịnh.

Le-Than-Tong-va-chuyen-lam-vua-nhieu-khi-cung-khong-that-suong-8
Tranh minh họa

Cũng vì thế mà vua phải lấy vợ già, đã có 4 con. Nhưng là con gái của chúa Trịnh Tráng, là Trịnh Thị Ngọc Trúc. Đứng về mặt thứ thế thì vua Lê phải gọi bà bằng bác dâu, vì bà lấy người bác họ của vua Lê là Lê Trụ, lúc này đang bị giam trong ngục vì tội mưu phản Chúa. Triều thần can gián, nhưng Vua không nghe và cho rằng "Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy".

Cái "tặc lưỡi" của vua Lê Thần Tông mang lại sự yên ổn cho ông trong cái thế "cá chậu chim lồng". Vả lại, có những lúc ông muốn giành quyền lực... làm vua nhưng rồi cũng buông xuôi vì chúa Trịnh Tùng là ông ngoại, chúa tiếp theo, Trịnh Tráng là bố vợ và cũng là cậu ruột (mẹ của vua là Đoan Từ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh là con gái Trịnh Tùng, chị của Trịnh Tráng).

Cái quan hệ nhằng nhịt giữa dòng vua và dòng chúa về mặt huyết thống đã giúp cho quyền lực thượng tầng vững chắc, xã hội ổn định. Nhất là suốt 200 trăm năm Lê - Trịnh, biên giới phía Bắc giữ vững, mặc dù khi đó nhà Minh đang hồi cực thịnh và không ngừng dòm ngó nước Việt ta.

Trong cái thế chúa Trịnh, cũng là đằng ngoại của vua nắm quyền lực, Lê Thần Tông có cách xử thế "vua tới nhà chúa vui vẻ hòa hợp 1 nhà, dồi dào phong thái thuần hậu hòa mục, ung dung rủ áo chắp tay mà hưởng lộc trời. Thế chẳng tốt đẹp sao. Bốn lần xa giá xuất chinh, hai lần bước lên ngôi báu, đó cũng là xưa nay hiếm có" (Lời bình của sử gia Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”).

Sử sách sẽ còn phán xét dài dài về vị vua này: Nhu nhược hay khôn khéo? Chỉ biết rằng, chúa Trịnh đưa ông lên ngôi báu, lạic họn 4 con ruột của ông làm vua kế tiếp, giữ kỷ lục là người có nhiều con ruột làm vua nhất lịch sử nước ta. Cũng chính cách xử thế của ông khi đã cởi Hoàng bào làm Thái Thượng hoàng rồi mà vẫn phải lên ngôi lần nữa. Cũng là người duy nhất có số làm vua đến 2 lần trong sử Việt.

Le-Than-Tong-va-chuyen-lam-vua-nhieu-khi-cung-khong-that-suong
Chùa Mật Sơn, Thanh Hóa, nơi có các tượng thờ Vua Lê Thần Tông và 6 bà Hoàng Hậu, Phi Tần

Trong thời gian Lê Thần Tông làm vua, ông cùng chúa Trịnh đã làm được kha khá việc mà sử sách đã ghi lại: "Bình xong nội nạn, hòa hợp nhân dân, trong nước yên ổn, chấn cử kỷ cương, mọi việc đều giao cho triều đường công luận, cẩn thận giữ gìn pháp độ, cho nên cái phúc nuôi dưỡng yên ổn hòa bình thật là dày lắm".

Cũng phải nói rằng, Lê Thần Tông biết dùng người tài, loại người gian lận trong thi cử. Thư tịch ghi rằng: Năm 1623 có mở cuộc thi đình, có người mới đỗ tiến sĩ là Nguyễn Trật nhưng trong kỳ thi hội trước đó đã mượn người thi mà đỗ, Vua cũng không cho xướng danh và ban cho thứ bậc. Năm 1628, lại tổ chức thi hội và thi đình, chọn được một số tiến sĩ, trong đó có Giang Văn Minh, về sau là nhà ngoại giao xuất sắc. Năm 1631 lại mở cuộc thi hội, thi đình. Có người tố cáo Nguyễn Văn Quang thiếu điểm mà vẫn trúng tuyển, Vua bèn bỏ tên đi. Năm 1634, 1637, 1643 lại thi tuyển tiến sĩ. Vào thời Lê Thần Tông có nhiều cuộc thi tuyển nhân tài khá công bằng hơn nhiều thời vua khác.

Ít ai biết được, Lê Thần Tông còn là ông vua "sính vợ ngoại". Ông có vợ người Thái, người Hoa, người Lào, người Mường. Đặc biệt, ông có 1 bà vợ người Hà Lan.

Giai đoạn này, nhiều thương thuyền Hà Lan đến đàng ngoài. Những thương điếm nổi tiếng như Phố Hiến, Thăng Long tấp nập kẻ mua người bán đem đến sự cường thịnh của Đại Việt một thuở. Không rõ Vua Lê lấy bà Orona vì mục đích chính trị, giao thương nên một lần nữa phải "tặc lưỡi" hay không. Nhưng vị trí của bà phi ngoại quốc này cũng quan trọng: là 1 trong 6 hoàng hậu và phi được thờ ở chùa Mật (Thanh Hóa).

Nhiều người cho rằng ông là vị vua duy nhất lấy vợ phương Tây và có nhiều vợ ngoại quốc nhất. Nói vậy cũng chưa được chính xác. Sau Thần Tông còn có Hoàng đế Bảo Đại. Bảo Đại từng có 3 bà vợ Tây (các bà: Vicky, Clement, Monique), mặc dù lúc lấy vợ Tây, Bảo Đại đã là Cựu Hoàng.

Cũng phải nói thêm về  Hoàng hậu đầu tiên Trịnh Thị Ngọc Trúc. Có lẽ tình duyên với vua lê mặn mà lắm, mặc dù được coi là mẫu nghi thiên hạ, bà cũng nhanh chóng về chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) quy y cửa Phật. Bà còn là tác giả của cuốn “Chí Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa” được coi là một tác phẩm tự điển Hán Nôm và là bộ bách khoa thư đầu tiên của nước ta.

Lê Thần Tông cũng là người thích du ngoạn. Đại Nam Nhất thống chí có chép: "Chùa Đại Bi, còn có tên là chùa Mật Sơn, ở núi Ngọc Nữ ở thôn Mật Sơn, xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn trông ra Kênh Vi. Vua Lê Thần Tông lên núi chơi, sai dựng chùa ở cạnh núi, tạc chân dung nhà Vua. Nay dân sở tại vẫn thờ". Nói như vậy, thì chính Thần Tông cho người xây chùa Mật. Nhưng, những chữ khắc trên văn bia chùa Mật lại ghi không phải là ông mà là con ông, Vua Lê Huyền Tông (1663-1671) mới là người dựng chùa Mật Sơn để thờ Vua cha Lê Thần Tông và các bà hoàng hậu và phi tần của cha ông. Đấy cũng là một sự kiện lịch sử cần có sự đính chính.

Le-Than-Tong-va-chuyen-lam-vua-nhieu-khi-cung-khong-that-suong-0
Tượng Hoàng Phi người Hà Lan, bà Orona

Ở chùa Mật Sơn, còn có các pho tượng thờ: Vua Thần Tông và xung quanh là 6 bà vợ. Các tượng có kích thước xấp xỉ nhau và gần bằng người thật, được làm bằng gỗ quý, sơn son thiếp vàng. Đáng lưu ý là có tượng bà phi Orona với những nét đặc trưng phương Tây như sống mũi thẳng và gồ cao, mặt phương phi, trang phục lộng lẫy, dáng vóc đẫy đà. Sự có mặt của bà phi Hà Lan đã chứng minh bà đã thực sự hòa đồng với người Việt và họ cũng hết sức tôn trọng bà mà không bài ngoại. Những pho tượng gỗ này vẫn còn và là tư liệu quý khi nghiên cứu về trang phục của các bà hoàng thời Lê. Riêng tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc có lẽ được miêu tả đẹp nhất được mang về trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia và mới đây được tôn vinh là Bảo vật Quốc gia.

Còn 1 thâm cung bí sử nữa: Tại sao thế lực họ Trịnh lấn át Vua Lê đến vậy, mà sao không lật đổ nhà Lê để thành một vương triều mới? Có thể, cái thế của các Chúa Trịnh còn chưa danh chính ngôn thuận lắm, còn cần phải dựa vào hơi hướng của các Vua Lê, ăn lộc từ thời Vua Lê Lợi đầy quyền uy và có công giúp đuổi được giặc Minh. Mặt khác, bên cạnh thế lực Chúa Trịnh ở đàng ngoài còn có thế lực ngày càng hùng mạnh của Chúa Nguyễn ở đàng trong nữa. Chưa kể thế lực của nhà Mạc vẫn còn đâu đó ở miền núi Việt Bắc. Cái thế ràng buộc quyền lực giữa Trịnh, Nguyễn, Lê, Mạc đã kéo dài vài thế kỷ.

Đã đến lúc, các nhà sử học cần làm rõ hơn giai đoạn lịch sử này và vai trò của Vua Lê Thần Tông, vai trò của các Chúa Trịnh. Một giai đoạn đặc biệt của lịch sử. Dẫu sao, cái thời Lê-Trịnh ấy cũng là thời mà sử sách chép lại là đất nước thái bình, không có giặc ngoại xâm phương bắc.

Lịch sử đã đánh giá lại vai trò của nhà Nguyễn, nhà Mạc một cách công tâm hơn. Gần đây, ngay tại Hà Nội đã có tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông. Lịch sử chắc sẽ còn phải đánh giá vai trò đúng mực và công bằng hơn đóng góp của các Chúa Trịnh, Vua Lê trong lịch sử thời Lê - Trịnh nữa.

Xem thêm: Dung nhan các vị vua Việt được sử sách miêu tả thế nào?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận